Nguyễn Thị Huyền
(VNTB) – Là một đảng viên cộng sản, tôi nghĩ rằng nếu đã dựng tượng ông Lê Nin thì cũng cần thiết phải dựng tượng đài Mao Trạch Đông, một người bạn thân thiết của đảng cộng sản Việt Nam.
Đọc báo tôi thấy có tin thành phố Vinh ở tỉnh Nghệ An vừa khởi công xây dựng tượng đài Lê Nin tại vườn hoa đầu con đường mang tên nhà lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga. Tượng do phía Nga tặng, các phần còn lại của việc đặt tượng, thấy báo đăng là chi phí chừng trên 8 tỷ đồng Việt Nam, lấy từ ngân sách của tỉnh Nghệ An, tức chịu sự điều chỉnh của Luật Ngân sách nhà nước 2017.
Tôi nghĩ rằng lý do để xuất chi cho dự án tượng Lê Nin ở Vinh là tại Điều 3, Nghị định 163/2016/NĐ-CP về chuyện chi dành cho hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Như vậy giả dụ trong trường hợp người dân không là đảng viên, vì xót của ngân sách quốc gia vốn luôn eo hẹp (cứ theo đồng hồ nợ công quốc gia Việt Nam sẽ rõ hơn về ưu tư này!), nên họ phản đối chuyện dựng tượng đồng ông Lê Nin cũng lẽ thường tình.
Là đảng viên tôi lại thắc mắc vì sao hai đảng cộng sản Trung – Việt gắn bó suốt mấy mươi năm qua, đặc biệt là còn rất nhiều hình ảnh thắm thiết giữa lãnh tụ Mao Trạch Đông với lãnh tụ Hồ Chí Minh, song tỉnh Nghệ An quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh lại không nghe thấy việc dựng tượng Mao Trạch Đông? Hay là đã có dựng tượng Mao chủ tịch rồi, song vì tôi ở tận phương Nam xa xôi nên chưa được biết tới?
Trong cả hai trường hợp về dựng tượng Lê Nin và tượng Mao Trạch Đông ở thời điểm hiện nay, khi thông tin không còn chịu sự giới hạn của biên giới hành chính và sự cấm đoán của chính quyền, thì lợi bất cập hại về giá trị nhân văn.
Giả dụ nếu mai đây có hướng dẫn viên du lịch nào đó đưa đoàn khách đến khu công viên có tượng đài Lê Nin ở Vinh, và trong bản thuyết minh ‘lỡ miệng’ có câu giới thiệu ‘ngoài kịch bản duyệt’: Kính thưa quý khách, đây là tượng đài bằng đồng được chính quyền tỉnh Ulyanovsk là tỉnh kết nghĩa với Nghệ An tặng tỉnh Nghệ An. Ông Lê Nin là người khai sinh ra nhà nước Xô Việt xã hội chủ nghĩa và nhà nước cộng sản này đã bị xóa sổ vào năm 1990 ở thế kỷ trước.
Một giả dụ khác. Mai đây có đoàn thực tập sinh nào đó về Vinh. Thầy cô giáo trong đoàn thuyết minh: Đây là tượng đồng Lê Nin đã được dựng ở mùa dịch cúm Vũ Hán – Corona hồi tháng 2 năm 2020. Trung tuần tháng 10 năm 2012, thủ đô Ulan-Bator của Mông Cổ gỡ bỏ tượng đồng cuối cùng của Vladimir Lenin và thị trưởng gọi lãnh đạo cộng sản này là “kẻ sát nhân”. Với chúng ta, thì như các anh chị thấy, phần đế tượng mặt ngoài ốp đá, mặt trước khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt “LÊ NIN, 1870 – 1924”, mặt sau khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt “Như là một dấu hiệu của tình bạn”.
Còn nếu dựng tượng Mao chủ tịch thì sao? Cá nhân tôi cho rằng nếu không phải vì yếu tố ngoại giao giữa hai đảng luôn được gọi là anh em – mặc dù ‘em’ đã 90 tuổi, hơn ‘gã anh’ đến 20 tuổi, thì việc dựng tượng Mao Trạch Đông sẽ là cú tát thẳng vào quân sử của Việt Nam, khi ai cũng biết rõ dã tâm xâm lược Việt Nam của Trung Quốc.
Mà đã không thể dựng tượng Mao Trạch Đông thì việc dựng tượng Lê Nin sẽ càng khiến người đời dè bỉu về một nhà nước Xô viết cộng sản do Lê Nin lập ra, khi họ liên tưởng tới ngọn núi Rushmore, nơi có tượng 4 Tổng thống kiệt xuất của Mỹ được tạc vào vách núi bao gồm: George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln.
Xem ra tượng đài bất tử phải là tượng đài trong lòng dân. Người dân không thờ sai ai bao giờ là vậy.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả