VNTB – Phê phán sách giáo khoa sẽ bị kỷ luật, đẩy công tác?

VNTB – Phê phán sách giáo khoa sẽ bị kỷ luật, đẩy công tác?

Nam Kinh

 

 

(VNTB) – Tại sao phê phán chương trình sách giáo khoa phổ thông, một hình thức đóng góp ý kiến lại bị kỷ luật đến mức điều chuyển công tác đến vùng khó khăn hơn? 

 

Sở GD&ĐT Nghệ An thức thời khi yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn thu hồi văn bản kỷ luật cô giáo đăng ảnh học sinh đeo khẩu trang giấy.

 

Điều đó có ý nghĩa tốt, chứng minh cô Lô Thị Phim – Cán bộ thiết bị – thư viện không sai. Và đáng ra cô Phim phải được tuyên dương, khen thưởng vì phô bày sự thật trớ trêu đó.

 

Sở GD&ĐT Nghệ An biết lắng nghe. Điều đó rất tốt, lắng nghe dư luận phán xét đúng – sai là điều nên có ở một cơ quan nhà nước.

 

Ngay sau đó, ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, người ký văn bản trên thừa nhận sai. Nhưng sai vì “thiếu sót về mặt soạn văn bản” của phòng Giáo dục. Thành ra, cô Lô Thị Phim không bị kỷ luật mà chỉ là phê bình, nhắc nhở.

 

Nhưng điều đáng nói, trong văn bản phê bình, nhắc nhở, kỷ luật còn có trường hợp cô Võ Thị Thảo, Giáo viên trường PTDTBT TH&THCS Tà Cạ bị kỷ luật vì đăng nội dung “phê phán” chương trình thay sách giáo khoa phổ thông mới trên mạng xã hội. Ngoài kỷ luật, cô Thảo còn bị điều động đến dạy học ở vùng khó khăn hơn.

 

Nhưng sao cô Thảo không được xem xét lại? Vì lý do là cô không được dư luận xã hội bảo vệ, do trọng tâm chú ý dồn hết vào cô Phim?

 

Truyền thống định hướng, ngăn chặn, bịt miệng “phê phán” trong cơ quan nhà nước làm tha hoá nhân cách con người đã và đang diễn ra tại phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn?

 

Tại sao phê phán chương trình sách giáo khoa phổ thông, một hình thức đóng góp ý kiến lại bị kỷ luật đến mức điều chuyển công tác đến vùng khó khăn hơn? Phải chăng đây là chính sách “bịt miệng” để làm hài lòng cấp trên, hay vốn dĩ phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn quen cách “vâng lệnh” hơn là đứng thẳng để chỉ ra những điểm sai trái trong ngành giáo dục?

 

Quan điểm của Sở GD&ĐT Nghệ An như thế nào? Có thực sự là vì quyền lợi của giáo viên và phát triển của ngành giáo dục hay không? Tại sao lại chú ý đến trường hợp cô cô Phim mà bỏ qua trường hợp cô Thảo? Phải chăng Sở chỉ lưu tâm đến những ai được đưa lên mạng xã hội, hơn là nhìn nhận đúng sai trong vấn đề quản lý nhân sự của cấp dưới?

 

Nếu cô Thảo “phê phán” sai, tạo tin giả thì tại sao kỹ luật lại bao gồm cả điều chuyển công tác đến vùng khó khăn hơn? Điều đó có phải là “đòn thù”, “trừng phạt” đối với những người dám “ý kiến, ý cò”?

 

Có hàng vạn câu hỏi đặt ra trong văn bản nhắc nhở, phê bình, kỹ luật của Sở GD&ĐT Kỳ Sơn. Chưa cần đặt vấn đề quyền tự do trong Hiến pháp 2013 ra. Nhưng nếu xét dưới góc độ dân quyền mà cụ Hồ Chí Minh đề ra từ góc nhìn dân chủ, đó là muốn chống được quan liêu và tham nhũng trong các cơ quan Nhà nước thì phải thực hành dân chủ rộng rãi. Mà “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”.

 

Thế nhưng ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn có vẻ đang làm ngược lại tư tưởng của cụ Hồ bằng hành xử “bịt miệng”? Còn Sở GD&ĐT thì thờ ơ, có phần đồng tình với cách hành xử của cấp dưới?

 

Và nếu cách hành xử phi dân chủ này tiếp diễn thì chúng ta đang đào tạo con người với đạo đức “im lặng là vàng” ư?

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)