VNTB – Sao lại cháy chung cư ở Hà Nội?

VNTB – Sao lại cháy chung cư ở Hà Nội?

Đông Đô

 

(VNTB) – Vụ cháy nhà trọ 3 tầng ở số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội khiến 14 người chết, 3 nạn nhân bị thương.

 

Có thể là quá sớm khi chưa thấy quan đầu lĩnh nào ở Hà Nội đứng ra nhận trách nhiệm, và tuyên bố ‘cởi áo từ quan’ vì để xảy ra tai nạn quá đỗi thương tâm này.

Đây là vụ cháy thảm khốc thứ hai ở Hà Nội chỉ trong vòng chưa tới một năm sau vụ cháy hồi tháng 9 năm ngoái tại một chung cư tư nhân ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, khiến 56 người thiệt mạng.

Và cũng trớ trêu thay, ngày 23-5, UBND TP Hà Nội vừa tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy cấp thành phố, thì đến rạng sáng hôm sau đã xảy ra vụ cháy trên.

Luật Phòng cháy và Chữa cháy, tại Điều 58 “Cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy”, ghi:

“1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy.

2. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy.

3. Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an tổ chức thực hiện các quy định về phòng cháy và chữa cháy. (…)

4. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy tại địa phương”.

Tại khoản 3 của Điều 63 luật nêu trên, quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức do thiếu trách nhiệm trong tổ chức, quản lý, kiểm tra việc thực hiện hoạt động phòng cháy và chữa cháy mà để xảy ra cháy thì tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Như vậy với chí ít hai điều khoản của luật chuyên ngành, cho thấy trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà trọ 3 tầng ở số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội vào đêm về sáng ngày 24-5-2024, nếu truy xét về trách nhiệm người đứng đầu thì đó là Giám đốc Công an Hà Nội, và Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Theo quan sát của người Hà Nội cố cựu, thì bắt đầu từ thập niên 1960 trở đi, lượng người từ nông thôn và số lượng cán bộ công nhân viên chức được điều động công tác dồn về sinh sống và làm việc ở Hà Nội và các thành phố ở miền Bắc ngày một đông.

Nhà nước tiến hành xây dựng lên các nhà cao tầng để phân chia cho cán bộ, viên chức nhà nước, hình thành ra các khu tập thể nhà cao tầng, thông thường cao 4 tầng gồm 3 lầu, một trệt. Diện tích các phòng của tòa nhà tập thể này rộng chừng 18 đến 22 m² với mục đích để phân cho những người độc thân hoặc gia đình cán bộ.

Theo thời gian, những người độc thân tạo lập gia đình làm số hộ gia đình ở các khu tập thể cao tầng tăng lên, và số nhân khẩu cũng tăng theo. Diện tích sinh hoạt của các phòng trở thành chật chội, người ta tăng diện tích bằng cách gắn ra phía ngoài ban công những cái lồng bằng sắt có mái che và sinh hoạt, sử dụng bên trong cái lồng đó. Dân gian gọi cái phòng bằng khung sắt này là “chuồng cọp”.

Ngoài ra “chuồng cọp” còn giúp tăng tính an toàn nếu nhà có trẻ nhỏ, và giúp chống trộm đột nhập vào nhà. “Chuồng cọp” được làm chủ yếu bằng các loại vật liệu như sắt, inox, hoặc lưới dây.

Điều dễ thấy là nhà có “chuồng cọp” ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy. Đôi khi, vì những cái “chuồng cọp” ở ban công mà việc thoát thân, công tác phòng cháy chữa cháy trở nên khó khăn hơn. Thêm vào đó còn có hệ thống dây điện các loại chằng chịt đan xen, chạy luồn lách qua các mái tôn, rào sắt… tiềm ẩn nguy cơ chập cháy.

Cho đến hiện tại, giữa thủ đô Hà Nội, những khu nhà chung cư, tập thể cũ hay các ngôi nhà cao tầng trong ngõ hay ngay mặt phố chính đều xuất hiện nhan nhản những “chuồng cọp”; và người ta vẫn không thấy ai đứng ra nhận lỗi về quản lý an toàn đô thị trong tình trạng như vầy kéo dài từ thập niên 1960 đến tận hôm nay.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)