VNTB – Hà Nội lúng túng khi được yêu cầu kiểm soát dịch bệnh Covid

VNTB – Hà Nội lúng túng khi được yêu cầu kiểm soát dịch bệnh Covid

Đông Đô

(VNTB) – Dường như lãnh đạo Hà Nội vẫn bảo thủ chiến lược truy tìm để ‘bắt nhốt’ bằng được F0 vào các trại cách ly.

 

Hai mẫu xét nghiệm có giá bằng một liều vắc xin

Từ ngày 6 đến 12-9, Hà Nội sẽ xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn thành phố theo nguyên tắc: Tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần; tại khu vực có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần; tại các khu vực khác, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.

Hà Nội đặt mục tiêu trước ngày 15-9 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh để vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế.

Kế hoạch trên y hệt như TP.HCM lúc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn là Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Nhận xét về kế hoạch mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội đặt ra, ông Nguyễn Huy Nga, cựu Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng “đây là quyết định không có kiến thức khoa học, thiếu hiệu quả và lãng phí kinh khủng”. Ông Nga ước tính, chi phí mà Hà Nội bỏ ra để lấy mẫu xét nghiệm cho 100% người dân toàn thành phố khoảng 8 triệu người có thể mua được 6 triệu liều vắc xin.

Cụ thể, tính trung bình lấy mẫu test nhanh và cả PCR khoảng 300.000 đồng/ mẫu tính cho 8 triệu người dân, cộng thêm chi phí rất lớn cho quần áo lấy mẫu, găng tay bảo vệ, nước sát khuẩn cũng như công sức của cán bộ y tế. Trong khi vắc xin chỉ khoảng 500.000 – 600.000 đồng/liều.

Khó khả thi và không khoa học

“Nếu đối tượng xét nghiệm là tất cả những người trên 18 tuổi thì số lượng người cần xét nghiệm là hơn 5,7 triệu người. Còn nếu toàn dân hiểu theo nghĩa là tất cả mọi người sinh sống trên địa bàn thành phố, thì số lượng người cần làm xét nghiệm có thể lên tới gần 10 triệu. Đó đều là những con số quá lớn để đảm bảo tính khả thi về thời gian và đảm bảo về chất lượng của xét nghiệm” – Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng, nhận xét.

Theo bác sĩ Trần Tuấn, chống dịch dựa trên khoa học, nhưng cần tránh “khoa học hàng chợ” và đừng để xảy ra “râu ông nọ cắm cằm bà kia”!

“Mục tiêu để lấy được mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm với số lượng xét nghiệm lớn như trên nếu bằng mọi cách theo tôi thì cũng có thể đạt được. Nhưng điểm quan trọng là kết quả đó có giúp cho việc nhận biết và bóc tách hết các F0 ra khỏi cộng đồng để kiểm soát dịch như mục tiêu của Hà Nội hay không lại là câu hỏi lớn.

Và câu trả lời chắc chắn là không.

Chính phủ và cả Hà Nội cũng đã xác định để dập dịch nhanh nhất chỉ còn một cách là đẩy tỷ lệ miễn dịch cộng đồng từ 70% trở lên. Và chìa khóa chỉ có thể là vắc xin. Việc xét nghiệm để truy tìm các F0, rồi cách ly, phong tỏa chỉ có thể làm chậm diễn biến của dịch, chứ không thể kiểm soát được dịch bệnh một khi dịch đã ở trong cộng đồng như hiện nay.

Bên cạnh đó, hệ thống giám sát dịch bệnh cần thông qua sự chủ động báo cáo của người dân để phát hiện những trường hợp nghi ngờ hoàn toàn bằng các triệu chứng lâm sàng” – bác sĩ Trần Tuấn biện luận.

Bao giờ ‘trời sẽ sáng rõ’?

Vẫn theo ‘phản biện’ của vị bác sĩ chuyên ngành Dịch tễ học và sức khỏe dân số từ Đại học Newcastle, Úc (1997 – 2003), thì không phải hạn chế người dân ra đường thì chống được dịch. Việc người dân có đi lại hay không thì điều quan trọng là có thực hiện đúng các yêu cầu về phòng chống dịch hay không.

Theo cách đó, thì việc chính quyền đưa thêm các thủ tục hành chính về cấp và kiểm tra giấy đi đường tại các chốt, đòi hỏi các giấy xét nghiệm âm tính hay ngay cả việc xét nghiệm diện toàn dân như hiện nay luôn tạo ra các hao tổn chi phí và cả nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tổn hại của dịch bệnh lúc này có thể đến từ chính các biện pháp can thiệp chống dịch chứ không chỉ từ con vi rút.

“Cái giỏi, cái tài của người lãnh đạo hệ thống, là đứng trước mỗi thách thức thực tế, đưa ra được lời giải ‘sáng nước’ cho bài toán chọn ‘đúng người’ giao ‘đúng việc’ đảm bảo đúng ‘khoa học dẫn đường’!

Muốn vậy, ngay từ bây giờ, vì lợi ích cả trước mắt và lâu dài, phải chống bằng được tình trạng phát triển ‘khoa học hàng chợ’ đang lan tràn trong nước! Để cho những kẻ khoa học hàng nhái ngồi vào ‘ghế hội đồng tư vấn chiến lược’, hoặc giao việc theo lối ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’, thì thực lòng, thà đi thực tế hỏi dân cho kỹ rồi tự quyết, còn đem lại lợi ích thiết thực hơn nhiều, nhanh hơn nhiều, hiệu quả hơn nhiều, và có sai cũng đỡ nặng nề hơn nhiều!

Làm chính sách dựa trên bằng chứng khoa học, quản lý hệ thống lấy khoa học dẫn đường,  đã là câu cửa miệng của biết bao người có trách nhiệm! Nhưng để tới được đích đó, chỉ dành cho số ít người thực tâm, thực tài!

Bao giờ đất nước có được những người như thế ở các vị trí chiến lược trong hệ thống nhà nước, lúc ấy, trời sẽ sáng rõ!” – bác sĩ Trần Tuấn nói rằng đây là những phản biện và vận động chính sách y tế của ông trước quyết sách về dịch Covid ở hiện tại đối với các cấp lãnh đạo.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)