Việt Nam Thời Báo

VNTB- Rửa tiền bao nhiêu trong số ‘3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ’?

Minh
Quân
(VNTB)
Vẫn phải chịu vòng kim cô tuyên giáo
trên đầu và ngay trong não trạng, rất nhiều tờ báo nhà nước lao xao bàn về vụ “người
Việt bỏ hơn 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ”, thỏ thẻ về “chảy máu ngoại tệ” và “giá như
để 3 tỷ USD để đầu tư trong nước thì hay biết mấy”, nhưng tuyệt nhiên không dám
đề cập đến vấn nạn rửa tiền.


Vụ “người Việt bỏ hơn 3 tỷ USD mua
nhà ở Mỹ” được phát tin đầu tiên trên báo Mỹ và sau đó là đài BBC Việt ngữ, rồi
loang ra dư luận và trở thành một đề tài nóng hổi. Chi tiết cần lưu ý là nguồn
gốc tin tức này không phải được phát ra từ các cơ quan quản lý hay Hiệp hội bất
động sản Việt Nam, mà lại từ Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR).
Ngày 18/7/2017, hiệp hội này đã công bố báo cáo thường niên có tên “Hồ sơ các
hoạt động quốc tế trong lĩnh vực bất động sản ở Mỹ năm 2017″.
Theo báo cáo trên, dẫn đầu trong Top
10 quốc gia có công dân mua nhà ở Mỹ trong năm 2017 nhiều nhất là Trung Quốc
với 31,7 tỷ USD. Kế tiếp là Canada (19 tỷ USD), Anh (9,5 tỷ USD), Mexico (9,3
tỷ USD) và Ấn Độ (7,8 tỷ USD). Việt Nam tăng 2 bậc (năm 2016 xếp vị trí thứ 8)
để “soán” vị trí thứ 6 với 3,06 tỷ USD, bằng với những quốc gia phát
triển khác như Đức, Nhật Bản và đang phát triển như Venezuela.
Thống kê của NAR cho thấy 65% người
mua Trung Quốc trả bằng tiền mặt, chỉ có 26% vay tiền mua nhà ở Mỹ. Việt Nam là
quốc gia mua nhà liên tục đứng trong top 10 ở Mỹ nhiều năm qua.
Những điểm tương đồng về cung cách
kiếm tiền và xài tiền giữa người/quan chức Trung Quốc với người/quan chức Việt Nam
là giống nhau một cách kỳ lạ.
Hiện tượng các quan tham Trung Quốc
chuyển tài sản cho các thành viên trong gia đình mang ra nước ngoài và họ không
giữ gì trong tay, sau khi gia đình định cư an toàn ở nước ngoài những quan tham
này mới lên kế hoạch thoát thân, đang trở thành phổ biến ở Trung Quốc.
Điểm đến hàng đầu cho các dòng tiền
Trung Quốc chảy ra nước ngoài phi pháp là Mỹ, Châu Âu, Australia, Canada… Tại
Mỹ, Los Angeles là điểm đến ưa thích nhất của các quan tham Trung Quốc.
Vụ bê bối chính trị của gia đình Bạc
Hy Lai – Cốc Khai Lai bị phanh phui khiến dư luận kinh ngạc về mức độ tham
nhũng và cách tẩu tán tiền kiếm được từ tham nhũng của các ông quan tham Trung
Quốc. “Xách tay” hàng nghìn tỷ USD ra khỏi đất nước, mua bất động sản cao cấp ở
nước ngoài, tiêu tiền cho gái, đánh bạc… là những cách thức tẩu tán tiền ra
nước ngoài phổ biến của các quan tham Trung Quốc.
Mặc dù từ lâu đã có nhiều dư luận về
hiện tượng các quan chức Việt âm thầm tẩu tán tài sản ra nước ngoài, nhưng chỉ
đến năm 2016 lần đầu tiên mới bật ra thông tin theo một cách “chẳng giống ai”:
sự rò rỉ bất ngờ và sau đó là tiết lộ của vụ Hồ sơ Panama đã lôi ra ánh sáng
việc Việt Nam có tới 189 cá nhân và tổ chức với 19 công ty vỏ bọc được thành
lập ở nước ngoài, chủ yếu là tại các “thiên đường trốn thuế”. Tổng cộng có đến
92 tỉ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua.
Đến tháng 7/2016, ngay trước thời
điểm thông qua lần cuối tư cách của gần 500 đại biểu Quốc hội, Việt Nam mới
“bỗng dưng” phát hiện một chuyện cười ra nước mắt: nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn
Thị Nguyệt Hường có quốc tịch ở… Cộng hòa Malta – một quốc gia chỉ rộng có 300
cây số vuông, nằm ở một xó của châu Âu, tạo ấn tượng nổi bật nhất nhờ vào hai
việc: trở thành rổ đựng bóng trong các trận cầu quốc tế, và dễ tránh thuế đánh
vào tài sản cá nhân.
Nhưng sau vụ Hồ sơ Panama, mọi
chuyện lại trở về khoảng lặng êm đềm trong quá khứ của nó. Không một cơ quan và
quan chức nào của Việt Nam muốn tự vạch áo cho người xem lưng. Vì thế đã chẳng
có một cuộc điều tra nào, dù chỉ cho có, đối với “Hậu Hồ sơ Panama”.
Con số 3 tỷ USD mà người Việt bỏ ra
mua nhà ở Mỹ thật ra chỉ là “của nổi”. Nhưng đặc tính của quan chức Việt luôn
là “của chìm”, ẩn dưới dạng ngoại tệ và vàng gửi trong tài khoản các ngân hàng
nước ngoài. Giá trị của số “của chìm” này chắc chắn phải cao hơn nhiều lần so
với “của nổi”. Đó là cũng là phương cách rửa tiền hiệu quả mà giới chức quản lý
Việt Nam luôn như nhắm mắt bỏ qua.

Bằng chứng là cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có được một cơ
chế thu hồi tài sản tham nhũng. Hệ lụy chắc chắn sẽ xảy ra là sau khi đã có
“vé”, đến một thời điểm nào đó lớp quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” sẽ
nhảy lên máy bay để “chuồn”, bỏ lại một đất Việt cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng
chính trị và xã hội tan hoang.

Tin bài liên quan:

VNTB – Thông báo về việc phục hồi hoạt động của website Việt Nam Thời Báo

Phan Thanh Hung

Giáo sư Phạm Minh Hoàng tuyên bố từ bỏ quốc tịch Pháp

Phan Thanh Hung

VNTB – Vấn đề buôn người ở Việt Nam là quá lớn để có thể bỏ qua

Phan Thanh Hung

1 comment

Nặc danh 25.07.2017 8:14 at 08:14

Hệ lụy chắc chắn sẽ xảy ra là sau khi đã có “vé”, đến một thời điểm nào đó lớp quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” sẽ nhảy lên máy bay để “chuồn”, bỏ lại một đất Việt cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng chính trị và xã hội tan hoang và tư duy dân tộc bị sa mạc hóa bởi ý thức hệ CS.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo