C.Q
(VNTB) – Khoảng trống (lòng dân thờ ơ, sợ hãi chính trị, e ngại nói về chủ quyền đất nước) phía sau lưng quân đội đến khi nào được lấp đầy?
Biển Đông vẫn đang dậy sóng do những hành động trắng trợn và coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Điều bất ngờ không nằm ngoài biển, mà nằm trong đất liền.
Một sách được công bố trên trang mạng xã hội Facebook cho thấy từ năm 2017 đến nay, mọi người phản ứng ngày càng ít thường xuyên hơn với sự kiện chủ quyền đất nước bị xâm hại, hiếm hoi khi xuống đường biểu thị và ảm đạm khi bàn luận trên mạng xã hội. Trong sự ngang ngược của Trung Quốc đang diễn ra bên ngoài Biển Đông, người phẫn nộ duy nhất có thể nhìn thấy đang che mặt và cầm bảng hiệu khẳng định Việt Nam có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, trước đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Trung Quốc đang hoàn thành các giai đoạn còn lại của “Tuyên bố đường chín đoạn” (còn được gọi là “đường lưỡi bò”). Quan điểm chủ quyền sai trái này của Trung Quốc liên tục bị đoàn ngoại giao Việt Nam bác bỏ. Tuy nhiên, khi bà Ngô Thị Thứ, một giáo viên ở Việt Nam, “thiết kế” một khẩu trang có hình ảnh nói không với “đường lưỡi bò”, thay vì nhận lời ca ngợi vì hình thức bảo vệ chủ quyền, người giáo viên này lại rơi vào tình huống khó xử, nản lòng hơn. Ở một số tỉnh, những người đeo khẩu trang bị đe dọa, quấy rối từ lực lượng cảnh sát. Theo thông tin được phản ánh trên Facebook cá nhân của cô Ngô Thị Thứ vào ngày 22 tháng 4, trong ba ngày đầu tuần, có 6 trường hợp liên quan nhận được giấy mời đến các cơ quan an ninh để “làm việc”.
Giống như anh Nhật Huỳnh, một người dùng Facebook vừa có bài viết với nhan đề “Biết nói gì đây...”. Tôi muốn biết chuyện gì đang xảy ra ở Việt Nam? Khoảng trống (lòng dân thờ ơ, sợ hãi chính trị, e ngại nói về chủ quyền đất nước) phía sau lưng quân đội đến khi nào được lấp đầy?
Người dân đang ngao ngán, thở dài, chán nản. Chỉ muốn gầm lên, từ nay giao toàn quyền lại cho đảng nhà nước lo, đúng như ý nhà nước tuyên truyền và nhấn mạnh lâu nay. Chỉ là một mai, nếu sơn hà nguy biến, thì huy động sức dân làm sao, như thế nào là một câu trả lời không dễ dàng. Hay lúc đó cái kết bi kịch của nàng Mỵ Châu và cha của nàng sẽ lại tái diễn trên mảnh đất hình chữ S, lắm nhiễu nhương, nhiều máu đổ này?
Bài học ngàn năm dựng nước, giữ nước của cha ông vẫn còn chưa ráo mực, sau thời nay chỉ lẩn khuất, dấm dúi bằng sự sợ hãi khi tìm đọc lại?
Sự ngột ngạt này ai sẽ trả lời, và mất bao lâu mới tìm ra kẻ phải chịu trách nhiệm cho tình trạng ngột ngạt, mâu thuẫn, lẩn khuất hiện nay?
Ai sẽ trả lời, ai sẽ lấp đầy, chủ quyền quốc gia?