Việt Nam Thời Báo

Vì sao truyền thông trong nước rút bài viết về cây đèn Hoa Kỳ?

Cát Linh, phóng viên RFA
2017-06-02

Báo VnEconomy đã rút bài viết xuống. Ảnh chụp lại hôm 2/6/2017.

Báo VnEconomy đã rút bài viết xuống. Ảnh chụp lại hôm 2/6/2017.

 Screenshot
Các trang báo mạng lớn trong nước như vnexpress, newzing, dantri đều đồng loạt rút những bài viết liên quan đến cây đèn Hoa Kỳ, vật phẩm được chuẩn bị để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang đến Mỹ làm quà cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tại Toà Bạch Ốc ngày 31 tháng 5.
Lý do tháo gỡ những bài báo
Cây đèn Hoa Kỳ, hay còn được gọi là đèn dầu là một vật thể rất quen thuộc với tất cả gia đình Việt Nam gần 100 năm qua. Cho đến những năm 80, một số bạn trẻ lớn lên ở các vùng ngoại ô, hoặc vùng quê Việt Nam cho biết họ vẫn học bài mỗi đêm dưới ngọn đèn dầu.
Món quà chiếc đèn Hoa Kỳ mà Thủ tướng Phúc mang sang Mỹ được làm bằng chất liệu gốm Bát Tràng phủ men thanh lưu ly với hình tượng đồng lúa (lúa non) được chọn làm họa tiết chân đèn mang ẩn ý về nền văn hóa lúa nước. Họa tiết hoa sen biểu trưng cho tính hướng thiện của tâm hồn người Việt, tạo thành điểm nhấn từ cổ đèn kéo xuống đế. Trên bầu đèn là họa tiết cuốn thư và cờ Việt Nam – Mỹ với thông điệp mở rộng giao thương, tạo lập vững chắc về sự hợp tác toàn diện.
Một chi tiết nữa theo tôi phải dỡ bỏ và có thể không tặng quà đó là lá cờ Mỹ trên cái đèn bị sai. 
– Ông Huỳnh Ngọc Chênh 
Tuy nhiên, tất cả những nội dung này đều bị lấy xuống trong thời gian rất nhanh và không rõ nguyên nhân vì sao.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, người nổi tiếng với câu nói “Lịch sử là khoa học, không phải là công cụ giáo dục tư tưởng”, cho rằng theo ông, có lẽ đã thiếu một sự giải thích cho giá trị và ý nghĩa của cây đèn Hoa Kỳ.
“Tôi nghĩ là ở đây có lẽ có khiếm khuyết ở chỗ tuyên truyền giới thiệu ý nghĩa món quà đó. Tôi không nghĩ là nó lại trở thành câu chuyện như thế. Chứ như tôi biết, nó là biểu hiện của tình hữu nghị, tấm lòng cởi mở, thân thương của người Việt Nam trong đối ngoại.”
Một giả thuyết khác được nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh chia sẻ và ông cũng nói rằng giả thuyết này ông chưa có điều kiện kiểm chứng.
“Do một nhà buôn có tên là Hoa Kỳ hay Hoa Ký làm ra cái đèn đó để bán ra ở Hà Nội từ rất sớm. Từ đó có tên là đèn Hoa Kỳ.”
Ông nói thêm, bên cạnh việc ông đồng ý rằng cái đèn Hoa Kỳ không có ý nghĩa trong quan hệ bang giao giữa Việt Nam với Mỹ, còn có một lý do thứ hai rất tinh tế về mặt quan sát, ông nói.
“Một chi tiết nữa theo tôi phải dỡ bỏ và có thể không tặng quà đó là lá cờ Mỹ trên cái đèn bị sai. Lá cờ Mỹ có 7 vạch màu đỏ, trong đó 4 vạch đầu tiên là bằng với khung xanh của các ngôi sao, trong khi lá cờ Mỹ trên cái đèn chỉ thấy 3 vạch màu đỏ bằng với khung xanh.”
Tinh thần và giá trị của văn hoá
baonongnghiep-400.jpg
Bài viết trên báo Nông Nghiệp hôm 1/6/2017. Screenshot
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết ông rất bất ngờ khi lần đầu tiên nghe câu chuyện cây đèn Hoa Kỳ là món quà được chuẩn bị tặng cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Bây giờ lần đầu tiên mới biết là có món quà như thế. Nhưng mà ngay lập tức có phản xạ tự nhiên là tôi nhớ đến 1 bài viết của nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, ông ấy là đại biểu quốc hội 4 khoá liền. Trong chuyến đi này của ông Phúc tôi cũng thấy có mặt ông Dương Trung Quốc.
Thế thì cái liên hệ về ông Dương Trung Quốc và cái đèn thì  tôi nhớ lại bài báo ấy, cũng 10 năm rồi, ông ấy nói về cây đèn Hoa Kỳ. Đấy là tên của cái đèn mà tôi ngờ rằng lần này ông Nguyễn Xuân PHúc mang đi để tặng cho ông Trump.”
Nhắc lại thêm về bài báo 10 năm trước của nhà sử học Dương Trung Quốc, ông nói rằng cây đèn Hoa Kỳ được diễn tả như một minh chứng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó hàm ý biết ơn ánh sáng mang đến giúp cho người Việt Nam.
“Cái bài viết ấy nó ở trong bối cảnh hình như ông Dương Trung Quốc khi ấy là hội viên hay Ban chấp hành của Hội Hữu nghị Việt Mỹ, một đoàn thể của nhân dân, muốn làm vai trò ‘ngoại giao nhân dân’, như thuật ngữ ở VIệt Nam đang nói, để liên kết, liên hệ, kết thân với Mỹ.
Bây giờ Việt Nam mang cái đèn ấy sang Mỹ để bày tỏ cái mối liên quan mật thiết giữa hai nước và cái giá trị của kỹ thuật văn minh văn hoá Mỹ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào. Tôi nghĩ đấy là ý nghĩa của quà tặng.”
Giáo sư Lê Văn Lan giải thích tường tận thêm về cây đèn Hoa Kỳ, bắt đầu với cái tên gọi mà theo ông, là có thật.
Đây là nịnh người Mỹ đấy, tỏ lòng biết ơn rằng cây đèn rất phổ biến ở Việt Nam là có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Đấy là ca ngợi người Mỹ.
– Giáo sư Lê Văn Lan 
“Nó là 1 cái đèn dầu được sản xuất từ nước Mỹ vào thế kỉ 18 hay 19 gì đấy, và nó đại diện cho kỹ thuật, lối sống Mỹ có mặt ở Việt Nam cũng từ 100 trăm nay. Người Việt Nam gọi đó là đèn Hoa Kỳ.”
Từ đó, theo suy nghĩ của ông, món quà này không phải được mang đi với mục đích mang truyền thống Việt Nam đến với quốc gia nước bạn, mà là biểu thị cho tinh thần và giá trị của văn hoá, kỹ thuật Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
“Thế thì cái ý nghĩa mang cây đèn ấy, sau 1 thời gian dài lại được thực hiện trong chuyến đi của ông Phúc này theo tôi là bày tỏ thiện ý, tấm lòng biết ơn của người Việt Nam với nước Mỹ.
Đây là nịnh người Mỹ đấy, tỏ lòng biết ơn rằng cây đèn rất phổ biến ở Việt Nam là có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Đấy là ca ngợi người Mỹ.”
Thế nhưng, nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh, từ Hà Nội đưa ra ý kiến khác về dựa theo một nguồn gốc của cây đèn Hoa Kỳ.
“Nói cái đèn đó là truyền thống của Việt Nam thì không phải là truyền thống, mà nó dính dáng gì tới Hoa Kỳ thì cũng dính dáng ít, bởi vì đó là cây đèn dầu được người Ba Lan phát minh ra và ở Châu Âu xài trong thời kỳ chưa có điện.”
Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phái đoàn cấp cao Việt Nam đã kết thúc. Có một chi tiết mà nhiều người quan sát đều đặt câu hỏi, đó là không thấy xuất hiện trên truyền thông hình ảnh trao món quà cây đèn Hoa Kỳ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump.


Tin bài liên quan:

Đã kết thúc việc thanh tra đất đai tại Đồng Tâm

Phan Thanh Hung

Hành trình sai phạm của Giám đốc bệnh viện Hoà Bình

Phan Thanh Hung

“Chị gái tôi bị cầm giữ như một con tin”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.