Nguyễn Nam
(VNTB) – Nhà văn Phạm Thành ( Bà Đầm Xoè), người viết sách chỉ trích Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, bị bắt sáng 21/5/2020 tại Hà Nội, theo tin từ một số tài khoản cá nhân facebook (1).
Trong bài phỏng vấn có tựa “Con đường dân chủ – nhân quyền cho Việt Nam là không thể đảo ngược”, đăng trên trang web của Nhà Xuất bản Tự Do (2), có các đoạn như sau về trả lời của nhà văn Phạm Thành (trích):
“Từ năm 2014 cho đến nay, an ninh Hà Nội không bỏ qua bất kỳ một việc làm nào đối với Phạm Thành, từ triệu tập, bắt bớ, gác sách tại cửa nhà. Thực tế Phạm Thành đã là một thân tù có thâm niên bị giam lỏng tại nhà của mình rồi. Tuy nhiên, nhờ có không gian mạng mà mọi hoạt động của Phạm Thành vẫn bình thường ngay cả khi soạn sách về Nguyễn Phú Trọng cũng vậy. Chỉ có đến khi đem đi in thì cả Hà Nội không có nơi nào dám in”.
Khi được đề nghị tóm tắt ngắn gọn nhận định của nhà văn Phạm Thành về người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam – nhân vật chính của tác phẩm “Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo” do ông viết, tác giả Phạm Thành cho biết:
“Ông Trọng là một người có tính nhút nhát, thích yên thân, không có tư tưởng và ý chí làm việc lớn. Kiến thức của ông, ngoài mấy chữ lý luận Mác Lê nin về Chủ nghĩa xã hội, không còn có gì khác. Nhờ được Tàu Cộng yểm trợ lên tới chức Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, ông trở thành một thái thú của Tàu Cộng tại Việt Nam.
Ông chỉ một lòng gắn bó với Tàu Cộng, đi theo, làm theo những gì tàu Cộng nói và Tàu Cộng làm. Ông có thể vì Tàu Cộng mà bỏ qua lợi ích của Việt Nam. Nước Việt Nam còn Nguyễn Phú Trọng cầm quyền tất yếu dân tộc và đất nước sẽ mất vào tay Tàu Cộng”.
“Họ đã sử dụng rất nhiều biện pháp áp chế rồi. Bây giờ chí còn biện pháp cuối cùng là bắt, nhốt tù Phạm Thành nữa mà thôi. Và Phạm Thành có tiên lượng như ngày đó đang đến rất gần…”.
Như vậy trong bài trả lời phỏng vấn của nhà xuất bản Tự Do, nhà văn Phạm Thành ý thức được về chuyện sớm hay muộn cho việc ông đối mặt tù tội với cáo buộc rất quen thuộc ở Việt Nam là Điều 117, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Có nguồn tin nhà văn Phạm Thành là hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Cũng có tin cho biết thêm là nhà văn Phạm Thành đã rời hội này, ngay sau khi nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng ‘chia tay’ Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Phía Bộ Công an, tính đến tối ngày 21-5, chưa có tin tức liên quan về việc bắt giữ ông Phạm Thành, và nhiều nguồn tin khả tín xác nhận, là dường như không liên quan đến việc tháng 11-2019, người đứng đầu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, bị bắt giữ theo tội danh Điều 117, Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Từ vụ việc ông Phạm Thành nói ở trên, chợt liên tưởng tới câu chuyện về quyền tự do báo chí ở miền Nam trước tháng 4-1975.
Những tờ báo đối lập hồi trước 1975 không coi “Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa” ra gì, họ nhạo báng, bỡn cợt ra mặt. Có tờ gọi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là “Sáu Thẹo”, “Tổng thống Thẹo”. Hồi đó, khi ra ứng cử lần hai, những tấm áp phích liên danh Dân chủ của ông Nguyễn Văn Thiệu dán ngoài đường bị sinh viên học sinh sửa lại là Dân chửi.
Thậm chí, họa sĩ Ớt – tức nhà báo Huỳnh Bá Thành, nhân sự kiện tổng thống Hoa Kỳ Nixon từ chức bởi vụ xì-căng-đan Watergate, có vẽ một bức tranh đăng trên báo Điện Tín làm chấn động Sài Gòn – tổng thống Nixon nằm trong cỗ quan tài không đậy nắp thò tay ra ngoài kéo “chiến hữu” tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào nằm chung cho… có trước có sau.
Dưới chế độ gọi là ‘Sài Gòn cũ’, có hay không sự “tự do báo chí”? Câu hỏi này thú vị quá đi chứ?
Nếu nhà văn/ nhà báo Phạm Thành có vào sống ở Sài Gòn hồi thời đệ nhị cộng hòa, tin rằng có ‘chửi’ móc méo “Sáu Thẹo” ra sao đi nữa, thì cũng chẳng có nhân viên công lực nào rỗi hơi để ý đến gõ cửa nhà, đơn giản vì đây là dè bỉu về ngài tổng thống – một người đang đứng đầu một chính phủ đến từ lá phiếu của người dân. Dân bầu, nên khi làm không tốt thì dân chửi. Tương tự như thiên hạ đủ mọi chê khen, xỏ xiên tổng thống Donald Trumph suốt mấy năm qua…
Nhà văn Đào Hiếu kể trên BBC (3): “Năm ấy thấy tôi sống vất vả quá, anh bảo tôi làm ‘ngoài giờ’, phụ anh sửa bài. Có lần báo anh có một sơ xuất gì đó, anh bị thành ủy gọi lên nhắc nhở, khi trở về, anh nói oang oang trong cuộc họp (có tôi dự):
– Các anh chị biết tôi đã nói gì với thành ủy không? Tôi nói: Thời chế độ cũ, báo chí Sài Gòn phần lớn là đối lập. chính bản thân tôi thường vẽ tranh châm biếm ông Thiệu và gọi ông ta là Sáu Thẹo mà họ cứ cười. Bây giờ tất cả các báo đều của Đảng. Nhà báo chúng tôi ai cũng theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết vậy mà hở một chút là phê bình kiểm điểm. Các anh thật quá đáng!”.
“Anh” mà nhà văn Đào Hiếu nhắc đến chính là họa sĩ Ớt, tức Huỳnh Bá Thành.
_____________
Chú thích:
(1) https://www.facebook.com/vietnamsolutions/posts/2540427126286520
(2) https://nhaxuatbantudo.com/2019/12/26/nha-van-pham-thanh/
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/culture/2009/04/090408_daohieu_xuatbansach
1 comment
Cầu mong Hồn Thiêng Sông Núi độ trì cho tất cả những người dấn thân vì tự do – dân chủ cho dân tộc VN, trong số đó có ông Phạm Thành ( Bà Đầm Xoè).
Tôi cực lực phản đối hành vi vi phạm quyền con người trong việc bắt bớ người khác chính kiến của bè đảng tà quyền độc tài – độc đảng – tham danh – hám lợi – buôn dân – bán nước.