Hoài Nguyễn
(VNTB) – Ngày 25-6, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Cáo trạng số 241/CT-VKS-P2 truy tố 29 bị can trong vụ đổ xăng thiêu chết 3 chiến sĩ công an ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) ra Tòa án nhân dân TP Hà Nội để xét xử theo thẩm quyền.(*)
Bàn luận của giới ‘luật sư hè phố’, có lẽ sớm biết ngày công bố bản cáo trạng kể trên, nên ở một ngày trước đó, nhà chức trách bất ngờ đổ quân bắt sớm bà Cấn Thị Thêu cùng hai người con của bà là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư cùng một người khác nữa là bà Nguyễn Thị Tâm. Nếu không bắt sớm thì có lẽ hai ông Phương và Tư rồi sẽ qua ‘livestream’ để tiếp tục vạch ra những điểm được cho là bất hợp lý trong cáo trạng vụ án xảy ra ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.
Xét về mức độ nguy hiểm truyền thông, rõ ràng hai anh em nhà ông Trịnh Bá lâu nay đã là một kênh tin tức đạt mức độ tin cậy, đa chiều, mà ngay cả nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài cũng phải tìm đến để có thể biết thêm ngọn ngành, trong đó có vụ án Đồng Tâm vừa hoàn tất cáo trạng.
Trở ngược thời gian, không ít ý kiến ngờ vực sở dĩ nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt, vì thời điểm đó là hết sức cân não trong các vận động hành lang cho những thỏa thuận của EVFTA. Ông Phạm Chí Dũng là người kiên trì yêu cầu phía Châu Âu phải đưa ra những ràng buộc mang tính khả thi về nhân quyền đối với nhà nước Việt Nam.
Dĩ nhiên là những cách hiểu tương tự để giải thích cho việc bắt giữ ông Phạm Thành, ông Trần Đức Thạch sẽ không còn đúng nữa, vì đây là những người nằm trong điều chỉnh của Luật người cao tuổi, có nghĩa là với tuổi tác đã cao, lại không tham gia hội đoàn nào thì khó thể là nguồn nguy hiểm cho chế độ trong cáo buộc các tội danh hình sự ở nhóm An ninh Quốc gia.
Có ý kiến thắc mắc ngay sau hàng loạt vụ việc bắt bớ ấy: “Tại sao đảng cộng sản tệ vậy mà vẫn nắm được quyền lãnh đạo? Tại sao các hoạt động đấu tranh cho dân chủ, tự do, nhân quyền trong nước vẫn mãi không có kết quả, không đi đến đâu?”.
Rõ ràng là trong bối cảnh tranh tối, tranh sáng của phe phái đấu đá nhau vẫn thường thấy trước mỗi kỳ chuẩn bị bầu bán nhiệm kỳ mới của đảng, người ta ít dám đề cập trực diện cho các lý giải về thắc mắc nêu trên.
Một đường vòng khéo léo cho tiếp nối gút mắc đó, là thử ở vai trò đảng viên lãnh đạo, chắc hẳn nhiều đảng viên công chính cũng rất băn khoăn – ví dụ như vì sao sắp tới đây không chuyển hồ sơ để cơ quan tòa án thụ lý, mà vẫn lặp lại kịch bản cũ mèm: Thanh tra Chính phủ sắp đối thoại với dân Thủ Thiêm về vấn đề trong ranh, ngoài ranh.
Quy hoạch Thủ Thiêm với phản ứng thưa gửi của dân chúng ở bán đảo này, đến nay kéo dài đã ngoài hai mươi năm. Rất nhiều ‘đương đơn’ ban đầu đã khuất bóng để giờ là con, em họ tiếp nối. Không mấy khó khăn để kể tên cụ thể từng quan chức đảng viên nhúng chàm ở Thủ Thiêm, thế nhưng rồi chẳng ai làm gì được họ, thậm chí ngay cả động từ ‘bắt’ cũng chỉ dừng ở mức tin đồn từ năm này qua năm khác…
‘Bắt’ để chấn chính đảng. ‘Bắt’ để thiên hạ biết rằng vẫn còn nhiều lắm những đảng viên công chính trong hàng ngũ lãnh đạo ‘ở trên’. Chứ còn ‘bắt’ kiểu như để ngăn tiếng nói phản biện, ngăn ‘bàn ra tiếng vào’, thì có lẽ nhiều người dân khó thể thấy phục…
______________
Ghi chú:
1 comment
Hai em Phương và Tư chỉ là những người nông dân chân chất, thời cuộc đã biến hai em thành nhà báo bất đắc dĩ. Thế mà hai em đã dũng cảm xông pha vào nơi hòn tên mũi đạn chỉ để mang lại những thông tin trung thực nhất cho những ai quan tâm về thời cuộc.
Thân trong lao mà ý chí ngoài lao. Cầu mong cho hai em và mẹ luôn chân cứng đá mềm!