Ngọc Vinh
(VNTB) – Bài học Trần Đông A là gì? Đó đơn giản là cách đối xử biết điều với trí thức, nhất là trí thức tài năng.
[ads_custom_box title=”” color_border=”#1005e8″]
Chia sẻ của biên tập viên: Người chịu trách nhiệm biên tập bài viết này và tác giả Ngọc Vinh từng làm việc chung tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Nhà báo Ngọc Vinh hiện đã nghỉ hưu. Ông Vinh là cây bút được đánh giá là ‘khó chịu’ với những ai quen thói ‘chỉ đạo – định hướng’. Ông Vinh viết về lát cắt hồi ức thời là phóng viên y tế với bác sĩ Trần Đông A.
Nói luôn, những ‘cây đại thụ’ trong ngành y tế ở Sài Gòn thời gian giữ chức vụ quản lý, có điểm lạ là họ đều không phải đảng viên đảng cộng sản Việt Nam: Giáo sư, bác sĩ Văn Tần, phó giám đốc bệnh viện Bình Dân; Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TPHCM; Giáo sư, bác sĩ Trần Đông A, phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2; Bác sĩ Phan Quý Nam, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương; Bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Medic; Bác sĩ Lê Điền Nhi, phó Giám đốc bệnh viện Nhân dân 115…
[/ads_custom_box]
Hồi mới đi làm báo, tôi được biết để trọng dụng sĩ quan chế độ cũ nhưng tài năng hiếm có như ông, một lãnh đạo cao cấp đã phải “bảo lãnh”, và đấu tranh bằng được vì “chúng ta trân trọng ông cho tương lai hay khoét sâu quá khứ?” Còn ông, chỉ nghĩ đến cứu người, nụ cười của trẻ nhỏ lành bệnh và thiên chức của thầy thuốc. Nếu không, chúng ta có lẽ lại thêm một hố sâu ngăn cách và tài năng bị lãng quên, điều đã từng xảy ra không ít…
Tên tuổi của vị bác sĩ vừa tham gia mổ tách thành công hai cháu bé Song Nhi đã vang danh giới y học quốc tế kể từ ca mổ tách rời Việt- Đức năm 1988. Kể từ đó, cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác, được trải thảm huy hoàng bằng kỷ lục guinness, các huy chương, bằng những chuyến tu nghiệp nước ngoài, những lời mời mọc thuyết trình hội thảo quốc tế và chức phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2…
Nhiều người trẻ hiện nay ít ai biết trước 1975 ông từng là thiếu tá quân y chế độ Việt Nam Cộng Hòa, tiểu đoàn phó tiểu đoàn quân y của sư đoàn dù khét tiếng của quân đội cộng hòa miền Nam. Với 5 anh dũng bội tinh của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ban thưởng, ông có thể bị Việt cộng liệt vào danh sách có nợ máu với nhân dân, dù ông chỉ làm quá tốt mỗi việc cứu người, không giết chóc ai.
Khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, ông cũng phải đi cải tạo 2 năm như bao sĩ quan khác. Khi ra tù, ông rất nhiều lần vượt biên nhưng thất bại. Và bởi vì thất bại ông mới chịu nén mình ở lại xứ sở này. Nhưng khi được trọng dụng, được tạo điều kiện tham gia ca mổ Việt Đức, ông đã làm rạng danh y học Việt.
Vậy thì bài học Trần Đông A là gì? Đó đơn giản là cách đối xử biết điều với trí thức, nhất là trí thức tài năng. Đó đơn giản là tạo môi trường và điều kiện cho trí thức hoạt động. Đó đơn giản là tôn trọng quyền tự do trong khoa học của họ, vân vân…
Nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu ngày xưa ông vượt biên thành công thì sao nhỉ? Chắc rằng sẽ không có một bác sĩ Trần Đông A của thì hiện tại với các ca mổ tách song sinh rúng động thế giới như bây giờ.
Hoặc xa hơn, xui rủi hơn, ông chết trong hai năm cải tạo hà khắc như nhiều sĩ quan cộng hòa xấu số khác thì sao nhỉ? Thì cũng sẽ không có Trần Đông A hôm nay chớ sao!
Vợ ông là đồng hương của tôi, người Phan Thiết, là gia đình của bạn học tôi. Vợ chồng ông có hai cái resort ở biển Phan Thiết, giờ bán rồi.
Thời còn làm báo phụ trách lĩnh vực y tế thập niên 1990, tôi hay ghé văn phòng phó giám đốc của ông ở bệnh viện Nhi đồng 2, để nghe ông kể về những thành tựu của ông, của y học Việt Nam, về những chuyến đi Pháp, Ý, Mỹ… Ông ăn nói nhẹ nhàng với giọng lai bắc và rất nhiệt tình mỗi khi có ai đó ở tòa soạn có con nằm bệnh viện Nhi đồng nhờ tôi nói với ông để giúp đỡ.
Ba người tôi nhớ và quý mến nhất thời đó vì sự giúp đỡ nhiệt tình tương tự, ngoài ông, là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (giám đốc trung tâm thông tin y học của Sở Y tế) và bác sĩ Trương Văn Việt (giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy).
Với trí thức, đừng đè nén áp bức họ, đừng tước đoạt tự do và cơm áo của họ. Hãy mở lòng để trân trọng họ, chấp nhận chính kiến của họ, đối xử tử tế với họ, tạo điều kiện cho họ cống hiến, kẻ cai trị sẽ nhận được những quả ngọt bất ngờ mà họ đáp lại, trả ơn. Nếu không, các anh chỉ nhận được quả đắng mà thôi!
Vài dòng vậy, nhân hai cháu bé được mổ tách thành công hôm 15-7-2020.
***
[ads_color_box color_background=”#f1f0fa” color_text=”#444″]
Song sinh dính nhau cực kỳ hiếm gặp
Tháng 7-2019 Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận từ Bệnh viện Hùng Vương trường hợp song thai dính nhau đặc biệt. Đó là Trúc Nhi và Diệu Nhi.
Đây là trường hợp sản phụ 25 tuổi mang thai lần đầu. Vào tuần lễ thứ 16 của thai kỳ được phát hiện mang thai đôi dính nhau vùng bụng chậu, hai thai có chung một dây rốn.
Sản phụ được mổ lấy thai chủ động lúc 33 tuần, cân nặng lúc ấy của cả hai bé là 3,2kg. Sau khi chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ hồi sức sơ sinh dã tích cực điều trị ổn định tình trạng suy hô hấp do bệnh màng trong của hai bé, cũng như các bệnh lý liên quan đến trẻ sinh non, nhẹ cân.
Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song thai dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau theo kiểu ischiopagus tetrapus.
Sáng 15-7-2020, cặp song sinh Trúc – Diệu được chuyển đến phòng mổ, bắt đầu cuộc đại phẫu tách dính vùng bụng chậu vô cùng phức tạp, kéo dài 12 tiếng với gần 100 y bác sĩ để mang lại cuộc sống riêng hoàn thiện cho hai bé.
[/ads_color_box]