Tân An
(VNTB) – Tựa như một thói quen, mỗi năm, cứ đến tháng bảy âm lịch, nhiều người tìm đến cánh cổng chùa nhiều hơn. Trước là lễ Phật, sau là cầu mong cho người thân trong gia đình khỏe mạnh; với những ai đã quá vãng thì sớm siêu sanh về miền cực lạc…
Giữa cái không gian hiếu tử ấy, mạng xã hội xuất hiện một video clip ghi nhận hình ảnh một người phụ nữ trung niên có những hành động tay chân mang tính chất bạo hành với một bà lão, khiến cho nhiều người cảm thấy bất bình.
Cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc. Theo ghi nhận, do bực tức việc không để lại tài sản gì, nhưng khi già chỉ có một mình bà lo nuôi dưỡng, nên người phụ nữ ấy mới có những hành động tay chân với chính người mang nặng đẻ đau ra bà từ 56 năm về trước.
Câu hỏi đặt ra, không lẽ đồng tiền lại nặng hơn cả tình thân? Phải chăng là do cuộc sống mưu sinh quá khó khăn; nhất là vào thời điểm dịch cúm Tàu hoành hành, càng thêm cơ cực; thêm vào đó là sự mệt mỏi trong dọn dẹp, dẫn đến con người có những hành động “bất nhân”? Hay đó là do giáo dục với một chương trình không đề cao những giá trị nhân bản; một chương trình giáo dục mà luôn luôn nhắc hoài cho mấy em nhớ cái công lao to lớn của hai chữ “giải phóng”? Hoặc là do ông bà nói không sai – “con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”?
“Dù có bất kỳ lý do nào cũng không thể chấp nhận. Mình xem clip thật sự cảm thấy vô cùng bất nhẫn. Càng đau xót hơn khi ở trong tháng Vu Lan. Không biết cái bà đó nghĩ gì luôn. Nếu nói áp lực mưu sinh rồi còn phải làm việc nhà, thì nhiều người cũng có. Sao người ta vẫn chu toàn được. Mình cũng đã từng thấy một số người vì đồng tiền lừa cha mẹ mình ký vào giấy tờ này nọ rồi lúc cha mẹ bệnh hay mù lòa; thay vì về chăm sóc, còn về tìm cách moi tiền. Cho nên nếu vì lý do gia tài, mình hy vọng cơ quan chính quyền địa phương phải xử phạt nặng hơn mấy trường hợp này”, bà Ngọc – một người tuổi ngoài 50, bức xúc.
“Tui thì tui thắc mắc đây có phải là hành động đầu tiên hay không? Nếu không thì sao bà con hàng xóm không trình báo công an địa phương? Hay là có báo cho những người có chức năng như trưởng ấp, trưởng ban hòa giải… này nọ nhưng không ai đếm xỉa tới? Đồng ý là nhiều người có tư tưởng “bán anh em xa không bằng mua láng giềng gần” hay chuyện của nhà người ta, thôi mình đừng dính vào nhưng không lẽ thấy hoặc nghe, họ không bức xúc? Mình coi clip mình còn bức xúc nữa mà”, bà Hai, một lão nông Bình Dương cũng bằng tuổi với người đàn bà ‘hổ báo’ trong clip, thắc mắc.
“Không biết là người mẹ đó có nghĩ con mình thấy hành động của mình như vậy, sẽ ảnh hưởng sau này không? Có bao giờ bà ta thử hình dung xem nếu mình cũng bị y như vậy sẽ ra sao không?”, ông Đức, một bảo vệ ở chợ băn khoăn.
“Phận làm con không được mẹ chia cho tài sản như các anh các chị, đôi khi cũng tủi thân. Nhưng cuối đời mẹ đau ốm được tự tay một mình chăm sóc mẹ, đó là niềm vinh dự tự hào, đó là hiếu nghĩa sao cô tức giận. Cô ấy suy nghĩ nghèo hèn nông cạn quá, thời gian không quay trở lại cho cô sám hối với mẹ cha đâu. Trên đời này cha mẹ là tất cả, cha mẹ không cho tiền nhưng cha mẹ cho đức độ, cho ta học làm người sao cô dám từ chối” – bà Hoa, người cùng tên với người đàn bà ‘hổ báo’ xứ Cần Đước, nói.
Dẫu biết rằng pháp luật có quy định về quyền và nghĩa vụ của con đối với cha mẹ, phòng chống bạo lực gia đình; dẫu biết rằng ở đâu đó trong dân gian, địa ngục có một tầng dành cho tội bất hiếu,… song, nói một cách hơi lý thuyết, có lẽ vẫn không qua được cái gọi là tòa án lương tâm. Không biết rằng, mai đây, khi bước vào độ tuổi của bà mẹ già gần chín mươi ấy thì đứa con hiện tại sẽ như thế nào? Nếu lỡ như cái cảnh này được lặp lại một lần nữa. Xót xa làm sao…