Vân Khanh
(VNTB) – Liêm chính ở đây còn được hiểu là không có các hành vi tham nhũng chính sách, chạy ghế, chạy quyền, và cả chạy… án (!?)
Thế nào là một Tòa án có quyền độc lập?
Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (Điều 10) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (khoản 1, Điều 14) đã tuyên bố rằng, mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được thành lập trên cơ sở pháp luật.
Nguyên tắc trên có nghĩa – ví dụ như ở phiên hình sự sơ thẩm vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” sắp tới đây, cần có những thẩm phán thực hiện công việc chuyên môn của mình một cách tự do, độc lập, không thiên kiến chuyện đòi hỏi quyền tự do chính trị là nhằm để chống đảng cộng sản Việt Nam.
Năm 1985, Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 7 về Phòng chống tội phạm và đối xử với người phạm tội đã thông qua Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Tòa án và sau đó, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua bằng Nghị quyết 40/32 ngày 29-11-1985 và Nghị quyết 40/146 ngày 13-12-1985.
Vì vậy, các nguyên tắc này có thể được coi là các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc cùng nhau đưa ra tuyên bố về những vấn đề được chấp nhận trên toàn cầu về tính độc lập của Tòa án, và những yêu cầu đối với cá nhân Thẩm phán.
Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Tòa án, năm 1985 đã chỉ rõ tính độc lập của Tòa án như sau:
“Tính độc lập của Tòa án phải được nhà nước bảo đảm và được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp, hay pháp luật quốc gia. Nhiệm vụ của tất cả các cơ quan của chính phủ và những cơ quan khác là phải tôn trọng và tuân thủ tính độc lập của Tòa án.
Tòa án phải quyết định các vấn đề một cách vô tư, không thiên vị dựa trên sự việc và theo luật pháp mà không chịu những hạn chế, những ảnh hưởng không phù hợp, dụ dỗ, sức ép, đe dọa hay can thiệp sai trái, trực tiếp hay gián tiếp từ bất cứ một nguồn nào hay vì bất cứ một lý do nào.
Tòa án phải có quyền tài phán đối với mọi vấn đề có tính chất xét xử, và phải có quyền lực riêng để quyết định xem một vấn đề được trình lên Tòa án có thuộc thẩm quyền của Tòa theo như luật pháp quy định hay không.
Không được can thiệp không thỏa đáng, hay không có lý do xác đáng vào quá trình xét xử, cũng như không được xét lại các phán quyết của Tòa án. Nguyên tắc này không ảnh hưởng đến quá trình xét xử phúc thẩm, hay việc các cơ quan có thẩm quyền giảm nhẹ các bản án mà Tòa án đã tuyên phù hợp với luật pháp.
Mọi người đều có quyền được xét xử bởi các Tòa án thông thường sử dụng những thủ tục pháp lý đã được ấn định.
Nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án cho phép, và yêu cầu Tòa án bảo đảm rằng các thủ tục xét xử đều được tiến hành một cách đúng đắn, và quyền của các bên đều được tôn trọng.
Nhiệm vụ của mỗi quốc gia thành viên, là phải cung cấp đầy đủ các nguồn lực để ngành Tòa án có thể thực hiện tốt những chức năng của mình”.
Tòa án ở Việt Nam chưa được xác định rõ ràng về tính độc lập
Trong đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Phân công, phối hợp quyền lực và kiểm soát quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, các tác giả đã nêu ý kiến như sau:
“Về quyền tư pháp là quyền bảo vệ ý chí chung của Quốc gia. Quyền này được giao cho Tòa án. Hiến pháp nước ta quy định có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động… Nội dung của quyền xét xử như vậy là chưa đầy đủ.
Có những thẩm quyền, theo lý luận về Hiến pháp và tổ chức chính quyền, vốn được quan niệm thuộc quyền của Tòa án nhưng chưa được trao cho Tòa án.
Tòa án không được xét xử tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật, thay vì quyền này được giao cho nhiều cơ quan khác nhau như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật, theo nguyên lý vốn thuộc quyền của Tòa án, nhưng được Hiến pháp và pháp luật phân công quyền tư pháp nên quyền này được thực hiện rất ít trên thực tế. Sẽ hợp lý hơn nếu Tòa án được trao những quyền: xét xử tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật, giải thích hiến pháp và pháp luật.
Một vấn đề quan trọng khác, là trong các bộ luật tố tụng ban hành năm 2015 đều có một chương về “Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”: Chương XXVII Bộ luật Tố tụng hình sự, Chương XXII Bộ luật Tố tụng dân sự, Chương XVII Luật Tố tụng hành chính.
Theo đó, “Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền yêu cầu, kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của mình. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó”.
Quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có quyền yêu cầu, kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của mình như nêu trên, là không hợp lý, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Tòa án.
Nhiều quốc gia trên thế giới đều tổ chức nhà nước theo nguyên tắc tam quyền phân lập, do đó, tính độc lập của Tòa án được xác định rõ ràng.
Việt Nam không tổ chức nhà nước theo nguyên tắc đó, do vậy, vấn đề đặt ra trong nhiệm kỳ mới của Quốc hội, là cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ chế “phân công, phối hợp, kiểm soát” trong việc thực hiện quyền lực nhà nước để bảo đảm tăng cường tính độc lập của Tòa án.