Lâm Viên
(VNTB) -Bàn luận về ‘tam quyền phân lập’ luôn là điều nhạy cảm vì được cho rằng đồng nghĩa với kêu gọi cạnh tranh đảng phái chính trị.
Người viết cho rằng nếu đặt tất cả nghi ngại kể trên vào thực tế Việt Nam đã cam kết nhiều thỏa thuận thương mại song phương – đa phương, trong đó có quyền tự do công đoàn kể từ ngày 1-1-2021 tới đây, thì việc áp dụng ‘tam quyền phân lập’ vào Việt Nam, còn là sự khẳng định về giá trị nhân bản của Đảng Cộng sản, khi Đảng là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Điều 4.1, Hiến pháp 2013), song Đảng không làm thay các phần việc của Nhà nước.
Xin được nhắc về Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới, do Quốc hội lập quốc ban hành.
Giá trị lớn nhất của bản hiến pháp này được giới học giả khẳng định là đã khẳng định nguyên lý mọi quyền bính thuộc về dân, và tổ chức quyền lực nhà nước theo lý thuyết tam quyền rạch ròi, kiểm soát lẫn nhau.
Trong những quyền bính ấy, Điều 21 cụ thể hóa một quyền quan trọng: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”.
GS. TS Trần Ngọc Đường từng phân tích như sau: Ở Hiến pháp 1946, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhân dân chỉ giao cho Quốc hội, Chính phủ và tư pháp những quyền hạn, trách nhiệm trong hiến pháp và thực hiện việc giao quyền đó thông qua việc phúc quyết về hiến pháp. Các bản hiến pháp sau này vẫn đề rằng quyền lực thuộc về nhân dân nhưng lại quy định nhân dân chỉ có thể sử dụng quyền lực ấy thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân.
GS. TS Trần Ngọc Đường nhận xét: “Quốc hội có toàn quyền làm và sửa đổi hiến pháp. Thậm chí theo Hiến pháp, Quốc hội còn được tự định cho mình những nhiệm vụ, quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết – tức là Quốc hội có toàn quyền.
Quan niệm như thế nghĩa là nhân dân trao hết quyền lực của mình cho Quốc hội thông qua việc bầu cử. Bầu xong là dân hết quyền”. Do vậy, theo ông, quyền lực nhà nước thống nhất ở nơi dân, thuộc về nhân dân; trong đó, dĩ nhiên có quyền phúc quyết hiến pháp.
Hiến pháp 1946 cũng thể hiện rõ việc tổ chức nhà nước theo nguyên tắc tam quyền kiểm soát lẫn nhau với những quy định hết sức tiến bộ, chứ không phải hãi sợ về bất kỳ thế lực thù địch nào đang ủ mưu ‘diễn biến hòa bình’, hay ‘tự chuyển hóa – tự diễn biến’.
Chẳng hạn, Nghị viện nhân dân có quyền “đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài” (Điều 23, Chương III, Nghị viện nhân dân); Chính phủ “thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện”, “đề nghị những dự án luật ra trước Nghị viện” (Điều 52, Chương IV, Chính phủ); “trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp” (Điều 69, Chương VI, Cơ quan tư pháp).
Với tư tưởng ba nhánh quyền lực kiểm soát lẫn nhau của bản hiến pháp này, hoàn toàn không có chuyện cơ quan hành chính được tự ý ban hành văn bản dưới luật.
Về điểm này, TS Phạm Duy Nghĩa, Đại học Quốc gia Hà Nội, từng phát biểu trên báo Tuổi Trẻ: “Hiến pháp nói nôm na là một bản hợp đồng mà người dân cử đại diện của mình soạn ra để “thuê” nhà nước quản lý xã hội. Vì vậy tối kỵ việc các cơ quan hành chính tự ý ban hành các văn bản dưới luật để hạn chế quyền hạn của dân trong khi hiến pháp và pháp luật không cấm. Mặt khác, phải xem nhà nước cũng là một chủ thể chịu sự chi phối của pháp luật”.
Do vậy, theo nhiều chuyên gia, cũng cần đặt lại nguyên tắc rạch ròi giữa ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. “Chủ trương của Đảng là phân công một cách rành mạch, rõ ràng các nhánh quyền lực nhà nước nhưng thực tế chưa thành công, chưa kiểm soát hiệu quả quyền lực nhà nước, chưa đề cao được trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước” – ông Trần Ngọc Đường nói.
Liệu ở nhiệm kỳ mới của Đảng Cộng sản Việt Nam sắp tới đây, các vấn đề pháp lý từng được bàn tới – bàn lui về “cần đặt lại nguyên tắc rạch ròi giữa ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, có được xem xét dưới lăng kính của khoa học về quản trị quốc gia, thay cho ‘thói quen’ lâu nay là ‘hình sự hóa’?