Hoài Nguyễn (ghi chép)
(VNTB) – Cuộc bầu cử cũng cho thấy, không hẳn trí thức thì sẽ khách quan trung lập. Tinh thần đảng phái của họ cũng như mọi tầng lớp khác thôi, thế mới đúng.
Mà đã nói tới đảng phái, thì biết rồi, nó rất lệch lạc.
Hơn cả tuần lễ này ở Sài Gòn, giới thầy cãi khi tụm lại cà phê là bàn chuyện pháp lý của thưa kiện tận bên kia bờ Thái Bình Dương, giữa một ông đang ngấp nghé đe dọa sắp là ‘cựu tổng thống’, với một ông lão khác tuổi gần tám mươi vừa được truyền thông chọn là ông chủ mới của Tòa Bạch ốc trong 4 năm tới.
Có luật sư xuýt xoa cho quyền lực của giới thầy cãi khi tham gia vào cuộc thưa kiện rất chi là ‘khủng’ ấy. Không ít luật sư khẳng định nếu vào tay mấy ông thẩm phán xứ Việt thì vụ này xử cái rột là xong, qua việc làm những báo cáo án – thỉnh thị án. Nếu trắc trở hơn, thì cứ việc nhờ biên cái công văn gửi “xin ý kiến Bộ Chính trị”, là án khó cỡ nào cũng dứt khoát phải xong tuốt (!?).
Vài luật sư vốn là những thẩm phán hồi hưu lại tỏ ra tinh vi nói rằng, vì đảng phái luôn lệch, cho nên người ta cần tới hành pháp, lập pháp và tư pháp độc lập để quán xuyến không cho bên nào lạm quyền, đảm bảo tính cân bằng thực tại của xã hội Mỹ. Bởi lẽ ấy cho nên, ông Trump thua cuộc cũng không sao. Ông Biden thắng cũng không sao. Các ông chỉ là nhánh hành pháp, một phần ba của quyền lực nhà nước Mỹ, và cũng chỉ 4 năm mà thôi.
Nhìn có bi quan hơn là thuộc nhóm luật sư ‘trả thẻ’, giờ chỉ còn là ‘luật gia’ lập luận bằng một xâu chuỗi: nếu việc bỏ phiếu mà có gian lận, dù là nhỏ; nếu các ‘bigtech’ (những ông lớn quyền lực công nghệ) dùng quyền tác động người dùng để can thiệp chính trị, thì đó là một nỗi buồn bất tận cho các công dân Mỹ, ngay cả khi người mình ủng hộ thắng cử.
Bởi vì khi đó, hành pháp, lập pháp, tư pháp đều tê liệt mất rồi. Bởi vì quyền lựa chọn của cử tri hoá ra là cuộc di chuyển của bầy gia súc do các ‘bigtech’ điều khiển. Bởi vì khi đó sức mạnh Mỹ đã mất, sức mạnh của sự cân bằng quyền lực bị mất thì đời sống rơi vào tay ai lãnh đạo, cũng hủ bại như nhau (?!).
Bên lề hội luận cà phê kiểu như kể trên của mấy ông thầy cãi ở mùa dịch Covid, có luật sư cắc cớ nói rằng tất cả chẳng việc gì ầm ĩ, đó chỉ là những vở tuồng trên sân khấu chính trị.
Sở dĩ gọi là vở tuồng chính trị, bởi theo diễn giải dông dài từ thói quen cãi tại tòa, một vị luật sư từng là nhà báo nói thế này: Việt Nam đó, Hiến pháp ghi người dân có quyền tối thượng dân chủ của lá phiếu cử tri. Đảng luôn tuyên bố không làm thay Chính phủ. Bởi vậy bầu cử nào cũng đưa đến tin tức dù đưa theo chiều nào chăng nữa, đó vẫn là thành công mỹ mãn.
Dĩ nhiên đôi lúc cũng có vài con số ngoài ý muốn có làm xấu xí chút đỉnh bảng báo cáo, song tất cả đều được coi là thuận theo ‘ý Đảng – lòng Dân’. Thể chế này, với người độc miệng thì gọi nhẹ nhàng là ‘độc tài toàn trị’.
Vậy đó, cũng tồn tại suốt hơn 44 năm rồi còn gì – nếu tính từ cột mốc mà báo chí viết rằng: “Ngày 25/4/1976, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức đi bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước”.
Sắp tới đây – vẫn theo lời của ông luật sư từng là ký giả: với đơn nguyên đảng phái chính trị, chắc chắn Đại hội Đảng lần thứ 13 sẽ thành công, song rất có thể các vấn đề sẽ thay đổi chút đỉnh, đó là những quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp được điều chỉnh từ những gì sẽ diễn ra tại Sài Gòn, khi thành phố này vừa được Quốc hội phê chuẩn mô hình “Chính quyền đô thị”.