VNTB – Chuyện i – tờ pháp luật

VNTB – Chuyện i – tờ pháp luật

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Pháp luật xứ Việt khi mang lên giảng đường để ‘hầu chuyện’ với sinh viên, lắm khi nhận các thắc mắc mà chẳng dám trả lời…

 

Sở dĩ là ‘chẳng dám’, vì nếu trả lời thẳng đuột thì dễ bị quy chụp là ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’… Nhẹ lắm thì giảng viên thỉnh giảng sẽ bị ‘thanh lý’ trước hạn kết thúc hợp đồng. Còn với giảng viên chính thì sẽ mang ra chi bộ để ‘đấu tố’ gọi là ‘sinh hoạt tư tưởng’. Nếu nặng thì với cả hai trường hợp đều bị chụp mũ bằng bản án hình sự nào đó.

Một chuyện i – tờ pháp luật kể ra đây như chút thư giãn thời dịch con cúm Tàu cô-vi đã bước sang năm thứ hai ở xứ Việt.

Năm đầu đại học, nhiều sinh viên trường luật hay nêu câu hỏi vầy khi gặp ông thầy giáo có ‘tác phong quần chúng’: Môn Tư tưởng Hồ Chí Minh hay sử dụng kiểu thức rao giảng “Lòng dân, ý Đảng và pháp luật phải thống nhất”.

Thế nhưng quyết định của Đảng không phải là quyết định của các cơ quan nhà nước, nghĩa là Đảng không thuộc lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp, nhưng cũng không phải là quyết định suông, mà có quyền lực thật sự.

Quyền lực này gọi tên là quyền lực chính trị, và được giải thích rất ‘tuyên huấn’, là dựa trên sự sáng suốt của đường lối chính trị và năng lực tổ chức, vận động, thuyết phục… của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong hệ thống thiết chế nhà nước và xã hội tạo nên.

“Vậy thì văn bản của cơ quan Đảng ban hành có phải văn bản quy phạm pháp luật không? Nếu không thì vì sao tụi em không là đảng viên lại buộc tụi em phải tuân thủ như tuân thủ pháp luật?”.

Đơn giản câu trả lời ở đây là chẳng ai có thể trả lời thắc mắc được khi đó là câu hỏi nêu bằng một dạng thức ‘câu hỏi tu từ’.

Sinh viên dẫu có i – tờ kiến thức pháp luật đến đâu đi nữa thì cũng biết giở quy định tại Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, ra để vanh vách rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong đó có:

“Hiến pháp; Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước;

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã”.

Thế đó, quy định ghi rành rành vậy, nhưng ai dám thử không thèm ‘sống và làm việc theo nghị quyết Đảng’, sẽ biết ngay mùi vị thế nào của giá trị nhân quyền xứ Việt, vốn được ghi hẳn hòi ở Hiến pháp 2013, Điều 14.1 “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)