Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền lập hội ở Việt Nam

Khánh Hòa

 

(VNTB) – Điều 20 Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền năm 1948 đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình”

 

Quyền lập hội là quyền cơ bản của con người và công dân, quyền này còn được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ coi là một phần cơ bản của quyền tự do ngôn luận, vì trong nhiều trường hợp, người ta chỉ thực hiện quyền này có hiệu quả khi kết hợp với người khác.

Sinh viên trường luật được học rằng ở Điều 18 Hiến pháp Italia năm 1947 quy định: “Công dân có quyền tự do lập hội không cần sự cấp phép nào miễn là mục đích thành lập hội không bị cấm trong pháp luật hình sự”.

Còn với Luật về Hội của Ba Lan năm 1989 quy định: “Hội là sự liên kết tự nguyện, tự quản, bền vững và không vì mục đích lợi nhuận”.

Pháp luật ở các quốc gia đều chung cách hiểu là nếu các cá nhân liên kết với nhau vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận thì tạo ra tổ chức kinh tế là doanh nghiệp, công ty và hoạt động theo luật doanh nghiệp, luật thương mại.

Hơn nữa, hội không những là tổ chức phi lợi nhuận, mà còn là tổ chức phi nhà nước mang tính tự nguyện, tự quản và tự trang trải kinh phí hoạt động.

Ở Việt Nam hiện nay, ngoài Đảng Cộng sản, còn có những “hội” đặc biệt vừa mang tính xã hội vừa mang tính chính trị như Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam – những hội được cấp ngân sách nhà nước, nên cũng không thể điều chỉnh theo Luật về Hội giống như các quốc gia khác.

Như vậy với Luật về Hội ở Việt Nam trong tương lai, phải được hiểu “hội” theo nghĩa hẹp, đó là các tổ chức thuần túy dân sự (phi nhà nước), không có tính chất kinh doanh (tìm kiếm lợi nhuận để chia cho các thành viên).

Từ khi quyền hội họp và lập hội được quy định trong Hiến pháp 1946 (Điều 10) và trong Luật quy định về quyền lập hội năm 1957 (Điều 2), các hội khác nhau đã được thành lập và hoạt động.

Theo quy định tại Điều 2 Luật quy định về quyền lập hội năm 1957 (Luật năm 1957), “mọi người đều có quyền lập hội trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật”. Tuy nhiên, hạn chế của Luật năm 1957 là không phân biệt hội có tư cách pháp nhân, hội không có tư cách pháp nhân, hội cần thiết phải đăng ký thành lập và hội không cần phải đăng ký thành lập.

Trên thực tế, có rất nhiều hội đã được thành lập mà không đăng ký và cũng không cần một sự cho phép và sự quản lý nhà nước nào. Đó là các hội đồng hương, hội đồng môn, các câu lạc bộ thơ, các hội làm vườn, hội nuôi chim, hội cây cảnh tự thành lập, tự hoạt động, tự trang trải mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của xã hội nên trên thực tế cũng không cần một sự quản lý, sự can thiệp nào xuất phát từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Mặc dù Luật năm 1957 cho đến nay đã tồn tại suốt mà chưa có một văn bản pháp lý nào phủ nhận, tuy nhiên lại chưa có bổ sung, sửa đổi nào đối với luật này, nên nhiều quy định đã không còn phù hợp với yêu cầu các hội đa dạng ở Việt Nam.

Do đó việc ban hành luật mới về hội là nhu cầu cấp bách của đời sống xã hội, nhất là để triển khai thực hiện các quy định về quyền con người và quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, cũng như về những cam kết trong các hiệp định thương mại FTA đa phương, song phương của Việt Nam.

Như vậy, cần phải khẳng định quan điểm quyền tự do lập hội (Freedom of Association) là quyền cơ bản của con người chứ không phải riêng của công dân.

Điều 20 Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền năm 1948 đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình”. Điều 22 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng quy định: “Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”.

Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1982, vì vậy cần phải nội luật hóa quy định này trong tương lao ở Dự án Luật về Hội, bằng cách quy định rõ: “Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người bị mất năng lực hành vi pháp luật do bị bệnh tâm thần hoặc do phạm tội hình sự”.

Cũng có thể do Ban soạn thảo Dự án Luật về Hội, cho rằng, Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định công dân (chứ không phải mọi người) có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình nên quyền lập hội trong Luật về Hội cũng là quyền công dân chứ không phải quyền của mọi người.

Theo chúng tôi, đồng thời với việc thông qua Luật mới này trong tương lai, Quốc hội có thể sửa đổi một điều luật nào đó trong Hiến pháp để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Bởi pháp luật tồn tại vì con người chứ không phải con người tồn tại vì pháp luật, nên khi đời sống và nhận thức của con người đổi mới thì pháp luật cũng cần phải đổi mới để không bị lạc hậu.

Tin bài liên quan:

VNTB – Nếu lợi ích dân tộc cũng là lợi ích của đảng chính trị

Phan Thanh Hung

VNTB – Giả dụ họ ‘hùn nhau’ lập đảng mới…

Phan Thanh Hung

VNTB – Án đất đai, hầu hết cần ‘hình sự hóa’ để dễ giải quyết?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo