Việt Nam Thời Báo

VNTB – Xử kín và tuyên án cũng kín…

Thới Bình

 

(VNTB) – Có ý kiến, sắp tới đây những vụ án liên quan đến “nhân quyền” sẽ thuận lợi cho phía tố tụng khi “xử kín” và “tuyên án kín”.

 

Chế định xử kín được quy định từ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988. Theo nhiều chuyên gia, việc quy định về xử kín là hoàn toàn hợp lý, vì lợi ích của Nhà nước, vì giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, hay thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với nhân phẩm, danh dự, đời tư của bị cáo, người bị hại. Quy định này cũng phù hợp với hầu hết pháp luật tố tụng hình sự của các nước trên thế giới.

Một phiên tòa được xử kín vẫn phải tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục tố tụng như một phiên tòa bình thường. Cái khác là tòa hạn chế tối đa những người tham dự, và chỉ có những người được tòa triệu tập mới được có mặt. Cụ thể, trong phiên tòa xử kín chỉ có Hội đồng xét xử là thẩm phán, hội thẩm nhân dân hoặc thẩm phán “cánh gà”, kiểm sát viên, bị cáo, người bị hại, luật sư của bị cáo, luật sư của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người liên quan, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch được tham gia phiên tòa.

Các chủ thể khác như người thân của bị cáo, người bị hại… đều không được tham gia. Tuy nhiên, đến phần tuyên đọc bản án thì mọi người quan tâm đều có thể vào phòng xử để nghe.

Thẩm phán Đinh Văn Quế, cựu Chánh Tòa Hình sự Tòa án nhân dân Tối cao, có ý kiến: Mục đích của việc xử kín là không để cho mọi người biết được bí mật nhà nước, những hành động ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, hoặc bí mật của đương sự.

Nhưng tòa lại phải tuyên án công khai, nên bản án của tòa viết như thế nào để đạt được mục đích của việc xử kín là vấn đề cần quan tâm. Nếu bản án tuyên công khai lại kể ra những gì cần phải giấu đi thì mục đích của việc xử kín sẽ không đạt được.

Theo tôi, bản án xử kín không thể mô tả tất cả hành động của người phạm tội, mà chỉ viết tóm tắt hành vi phạm tội; những nội dung nào thuộc bí mật nhà nước, bí mật của đương sự hoặc thuần phong mỹ tục của dân tộc thì không được ghi trong bản án”.

Thẩm phán Vũ Phi Long, cựu Phó Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân TP.HCM, lại hiểu luật quy định “tuyên án công khai” trong phiên “xử kín”, theo nghĩa tòa chỉ công khai với những người đã tham gia phiên tòa chứ không phải cho cả những người không liên quan đến vụ án.

Ông lý giải: Nếu tòa công khai tuyên án cho cả những người không liên quan đến vụ án nghe, thì vụ án sẽ không còn là xử kín nữa. Bởi lẽ dù xử kín nhưng bản án khi tuyên vẫn phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của một bản án thông thường, không thể cắt bớt hay lược bỏ các phần nhạy cảm, không thể viết tắt tên của bị cáo hay người bị hại…

Nôm na, theo thẩm phán Vũ Phi Long thì nếu “xử kín” và sau đó quyết định “tuyên kín” theo nghĩa dành cho các bên liên quan, thì điều ấy cũng là hợp lý.

Trở lại với cách đặt vấn đề ở phần đầu bài viết, sắp tới đây những vụ án liên quan đến “nhân quyền” sẽ thuận lợi cho phía tố tụng khi “xử kín” và “tuyên án kín”?.

Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng với những vụ ‘xử kín’, thì dù ‘tuyên kín’, hay ‘tuyên công khai’ thì thật ra nội dung chuyển tải đến công chúng vẫn giới hạn, thậm chí trong trường hợp ‘tuyên kín’, có thể còn nhiều tình tiết tố tụng đáng giá hơn so ‘tuyên công khai’.

Vần đề này được nêu rõ tại Điều 327 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015: “Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án”. Như vậy, phần tuyên án công khai này sẽ chỉ nêu họ tên các bị cáo, tội danh bị kết án và mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo.

“Tôi vẫn cho rằng những phiên tòa xét xử các tù nhân liên quan đến án an ninh quốc gia ở thời gian qua, tiếng là xét xử công khai, nhưng diễn tiến lại chẳng mấy khác biệt so xử kín và tuyên kín. Vậy thì nếu không thể cải thiện được điều trái ngoáy đó, cách hay nhất là cứ viện dẫn là nội dung vụ án có nhiều tình tiết liên quan đến yếu tố “Tối mật” của nhà nước, qua đó chọn lựa việc xử kín. Vụ tướng Nguyễn Đức Chung ở Hà Nội là ví dụ…” – vị luật sư ở Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận xét.

Tin bài liên quan:

VNTB – Tháng Tư trong nỗi nhớ

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Quyền con người nhìn từ ‘app’ PC-Covid

Phan Thanh Hung

VNTB – Mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội theo Điều 117 của Bộ luật hình sự

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.