Việt Nam Thời Báo

VNTB – Lạm bàn chuyện “Đảng lãnh đạo”

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Việc lạm bàn này không nhằm đả kích Đảng, mà chỉ xoay quanh vấn đề của… ngữ pháp tiếng Việt.

 

Ở Việt Nam, khái niệm “Đảng lãnh đạo” thường được sử dụng như một động từ, tức là nói đến sự lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân, Nhà nước và xã hội. Từ đó đã hình thành nên các khái niệm “Đảng lãnh đạo Nhà nước”, “Đảng lãnh đạo xã hội”…, mà các khái niệm này không được các nước sử dụng.

Cũng vì cách hiểu ‘như một động từ’, nên trong lúc bực dọc chi đó, người dân dễ không dằn lòng cho rủa xả Đảng về chuyện gì đó, ví dụ như Đảng ủy Vietnam Airline lãnh đạo yếu kém khiến nhân viên của họ làm dịch bệnh Covid tái bùng phát lây nhiễm cộng đồng, đe dọa xảy ra làn sóng thứ ba dịch Covid trong bối cảnh năm hết, Tết đến…

Ở nhiều nước, khái niệm “đảng lãnh đạo” thường chỉ được sử dụng như một danh từ, tức nó được hiểu là “đảng tiên phong”, hay “đảng dẫn đầu” so với các đảng chính trị, tổ chức xã hội khác.

Muốn trở thành “đảng tiên phong”, “đảng lãnh đạo”, thì tiên quyết là các đảng chính trị đều phải làm sao xác định được cương lĩnh, mục tiêu, đường lối thực hiện đúng đắn, có uy tín hay tín nhiệm cao trong xã hội.

Có ý kiến dạng tuyên giáo đã lập luận thế này: khái niệm “đảng lãnh đạo” với cách nói khác là, đảng đó có “hệ tư tưởng tiên phong”. Để một đảng chính trị để trở thành đảng cầm quyền cần phải trải qua một quá trình đầy thử thách trong việc xây dựng tính tiên phong của đảng: tiên phong trong lý tưởng và hệ giá trị, tiên phong trong hệ thống lý luận, và vì vậy, tiên phong trong hệ tư tưởng chỉ đạo, có uy tín và có sức thuyết phục đối với toàn xã hội.

Do đó, muốn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, từ lập luận kiểu tuyên giáo ở trên, cho thấy những chính khách Việt Nam cần phải nhấn mạnh nhiều hơn đến việc “nâng cao sức hấp dẫn của Đảng”, chứ không chỉ nói nhiều đến “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” như hiện nay.

Nói một cách khác, muốn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, không cách nào tốt hơn là phải nâng cao uy tín của Đảng trong xã hội, tức là Đảng phải “có sức hấp dẫn lớn” như huấn dụ của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (*)

“Ngày hôm qua là vĩ đại, không nhất định ngày mai vẫn được mọi người yêu mến” – đó là một sự thật. Để ‘vẫn được mọi người yêu mến’ thì không thể là chuyện cứ dùng nhà tù để đe dọa những tiếng nói phản biện của ‘lời thật – phật lòng’.

Thực tế, hệ thống chính trị của bất cứ quốc gia nào hiện nay cũng đều có các bộ phận cấu thành cơ bản, đó là đảng chính trị, nhà nước, các tổ chức xã hội. Mỗi thành tố này đều có quyền lực chính trị nhất định: quyền lực chính trị của đảng; quyền lực của nhà nước; quyền lực của tổ chức xã hội.

Tuy nhiên, quyền lực của đảng chính trị lại được thể hiện ở hai loại: quyền lực của đảng cầm quyền và quyền lực của đảng không cầm quyền (đảng đối lập). Quyền lực của đảng không cầm quyền thể hiện tập trung ở quyền tranh cử với nhiều hình thức khác nhau, được luật pháp thừa nhận để có thể giành cơ hội giữ vai trò cầm quyền.

Còn đảng cầm quyền thì ngoài quyền tranh cử, nó còn có quyền lực chi phối, định hướng đối với nhà nước để thực hiện cương lĩnh, mục tiêu của đảng đó.

Như vậy trong quản trị quốc gia, dù có là độc đảng toàn trị đi nữa, thì vẫn buộc luôn ý thức nâng cao năng lực cầm quyền của mình, thông qua các cán bộ đảng viên thực hiện một cách hiệu quả sự lãnh đạo và quản lý trong bộ máy nhà nước.

+ Chú thích:

(*) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  tập 12, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 557-558.

Tin bài liên quan:

VNTB – Báo chí tư nhân mang đến lợi ích gì cho Đảng Cộng sản Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Dự án hồ La Ngà 3: rừng lại bị triệt hạ

Do Van Tien

VNTB – Những con tàu Noah hoàn hảo

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo