Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dự án hồ La Ngà 3: rừng lại bị triệt hạ

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Nếu quyết tâm thực hiện dự án hồ La Ngà 3, sẽ có 250 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 65 ha rừng đặc dụng và 100 ha rừng sản xuất sẽ bị xoá sổ.

 

Dự án hồ La Ngà 3 nằm trên địa bàn huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Tổng diện tích dự kiến lòng hồ La Ngà 3 là 2.349,3 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp 717 ha, diện tích các loại đất khác 1.632,3 ha.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, dự án hồ La Ngà 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 07-01-2020 và trong các quy hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt.

Hồ La Ngà 3 có dung tích toàn bộ khoảng 470 triệu m3 nước, đảm bảo cấp 1.011 triệu m3 nước tưới cho 77.615 ha thuộc tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai; cấp 300.000 m3/ngày nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ cho tỉnh Bình Thuận; cấp 300.000 m3/ngày nước sinh hoạt cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; phát điện (sau hồ) với công suất lắp máy 34MW (dự kiến cung cấp điện lượng khoảng 152,2 triệu KWh/năm).

Theo báo cáo đánh giá tác động ảnh hưởng của việc đầu tư xây dựng hồ La Ngà 3 được Viện Quy hoạch thuỷ lợi Miền Nam lập tháng 9-2017, ngoài những tác động tích cực là cấp nước cho Bình Thuận, tác động ảnh hưởng đến môi trường hạ du là rất lớn: di gần hơn 600 hộ với gần 3.000 người dân do diện tích bị ngập ảnh hưởng rơi vào khoảng 2.165 ha.

Trong số những xã có diện tích ngập, xã Đồng Kho ngập 408,4 ha; xã Đức Bình ngập 212,2 ha, xã La Dạ ngập 80,4 ha và xã La Ngâu ngập 1.464 ha – riêng xã La Ngâu sẽ bị “xóa sổ” hoàn toàn với diện tích ngập này.

Nếu quyết tâm thực hiện dự án hồ La Ngà 3, theo báo cáo của Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, sẽ có 250 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 65 ha rừng đặc dụng và 100 ha rừng sản xuất sẽ bị xoá sổ. Và số liệu này cho thấy sẽ đi ngược lại với chính sách chung của quốc gia, khi ở Quyết định số 523 QĐ/TTg của Thủ tướng ngày 1-4-2021 phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó yêu cầu “ưu tiên bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng và rừng tự nhiên sản xuất”.

Một báo cáo độc lập của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, nếu xây dựng hồ La Ngà 3 sẽ có nguy cơ ngập gây úng hạ tầng và dự kiến sẽ gây ngập trên diện tích khoảng 1.970 ha ở các huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam.

Ngoài ra còn làm ngập khoảng 11 km quốc lộ 55, nhấn chìm thủy điện La Ngâu với độ sâu 40 m, làm ngập 30,5 ha diện tích đất rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông…

Do tác động của việc chuyển nước khỏi lưu vực sông La Ngà nên dòng chảy trung bình thấp nhất sau đập Trị An trong tháng 2 giảm. Ranh giới xâm nhập mặn trên sông Đồng Nai sẽ vào sâu hơn so với hiện trạng 1-2 km nhưng không ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp hạ du Đồng Nai – Sài Gòn.

Khi xây dựng hồ La Ngà, kịch bản đến năm 2030 xâm nhập mặn vào sâu hơn so với hiện trạng. Cụ thể, độ mặn 0,25 g/l vào sâu thêm 2,1 km nhưng không vượt qua cầu Đồng Nai.

Theo đề án, xâm nhập mặn lớn nhất tại các vị trí cấp nước trên sông Đồng Nai, Sài Gòn vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép 350 mg/l. Điều này cho thấy khi phát triển công trình thượng nguồn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030, bao gồm cả việc chuyển nước từ hồ La Ngà 3 sang các sông ven biển Nam Bình Thuận (lưu vực sông Phan, sông Dinh, sông Cà Ty…), thì hạ du lưu vực Đồng Nai – Sài Gòn vẫn có đủ nguồn nước đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển.

Một cảnh báo khác về tác động của chuyển nước hồ La Ngà 3 là sẽ làm giảm khoảng 6,25 triệu kWh của thủy điện Trị An mỗi năm.

Ngoài ra, khi thực hiện dự án hồ La Ngà 3, tổng lượng nước của sông Đồng Nai chuyển sang lưu vực khác chiếm khoảng 12% tổng lượng dòng chảy trung bình năm của sông Đồng Nai. Trong khi đó, sông Đồng Nai có vai trò quan trọng đối với 9 tỉnh, thành phố, bao gồm: Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM.


Tin bài liên quan:

VNTB – Các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam có vẻ thờ ơ với công đoàn độc lập?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trong khu phạm nhân tử hình

Phan Thanh Hung

VNTB – Sao không xây dựng những nhà trọ dã chiến cho dân ‘tỵ nạn’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.