Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đất công hay ‘đất ông’?

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Đất có thổ công, sông có hà bá. Chính quyền ở đâu cũng có bộ máy đầy đủ, cán bộ công chức đông đảo…, vậy mà tham nhũng vẫn tham nhũng.

Tham nhũng đất đai chủ yếu xảy ra ở khu vực đất công, lưu ý ở đây chữ đất công là văn nói với nhau, còn luật đất đai chưa định nghĩa thế nào là đất công.

Thế nào là “đất công”?

“Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác” – Trích Điều 3.1, Luật quản lý, sử dụng tài sản công 2017.

Với quy định của điều luật trên, có thể thấy rằng Luật quản lý, sử dụng tài sản công đã coi tất cả đất đều là đất công, trong khi đó có đất đã giao cho người dân, doanh nghiệp rồi, nhưng khi cần thiết, vẫn có thể coi đó là đất công. Chính điều này nên ‘đất công’ dễ biến thành ‘đất ông’.

“Ông chủ lớn” và… duy nhất

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người đại diện cho nhân dân quản lý, nắm giữ những tư liệu sản xuất là chủ sở hữu đối với tài sản được quy định tại Điều 197 Bộ Luật dân sự, và Nhà nước thực hiện quyền chiếm hữu sử dụng và định đoạt đối với các tài sản đó. Điều 198 Bộ Luật Dân sự quy định:

“1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đại diện, thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

2. Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm tài sản thuộc sở hữu toàn dân”

Trước đây, hiểu sở hữu toàn dân quy định tại Điều 17 Hiến pháp 1992 như là một phạm trù kinh tế, thì tại Điều 53 Hiến pháp 2013, sở hữu toàn dân còn được hiểu là một phạm trù pháp lý, do vậy tài sản của toàn dân phải có chủ sở hữu đích thực để thực hiện quyền sở hữu trong việc phát triển sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội, bảo vộ an ninh quốc phòng của đất nước – “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 53, Hiến pháp 2013).

Để sử dụng tài sản của nhân dân có hiệu quả, Điều 201 Bộ Luật dân sự quy định Nhà nước là chù sở hữu đối với tài sản của chế độ sở hữu toàn dân.

“Điều 201. Thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân

1. Khi tài sản thuộc sở hữu toàn dân được giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân thì Nhà nước thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản đó.

2. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện việc quản lý, sử dụng đúng mục đích, theo quy định của pháp luật đối với tài sản được Nhà nước giao”.

Khi “ông chủ lớn” là những “anh Ba, anh Tư, anh Cả”

Như vậy, theo nghĩa chủ quan, quyền sở hữu toàn dân được hiểu là toàn bộ những hành vi mà với tư cách đại diện cho chủ sở hữu, Nhà nước cũng như các chủ sở hữu khác thực hiện các quyền năng cụ thể về chiếm hữu, định đoạt và sử dụng tài sản của mình.

Nhà nước “là chủ” đối với các tư liêu sản xuất chủ yếu, song không ai quy đinh cho Nhà nước phạm vi từng quyền hạn đối với những tư liệu sản xuất đó. Nhà nước tự quy định cho mình các quyền nâng và các trình tự để thực hiện các quyền năng; và điều này, vô hình trung lại tạo môi trường cho tham nhũng sinh sôi, cho việc biến ‘đất công’ thành ‘đất ông’ của những ‘anh Ba, anh Tư, anh Cả’ nào đó trong bộ máy quyền lực công.

“Nếu chúng ta có một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, liêm chính thì chắc chắn không để xảy ra những  chuyện sai sót. Hiện nay bộ máy tổ chức Nhà nước của chúng ta là đầy đủ, chức năng  nhiệm vụ được quy định theo pháp luật là đầy đủ. Nói như các cụ  thì “đất có thủ công, sông có  hà bá”,  tức là quản lý đủ hết, nhưng tại sao xảy ra nhiều chuyện để  người dân ai oán? Cán bộ của chúng ta không làm tròn trách nhiệm. Chúng ta rất buồn khi báo chí nói “ăn không từ thứ gì”, “bán không từ thứ gì”…

Có người nói năng lực kém, nhưng cử tri nói năng lực không hề kém, toàn bộ việc đó biết cả, nhưng đằng sau đó có lợi ích chi phối nên làm ngơ đi mà thôi” – cử tri Trần Thành, một luật sư, nhận xét.

Tin bài liên quan:

VNTB – Làm từ thiện bằng đồng tiền bẩn có đáng tôn vinh?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đại hội và Covid-19

Phan Thanh Hung

VNTB – Thế lực “Ba X” đã trở lại?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.