Thới Bình
(VNTB) – Luật Báo chí của Việt Nam cho phép tư nhân liên kết ‘làm báo’ với các tòa soạn báo chí Nhà nước, miễn đó không phải là nội dung “chính trị”.
Có ý kiến là đừng nghĩ việc liên kết chưa được cho phép trong các lãnh vực “nhạy cảm” như chính trị – xã hội để tự yên tâm. Nhà làm luật phải lường hết mọi khả năng để thấy trong thời đại thông tin tràn ngập như hiện nay, việc phân lãnh vực “được phép liên kết”, lãnh vực “không được phép liên kết” là không khả thi.
Ví dụ: Tường thuật một phiên họp của Quốc hội về việc sửa đổi luật thuế có thể coi là hoạt động chính trị – xã hội cũng được, hay hoạt động kinh tế cũng ổn; đưa tin về một giải thi đấu thể thao rõ ràng là chuyện thể thao, nhưng làm phóng sự về các đường dây cá độ bóng đá thì sao?
Chính trị là “vùng cấm”?
Liên kết trong hoạt động báo chí được quy định tại “Điều 37 Luật báo chí 2016 như sau:
1. Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động liên kết trong lĩnh vực báo chí theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan báo chí được phép liên kết trong các lĩnh vực sau đây:
a) Thiết kế, trình bày, in, quảng cáo, phát hành báo chí và nội dung thông tin quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản này;
b) Khai thác hoặc mua bản quyền về măng sét, nội dung các ấn phẩm báo chí thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, thể thao, giải trí, quảng cáo và thông tin kinh tế của báo chí nước ngoài để xuất bản tại Việt Nam;
c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép liên kết khai thác hoặc mua toàn bộ bản quyền về măng sét, nội dung các ấn phẩm báo chí hợp pháp của Việt Nam để xuất bản tại nước ngoài;
d) Sản xuất chương trình, kênh phát thanh, kênh truyền hình thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội;
đ) Sản xuất các sản phẩm báo in, báo điện tử thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội.
3. Các chương trình liên kết trên kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và kênh thời sự – chính trị tổng hợp không vượt quá ba mươi phần trăm tổng thời lượng chương trình phát sóng lần thứ nhất của kênh này.
4. Việc liên kết các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình giải trí, trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế có bản quyền, kịch bản chương trình nước ngoài phải được Việt hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
5. Trường hợp cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình thì số kênh liên kết không vượt quá ba mươi phần trăm tổng số kênh phát thanh, kênh truyền hình được cấp giấy phép sản xuất.
6. Nội dung các chương trình liên kết phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam”.
Câu hỏi đặt ra: thế nào là chính trị trong báo chí?
Quy định nói trên với ràng buộc tư nhân có thể tham gia sản xuất trong lãnh vực truyền hình, nhưng phải thỏa mãn tỷ lệ “kênh thời sự – chính trị tổng hợp không vượt quá ba mươi phần trăm tổng thời lượng chương trình phát sóng lần thứ nhất của kênh này”.
Báo in, báo điện tử thì tư nhân không được quyền liên kết trong nhóm nội dung “chính trị”.
“Chính trị là một trong những lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, xét về mặt hoạt động của con người trong xã hội có Nhà nước, có kết cấu giai cấp, tầng lớp, các lực lượng (tập đoàn, nhóm, giới…) cùng tham gia vào đời sống chính trị (tham chính), cùng có quan hệ với chủ thể chấp chính, tức là lãnh đạo và cầm quyền, quản lý và quản trị xã hội (thống quản).
Các lĩnh vực của đời sống xã hội, như Hồ Chí Minh xác định là có bốn mặt ngang nhau, không được xem nhẹ một mặt nào, cũng không tách rời nhau mà tác động lẫn nhau: kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Mỗi lĩnh vực có vai trò, vị trí riêng của nó trong cấu trúc xã hội tổng thể. Nòng cốt của cấu trúc này là kinh tế và chính trị” – trích bài báo “Nhận thức về thể chế chính trị”, tác giả GS. TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đăng trên tạp chí điện tử Quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản là Học viện Hành chính Quốc gia (1).
Dù là tờ báo trong lĩnh vực nào thì yêu cầu chung là những tờ báo đó phải thỏa mãn về “yêu cầu tính Đảng” (2).
Như vậy, cho dẫu việc liên kết chưa được cho phép trong các lãnh vực “nhạy cảm” như chính trị – xã hội (luật hiện cho phép liên kết trong lãnh vực “an sinh xã hội”), thì vẫn phải thỏa mãn “yêu cầu tính Đảng”. Điều này cho thấy việc hạn chế quyền liên kết, trên thực tế là đã tạo ra các vùng cấm nghi kỵ của sự yếm thế ở nhà quản lý.
_________________
Chú thích:
(1) https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/07/18/bai-2-nhan-thuc-ve-the-che-chinh-tri/
(2) http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/tinh-dang-cua-nen-bao-chi-cach-mang-viet-nam-128330