Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phản biện xã hội không là ‘phản động’

Xuân Đức

 

(VNTB) – Phản biện thường là ‘chói tai’ nên nhiều khi việc xử lý phản biện là đe dọa của bắt bớ, tù đày…

 

Phản biện giúp Đảng hiểu người dân muốn gì

 

Trong đời sống chính trị của một đất nước, các thiết chế cầm quyền luôn đứng trước nhu cầu là phải lựa chọn, đắn đo cân nhắc trong số rất nhiều các dữ kiện chủ quan và khách quan cũng như các lợi ích của các giai cấp, các nhóm xã hội, dân tộc, quốc tế… khác nhau để đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lý nhất để giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra. Do vậy, họ cố tranh thủ ý kiến, nhận xét của các tổ chức, cá nhân, xã hội.

Các lực lượng xã hội khác, vì lợi ích của mình và lợi ích chung của cộng đồng cũng dưới hình thức này hoặc hình thức khác đưa ra những quan điểm, chính kiến của mình về vấn đề đó. Kết quả là, nhờ thông qua sự sự tranh luận, tìm tòi mà đã đưa ra được những quyết sách đúng đắn, áp dụng vào cuộc sống đem lại lợi ích cho đất nước. Đó là hoạt động phản biện xã hội.

Trong bối cảnh đơn nguyên chính trị, phản biện xã hội nói lên sự phản hồi của xã hội đối với các hoạt động lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước.

Phản biện xã hội về thực chất là người dân, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp của dân góp sức với Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách, chuẩn bị các quyết định của về chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Mục đích chính trị của phản biện xã hội là góp phần tạo ra và bảo đảm sự đồng thuận xã hội, sự đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phản biện xã hội là một hình thức, một biện pháp cụ thể thể hiện quyền của dân và ý thức trách nhiệm của dân đối với công việc chung của đất nước, thể hiện lòng tin của cơ quan lãnh đạo đối với mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng và Nhà nước với dân, tin ở trình độ chính trị của dân, mức độ hiểu biết của dân về lãnh đạo và quản lý.

So với góp ý kiến, kiến nghị vốn lâu nay vẫn được tiến hành trong đời sống xã hội, phản biện xã hội tuy có những nét tương đồng, nhưng không phải đồng nhất.

Người chê ta mà chê phải là thầy của ta…

Góp ý kiến, kiến nghị, phê bình, phản ánh ý kiến nhân dân chủ yếu thể hiện sự tham gia thụ động của đối tượng chịu sự lãnh đạo, quản lý với chủ thể lãnh đạo, quản lý, theo yêu cầu của họ mà không có sự chủ động, đặc biệt là không có sự tranh biện.

Nội dung góp ý kiến, kiến nghị không đòi hỏi phải nêu ra đầy đủ các luận cứ khoa học để chứng minh, trong nhiều trường hợp chỉ để thể hiện nguyện vọng của bên kiến nghị, góp ý kiến, việc chấp thuận ý kiến, kiến nghị tuỳ thuộc vào sự xem xét của phía nhận được kiến nghị.

Còn trong phản biện xã hội không phải chỉ nêu lên các khẳng định hay phủ định, mà đòi hỏi phải có luận cứ chứng minh kèm theo. Kiến thức và trách nhiệm của bên phản biện đòi hỏi phải có sự đáp ứng cao hơn. Khi tiến hành phản biện, nhất thiết phải có sự đối thoại trực tiếp hoặc thông qua văn bản của cả hai bên biện luận và phản biện luận.

Khi phản biện, bên biện luận và bên phản biện luận đều phải nêu rõ quan điểm, lập luận, căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn để phủ định hoặc khẳng định. Việc chấp nhận hay không chấp nhận các lập luận biện luận và phản biện luận phải nêu rõ căn cứ và lý do và thông báo công khai, rộng rãi cho mọi người biết.

Nói một cách khác, người ta không thể xử lý phản biện xã hội bằng việc hình sự hóa thay cho tranh biện. Bởi phản biện xã hội là phản biện đối với hoạt động tổ chức và thực thi quyền lực chính trị.

Ở đó, quan hệ giữa các chủ thể – phản biện và được phản biện nằm trong mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau: một bên là những thiết chế đại diện có trách nhiệm đưa ra các quyết định lãnh đạo, quản lý chung đối với xã hội, bên kia là các cá nhân công dân và các tổ chức của dân có mối liên hệ về quyền dân chủ, về quyền công dân và sự quan tâm đến lợi ích chung đã đứng ra nêu lên nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến về những vấn đề do các thiết chế thực thi quyền lực công đưa ra, với mong muốn quyết định đó trở nên phù hợp hơn, khả thi hơn và đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội.

Thế nhưng ở Việt Nam lằn ranh phản biện và phản động lại tùy thuộc vào ý chí trong từng thời điểm, từng hoàn cảnh của nhà chức trách.

_______________________________________________________________________________________

Tin bài liên quan:

VNTB – Dân biểu Vũ Trọng Kim có… ‘phản động’ không?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đấu tố “phản động” làm méo mó dân vận?

Phan Thanh Hung

VNTB – Chủ thể phản biện xã hội ở Việt Nam dễ bị ‘chụp mũ’ hình sự hóa

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo