VNTB – Chủ thể phản biện xã hội ở Việt Nam dễ bị ‘chụp mũ’ hình sự hóa

VNTB – Chủ thể phản biện xã hội ở Việt Nam dễ bị ‘chụp mũ’ hình sự hóa

Loan Thảo

 

(VNTB) – Chủ thể phản biện xã hội trước hết chính là cá nhân, là công dân, hay bất cứ một thành viên nào trong xã hội.

 

Nếu hiểu phản biện xã hội là một trong các hoạt động thể hiện quyền tự do ngôn luận của con người, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân thì chủ thể phản biện xã hội trước hết chính là cá nhân, là công dân, hay bất cứ một thành viên nào trong xã hội.

Phản biện không phải là ‘ăn theo – nói leo’

Chủ thể phản biện xã hội có thể là người dân bình thường, hay là chuyên gia, nhà khoa học – những người có trình độ lý luận, kinh nghiệm thực tiễn nhất định, có quan tâm đến nội dung cũng như tác động của các chính sách khi được ban hành. Họ tham gia phản biện do xuất phát từ ý thức về trách nhiệm cũng như mong muốn đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách, thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Dĩ nhiên, chủ thể phản biện xã hội phải có tính độc lập và không thuộc “lực lượng Nhà nước” – được xem là chủ thể chịu sự phản biện xã hội. Chủ thể phản biện xã hội phải có tiếng nói độc lập trong quan hệ với chủ thể chịu sự phản biện, để phản biện không rơi vào trạng thái “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đây là điều kiện cần để phản biện xã hội bảo đảm tính khách quan và đa diện nhất.

Bên cạnh cá nhân công dân, tổ chức với tư cách là đại diện quyền lợi cho các cá nhân, nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội cũng được xem là một chủ thể của phản biện xã hội.

Ở các quốc gia, tổ chức xã hội là một thiết chế xã hội quan trọng đóng vai trò bổ sung cho vai trò của Nhà nước trong quản lý xã hội. Tổ chức xã hội tồn tại bên cạnh Nhà nước và luôn có sự độc lập tương đối của nó. Hoạt động phản biện xã hội của tổ chức xã hội được xem là một nhu cầu tự nhiên của các nhớm lợi ích trong xã hội.

Đối tượng phản biện xã hội, như đã nói ở trên, là tất cả những hoạt động có liên quan đến tổ chức và thực hiện quyền lực nhân dân, liên quan đến công quyền. Và như vậy, tất cả các hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị từ bộ máy Đảng đến bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội (đối với những hoạt động có tính chính trị) đều thuộc đối tượng phản biện xã hội song, trước hết và trực tiếp nhất là hoạt động của bộ máy đảng và nhà nước.

Phản biện cần độc lập

Hiện tại, theo đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam thì tổ chức có tên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một chủ thể được coi là phản biện xã hội. Tuy nhiên cần lưu ý là người đứng đầu tổ chức mặt trận tổ quốc luôn là thành viên của cơ quan Thành ủy, Tỉnh ủy, do vậy tính độc lập đối với chủ thể chịu sự phản biện xã hội, chỉ là hình thức.

Về lý thuyết theo Luật Mặt trận Tổ quốc, thì chủ thể phản biện xã hội là nhân dân thực hiện phản biện xã hội thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận mà mình là hội viên, thành viên, đoàn viên của tổ chức đó.

Trong hoạt động phản biện xã hội, tùy thuộc vào chủ thể và đối tượng phản biện mà sẽ có những hình thức phản biện phù hợp. Nếu chủ thể phản biện là cá nhân, phản biện xã hội có thể được thực hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Hình thức trực tiếp chính là việc phát biểu ý kiến phản biện có thể thông qua các buổi hội nghị được tổ chức chính thức để lấy ý kiến, các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử, hoặc trực tiếp đăng tải công khai ý kiến thông qua diễn đàn báo chí, truyền thông, trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng, mạng xã hội.

Cá nhân cũng có thể sử dụng hình thức phản biện gián tiếp thông qua các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp mà mình tham gia là thành viên hoặc thông qua đại biểu dân cử.

Nói đến một hệ thống chính trị dân chủ, một thể chế dân chủ thì phải thấy rõ mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền với sự tham gia của người dân thông qua một cơ chế thực hiện quyền dân chủ là phản biện xã hội. Đây được xem là quyền căn bản nhất của bất kỳ thiết chế dân chủ nào, là thước đo mức độ dân chủ của một xã hội.

Xét về bản chất chính trị – pháp lý thì phản biện xã hội là một hình thức thực hiện các quyền dân chủ của cá nhân đã được Việt Nam cam kết thực hiện trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Với tư cách là thành viên tham gia Công ước, Việt Nam đã cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước.

Như vậy rất cần xem xét lại nội hàm lâu nay trong cáo buộc hình sự những ý kiến phản biện xã hội theo các điều luật như 117, 331 của Bộ luật Hình sự.

______________________________________________________________________________________

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)