Phú Nhuận
(VNTB) – Nếu như có Luật giám sát và phản biện xã hội, chắc chắn sẽ khó thể có phiên tòa hình sự sơ thẩm vào ngày 5-1-2021 với 3 hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Quyền làm chủ thực chất?
Mới đây, trong hội thảo “Mặt trận tổ quốc Việt Nam với việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013”, đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành một số luật như Luật giám sát và phản biện xã hội, Luật dân chủ ở cơ sở, Luật biểu tình, Luật đình công, Luật về Hội, Luật về tự quản ở cộng đồng dân cư…, để qua đó tạo cơ sở pháp lý để nhân dân thực hiện thực chất quyền làm chủ của mình.
Đại diện Đoàn Thanh niên có ý kiến như sau: “Đoàn thanh niên thực hiện giám sát thì tốt rồi, nhưng còn phản biện như thế nào, phản biện cho ai, thông qua kênh nào và tiếp thu như thế nào…? vẫn là một vấn đề.
Ở hầu hết các chính sách ban hành, cơ bản đều liên quan đến đối tượng thanh niên, nên nếu phản biện xong mà không được tiếp thu, có khi không được quan tâm nữa thì sẽ không tạo được tiếng nói của mình”.
Kiến nghị và đưa ra giải pháp để nâng cao hiệu quả về giám sát và phản biện xã hội, cho thấy đã đến lúc cần thể chế hóa quy định về phản biện xã hội, thành một văn bản luật để bắt buộc trách nhiệm tiếp thu, giải trình của các bên liên quan, bao gồm cả Đảng và Nhà nước – bởi hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, phản biện xã hội phải được thể chế hóa thành văn bản pháp lý, vì phản biện xã hội rất khó, và phản biện không có tiếp thu thì vô nghĩa.
Quản lý phải bằng luật chứ không phải chỉ là nghị quyết
Giác độ lập luận học thuật, có ý kiến trước hết, mục tiêu chung được đặt ra đối với bất kỳ hệ thống quản lý nào cũng bao gồm: Thứ nhất, hiệu suất (efficiency) cao nhất, nói cách khác là chi phí cần sử dụng là thấp nhất để thực hiện các quy định của pháp luật; Thứ hai, hiệu quả (effectiveness) cao nhất, nói cách khác là việc thực thi pháp luật đạt được gần nhất với kỳ vọng đặt ra khi xây dựng pháp luật.
Như vậy, có thể thấy sự tham gia của dân bao gồm các tổ chức ngoài nhà nước và của cá nhân công dân được thể hiện dưới 2 dạng: một là tham gia vào quản lý dưới dạng các ý kiến đóng góp cho các quyết định của Nhà nước về chính sách, pháp luật, quy hoạch và các quyết định cụ thể, các ý kiến tham gia dạng này thường gọi là các “phản biện xã hội”; hai là tham gia vào “giám sát xã hội” việc thực hiện các công việc hành pháp.
Cả “phản biện xã hội” và “giám sát xã hội” được gọi chung là sự tham gia của người dân. Điều kiện cần để thực hiện cả “phản biện xã hội”, và “giám sát xã hội” là phải công khai, minh bạch mọi thông tin quản lý. Điều kiện đủ để thực hiện phản biện và giám sát nói trên là các cơ quan nhà nước và cán bộ nhà nước có liên quan phải thực hiện trách nhiệm giải trình trước các ý kiến phản biện và giám sát của dân.
Cần có luật để không bị tù oan vì phản biện
Như vậy để làm được những yêu cầu ở trên Nhà nước cần có quy định pháp luật cụ thể về công khai, minh bạch thông tin quản lý, sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình của các cơ quan và cán bộ quản lý – tức là cần có Luật giám sát và phản biện xã hội.
Chính vì chưa có hành lang pháp lý về “giám sát và phản biện xã hội” nên trong rất nhiều trường hợp, những thiện chí phản biện thể hiện qua các tác phẩm báo chí được gọi là “lề trái” đã chịu cảnh bị ‘hình sự hóa – chính trị hóa’, thay cho việc đôi bên cùng ngồi lại để trao đổi trên tinh thần dân chủ, thượng tôn pháp luật – bởi đó còn là quyền Hiến định, ghi tại Điều 28 “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
______________________________________________________________________________________