J.B Nguyễn Hữu Vinh (VNTB) Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thiết lập “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên” vào ngày 01 tháng 9 hằng năm. Hưởng ứng quyết định của Đức Thánh Cha, Giáo phận Vinh sẽ tổ chức ngày Môi trường vào 1/9/2017 trong quy mô toàn thể Giáo phận.
Giáo phận Vinh hưởng ứng mạnh mẽ
Trong bản Thông báo tổ chức “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thiên nhiên lần thứ III”của Ban Công lý – Hòa bình của giáo phận, linh mục Anton Nguyễn Văn Đính, Trưởng Ban đã ký và thông qua Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp gửi cộng đoàn Dân Chúa GP Vinh có nêu rõ các nội dung như sau:
1. Thứ Sáu, ngày 01/9/2017 – Các giáo xứ, chuẩn giáo xứ, giáo họ độc lập và các cộng đoàn trên toàn Giáo phận tổ chức Giờ chầu Thánh Thể cầu nguyện cho những người đang dấn thân bảo vệ môi trường, cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo có những chính sách đúng đắn, biết tôn trọng Mẹ Thiên Nhiên và cầu nguyện cho nhân loại biết ý thức quý mến môi trường sống của mình.
2. Chúa Nhật, ngày 03/9/2017 – Các giáo xứ, chuẩn giáo xứ, giáo họ độc lập và các cộng đoàn hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho việc bảo vệ môi trường và thực hành những việc cụ thể như thu gom, xử lý rác thải, khai thông cống rãnh, làm sạch môi trường sống, tạo lập những nơi quy tụ và xử lý rác thải lâu dài.
3. Thành lập Ban Môi Trường Giáo xứ, cổ võ các Hội đoàn Công Giáo tiến hành, các đội tình nguyện viên chuyên về thu gom, tiêu huỷ rác thải, bảo vệ và chăm sóc môi trường, trồng thêm cây xanh nơi mình đang sống.
4. Thông điệp “Laudato Sí” của Đức Thánh cha Phanxicô là giáo huấn quan trọng của Hội Thánh về việc chăm sóc thiên nhiên. Vì thế, xin quý Cha Quản xứ, quý Bề trên các cộng đoàn dòng tu tạo điều kiện để giáo dân và các thành viên của mình được học hỏi Thông điệp này, để ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc môi trường thiên nhiên”.
Điều cần nói rõ là Giáo phận Vinh là nạn nhân trực tiếp của Thảm họa biển do Formosa đầu độc.
Hậu quả thảm họa và sự bao che
Thảm họa biển do Formosa gây ra đã hơn một năm đã tạo nên một cơn khủng hoảng toàn diện trên khắp đất nước Việt Nam. Những hậu quả của nó không chỉ là việc biển bị đầu độc, đời sống hàng chục triệu người không chỉ mấy tỉnh miền Trung là như dân, mà mọi ngành nghề trong đời sống xã hội bị đảo lộn từ nghề đánh bắt, chế biến hải sản, du lịch, dịch vụ, vận tải, kinh doanh buôn bán đều bị đình trệ.
Không chỉ có vậy, nỗi lo lắng của nhiều người dân về một nòi giống Việt được bình an đã bị đe dọa nghiêm trọng. Cho đến hiện nay, Việt Nam đã và đang đứng ở tốp thứ 2 của thế giới về bệnh ung thư. Nhưng với tình trạng ô nhiễm không được kiểm soát hiện nay, thì nguy cơ khủng khiếp đang chờ đợi dân tộc này.
Hàng loạt cá chim, các sinh vật biển và trên bờ cũng như cây cỏ đã bị tận diệt bởi dòng chất thải độc từ Formosa. Hàng trăm tấn cá đã bị chết, một dải bờ biển dài dọc Miền Trung đã bị nhiễm độc… Tất cả đã hiện hữu trước mắt và là một mối nguy thật sự cho tương lai.
Chỉ cần nhìn những người thợ lặn trực tiếp tại sau cửa thải Formosa đã bị nhiễm độc, hàng loạt thanh niên nhiễm chì, nước biển chứa lượng kim loại nặng kinh hoàng với hàng trăm tấn chất độc… thì điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta và thế hệ con cháu chúng ta?
Theo các nhà khoa học căn cứ các vụ việc nhiễm độc biển, thì để làm sạch môi trường biển Miền Trung, cần thời gian ít nhất 70 năm, với điều kiện chính phủ có biện pháp mạnh mẽ để khôi phục biển và nhất là Formosa, nơi thải độc phải ngừng hoạt động.
Điều nguy hiểm hơn tất cả những thực tế đó là thái độ bao che của nhà cầm quyền Việt Nam, mà cụ thể hơn là một nhóm lợi ích đã rước tai họa về cho đất nước, dân tộc và sau khi gây thảm họa, thì đã bằng mọi cách kể cả bạo lực mà đàn áp, dập tắt tiếng kêu của người dân để mưu cầu lợi ích của mình, của phe nhóm và đảng phái mình mà bất chấp tính mạng người dân cũng như sự tồn vong của nòi giống Việt.
Sự bao che, biện bạch nhiều khi hết sức sống sượng và trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam đối với thảm họa Formosa là một tội ác – tội ác chống lại loài người. Chính sự giấu giếm đó đã làm cho người dân trở thành những thùng chứa chất độc di động. Sau cú sốc ban đầu cá chết hàng loạt, hàng trăm, ngàn tấn cá đã di cư vào vùng biển độc bị bắt đã được tung ra thị trường đưa chất độc đến mọi ngõ ngách.
Không chỉ có cá và hải sản – những thứ mà người dân cẩn thận thì còn có thể tránh – mà muối biển được sản xuất ngay cửa biển nhiễm độc Formosa được báo chí tung hô là được mùa…
Những sản phẩm này sẽ về đâu trong lòng dân tộc và đất nước này, để đưa dân tộc này đi đâu? Câu hỏi đó, nhà cầm quyền Việt Nam im bặt.
Qua một thời gian hơn 1 năm kể từ thảm họa Formosa, người ta thấy gì?
Sự tiếp tay cho Formosa tiếp tục bưng bít và xả thải độc hủy diệt môi trường, trong khi đó, lại đàn áp tàn bạo những người dân là nạn nhân của thảm họa. Đặc biệt là những người đứng lên đòi quyền lợi cho mình và cho đồng bào.
Thử hỏi, một chính quyền “Của dân, do dân và vì dân” này đang ra tay bạo lực vì ai?
Qua một quá trình lăn lộn với những nạn nhân thảm họa Miền Trung qua các cuộc thăm viếng, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã nhận định như sau: “Tôi thấy cái chết của biển cũng như của cá nó chỉ là cái ngọn vấn đề, cái chính gây ra cái chết này là do cái chết của tâm hồn con người. Tôi thấy có ít nhất có bốn cái chết: cái chết của lương tâm, cái chết của luân lý, cái chết của lý trí, cái chết của chính trị”.
Quả đúng vậy, điều cay đắng nhất mà người dân chịu đựng ở đây, là họ thấy rõ sự vô cảm, độc ác và phản bội của cái gọi là chính quyền mà họ phải nai lưng để nuôi nấng bằng những đồng tiền thuế nặng nề như một ma hồn trận nhằm bóc tận xương tủy của người dân. Nhưng, hệ thống đó đã và đang chống lại họ, đẩy họ vào cuối con đường bị tiêu vong.
Để che đậy những hậu quả khủng khiếp của thảm họa, nhà cầm quyền đã từ chối mọi sự giúp đỡ của quốc tế, của các tổ chức nhân đạo và có kinh nghiệm xử lý. Đơn giản chỉ vì họ muốn mình họ múa gậy vườn hoang, sau đó kêu gào người dân tắm biển, ăn cá nhiễm độc, mặc xác người dân khốn khổ bệnh tật và làm mồi cho tử thần.
Trước tình hình đó, các giáo sỹ và giáo dân đã buộc phải đi đầu trong việc bảo vệ môi trường sống chung của đất nước, của dân tộc.
Và hẳn nhiên, họ đã chấp nhận trở thành người lính xung kích bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự sống thì cũng có nghĩa là đương đầu với sự đe dọa, hằn học, và sự bẩn thỉu của thế lực dối trá, sự chết.
Những chặng đường Thánh Giá
Trước những hậu quả nặng nề của thảm họa Formosa, những giáo sĩ, giáo dân khu vực Miền Trung đã ý thức rất sớm những hệ lụy lâu dài của nó. Họ đã đứng lên trước dùi cui, sự hăm dọa và bạo lực để đòi cuộc sống không chỉ cho họ, mà cho cả đất nước, cả dân tộc.
Nhiều cuộc xuống đường mà có những cuộc với cả chục ngàn người đã nói lên tinh thần của người Công giáo Việt Nam không làm ngơ và sợ hãi trước sự chết để mặc cho sự dữ hoành hành.
Những cuộc xuống đường đã làm nhà cầm quyền hoảng hốt và đổ không biết bao nhiêu tiền của, công cán và nhân tài vật lực để nhằm ngăn cản người dân đòi quyền sống và bảo vệ kẻ thủ ác. Oái oăm thay, chính những hành động đó đã chứng minh câu nói trong dân gian bấy lâu nay: “Chính quyền hèn với giặc, ác với dân”.
Thông báo của GP Vinh, trong đó có đề cập thành lập Ban Môi trưởng Giáo xứ |
|
Rồi những cuộc thắp nến, cầu nguyện liên lỉ không chỉ ở các tỉnh miền Trung, mà ngọn lửa cầu nguyện cho đất nước cho môi trường đã và đang lan đi khắp nơi không chỉ trong nước mà ra cả nước ngoài, gây nên sự chú ý hết sức rộng rãi.
Điều đó, đồng nghĩa với sự hoảng hốt của nhà cầm quyền.
Những chuyến đi vận động quốc tế, trao thỉnh nguyện thư đến các nước, quốc hội Châu Âu, Đài Loan của Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp… với những “hành trình đau lòng” nhưng không thể khác.
Tất cả những điều đó, đã mặc nhiên đặt giáo hội Công giáo trước mũi súng và dùi cui của nhà cầm quyền, là đối tượng đấu tố, chà xát và bôi nhọ của một cái gọi là chính quyền của dân nhưng phục vụ cho giặc.
Biết bao những trò bẩn thỉu, đê tiện và trái ngược đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc đã được đưa ra thi thố nhằm triệt hạ ý chí đòi sự sống, đòi quyền được tự do, được mưu cầu hạnh phúc của người dân mà đối tượng là những người công giáo biết sống cho tha nhân, biết yêu thương chính kẻ thù của mình.
Nhiều người dân đã bỏ mạng vì Formosa bị nhiễm độc. Cả đất nước đang nằm trong lằn ranh đỏ của sự nhiễm độc từ biển và các sản vật từ biển mang kim loại nặng của Formosa – nguyên nhân tiềm tàng của ung thư nòi giống. Nhiều người dám dấn thân vì môi trường hiện đang ở trong nhà tù cộng sản, chỉ vì họ đòi quyền được sống.
Nhưng, tất cả những điều đó chỉ là trò con trẻ.
Trước sứ mệnh cao cả mà Đức Thánh Cha đã kêu gọi, những người Công giáo Giáo phận Vinh lại tiếp tục cuộc hành trình gian khó bảo vệ ngôi nhà chung của đất nước, của thế giới bằng những hành động thiết thực và mạnh mẽ.
Trước hết, là lên tiếng mạnh mẽ và cầu nguyện cho những người đã dấn thân bảo vệ môi trường, nhất là những người đang bị bách hại vì công cuộc đó.
Hà Nội, ngày 14/8/2017