Việt Nam Thời Báo

Ông Hồ Ngọc Thắng xác nhận đang bị điều tra có tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không

Thoibao.de


Trên Facebook của ông Hồ Ngọc Thắng, tác giả bài báo “Quan hệ ngoại giao Đức-Việt sẽ ra sao sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh?” đã xác nhận rằng, ông đang bị điều tra có tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không. 

Ảnh chụp công văn của Cơ quan cứu xét tỵ nạn Liên bang (BAMF), nơi ông Hồ Ngọc Thắng làm việc (Ảnh từ Facebook của ông Hồ Ngọc Thắng)
Ông Thắng còn cho biết rõ chi tiết hơn, trích nguyên văn: “mà trước hết họ kiểm tra PC công vụ của tôi tại cơ quan, xem tôi có đọc hồ sơ điện tử của Trịnh Xuân Thanh hay không“.
Một công văn cũng được ông Thắng trưng dẫn, ông bị buộc nghỉ việc kể từ ngày 09.08.2017 cho đến khi kết thúc điều tra toàn bộ sự việc:
Ông Thắng cho biết, hiện nay ông không được phép vào phòng làm việc của ông tại cơ quan, vì cảnh sát hình sự liên bang (BKA) đang tìm bằng chứng về việc ông có tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không.
Ông Hồ Ngọc Thắng xác nhận: “Do yêu cầu công việc tại cơ quan, tôi được phép đọc tất cả hồ sơ tị nạn của người nước ngoài và hồ sơ người nước ngoài cư trú ở Đức chưa hoặc không nộp đơn xịn tị nạn. Như vậy, tôi được phép đọc cả các dữ liệu liên quan Trịnh Xuân Thanh và chính Bùi Thanh Hiếu (tức Người buôn gió)“.
Tuy nhiên ông Thắng quả quyết, ông không hề làm chuyện này, ông viết: “Nhưng tôi đủ tỉnh táo và thận trọng để không động tới hồ sơ của hai người này, phần vì họ không liên quan công việc của tôi (do tôi được phân công làm việc với người xin tị nạn ở khu vực khác), phần vì tôi đã lường trước nguy cơ bị vu khống, bị nghi oan nếu tiếp cận hồ sơ của hai người này“.
Ngoài ra nhật báo TAZ số ra hôm qua 10/08/2017 có đăng một bài báo với tựa đề, “Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Người cộng sản trong sở Liên bang“, tường thuật về vụ việc ông Hồ Ngọc Thắng.

   Ảnh chụp nhật báo TAZ số ra ngày 10/08/2017

Cơ quan cứu xét tỵ nạn Liên bang (BAMF) cho tờ TAZ biết, trong phần hành công việc, ông Hồ Ngọc Thắng không có đảm trách về những người Việt Nam đệ đơn xin tỵ nạn.
Cơ quan BAMF cũng nói, “theo những gì nhận biết​ được cho đến hiện nay thì không có mối liên quan trực tiếp giữa nhân viên này với vụ bắt cóc“.
Nhưng ngược lại, Giám đốc Điều hành Mạng lưới Bảo vệ Nhân quyền VETO!, ông Vũ Quốc Dụng, lo sợ rằng, những giấy tờ, hồ sơ mà Trịnh Xuân Thanh nộp trong đơn xin tỵ nạn, có thể hiện nay ở Hà Nội được đem ra sử dụng làm bằng chứng chống lại Trịnh Xuân Thanh trong vụ án xét xử.
Tờ tuần báo Der Spiegel (bản điện tử) số ra hôm qua 10/08/2017 cho biết, theo yêu cầu của Cơ quan cứu xét tỵ nạn Liên bang (BAMF) Sở Cảnh sát Hình sự Liên bang (LKA) đã vào cuộc, tiến hành điều tra.
Trung Khoa – Thoibao.de





Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo