An Tịnh
(VNTB) – Tối 29 Tết, người ở quê gửi theo xe lên với lời nhắn: “Gửi cậu T., ăn Tết”.
Cận Tết Sài Gòn dịch Covid lan nhanh quá nên nhiều người đành ở lại thành phố này để ăn Tết thay vì khăn gói về quê như một thói quen.
Gọi là thói quen, vì thực ra nhiều gia đình gần như đã ‘lên ở Sài Gòn’ cả rồi, chốn quê nhà chỉ còn mồ mả ông bà, cô, cậu chi đó thôi. Bữa cơm đoàn viên ngày Tết là ngay tại Sài Gòn chứ phải đâu nơi quê nhà nhiều khi tưởng chừng xa lắc đó.
Thế nhưng người ta vẫn thích rủ rê nhau gọi là ‘về quê ăn Tết’. Bởi sự trở về không chỉ mang ý nghĩa kéo gần khoảng cách mà còn từ tâm trí, từ những gì ta nỗ lực vun vén, giữ gìn. Tết trong nếp nhà.
Bởi nhiều khi người ta tự lẩn thẩn rằng đâu là cái giá của những giấc mơ ly hương, những loại diễn ngôn đổi đời? Quê hương đã phụ bạc mình hay ngược lại, để chính mình không tin rằng mình có thể ở lại và gầy dựng được một cuộc sống đàng hoàng, ý nghĩa? Nhưng, câu hỏi tuy hệ trọng và cần nhiều nghiên cứu này, vẫn không hẳn là trọng tâm của vấn đề.
Vấn đề là, sự đổi đời là gì và nó có đến chỉ từ nơi chốn sống hay không? Một cuộc sống đáng sống hơn và một nơi chốn ta thực sự thuộc về, cần phải được bắt đầu tìm kiếm từ đâu? Có phải từ những hành trình địa lý, những tấm thẻ xanh, những quyển hộ chiếu, để ta biết được đâu là “nhà” để về?
Gã bạn cùng quê Giồng Trôm, giờ đang sống tận bên San Jose gửi email về than vãn: “Chuẩn bị nghỉ tết, sắm tết, ăn tết, chơi tết… mọi thứ hẳn đang hối hả, tất bật ở quê mình. Cái không khí tết đó, đã quen một đời, mà đi hết một đời vẫn cứ háo hức. Nặng nề nhất trong lòng có lẽ là nỗi nhớ bạn bè. Chỉ là khề khà bia bọt, cà phê; tám chuyện trên trời dưới biển. Vậy mà thèm đến… cháy lòng. Đời mình còn mấy nỗi. Xa xôi quá, biết sao giờ!…”.
Giờ thì ngay cả người ‘quốc nội’ cũng lắm nỗi hoài hương dịp năm hết, Tết đến với sự dùng dằng: về hay ở?
Tân Sửu này thì quá dễ cho câu trả lời, bởi có muốn về thì chính quyền cả nơi đi lẫn nơi đến đều chẳng ai hoan nghênh, mà là ‘đang ở đâu, hãy ăn Tết ở đó’. Đơn giản thôi, con virus cúm Tàu giờ lây lan lạ quá: nhiều ca F1 lại không phát bệnh, còn F2 thì lại thành F0 cho dịch tễ nguồn lây.
Có lẽ người ở Sài Gòn từng phân vân chuyện ‘ở – về’, rằng bởi biết đâu trong lúc về, trên chuyến bay, chuyến xe hay chuyến tàu nào đó có F0, F1 thì mình sẽ vô tình trở thành F1, F2? Về lý thuyết, khi một người nhiễm Covid-19 ở nơi nào đó thì chúng ta vẫn có thể trở thành F6, F5, thậm chí F3, F2 của người bệnh (F0).
Tối 29 Tết, người ở quê gửi theo xe lên với lời nhắn: “Gửi cậu T., ăn Tết”.
Tết này không về nhưng quê nhà vẫn ở trong tim, từ củ dưa hành muối xổi, nải chuối có những vết bầm, con gà còn nguyên dây chuối cột ở chân mà mấy đứa cháu gửi lên cho cậu, mợ ở Sài Gòn.
Tết xa nhưng vẫn thật gần!
Nói vậy thôi chứ khi thắp nén nhang ở bàn thờ tổ tiên ngày mồng Một Tết, chợt thèm làm sao được về quê. Về quê để người lớn được thấy lòng thanh yên, để bọn trẻ có dịp thả mình trong không gian lộng gió, những trò chơi hồn nhiên tinh nghịch chốn quê, nhìn ngắm và khám phá những điều giản dị mà chỉ ở quê mới có. Quê nhà lấp đầy tâm hồn của người phố với những hình ảnh, ân tình bình dị.
Mùa xuân ươm chồi non, lộc biếc; mùa đất trời giao hòa tưới tắm vạn vật, rồi mùa sẽ bình an thôi, phải không?
Hy vọng…