Bài bào chữa cho 02 bị cáo vụ án Đồng Tâm tại phiên phúc thẩm
Luận cứ bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm vụ Đồng Tâm
Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, ngày 08/03/2021.
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Tôi, Luật sư Hà Huy Sơn thuộc Công ty Luật TNHH Hà Sơn là người bào chữa cho bị cáo Bùi Viết Hiểu và bị cáo Bùi Thị Nối, xin trình bày quan điểm bào chữa như sau:
• Đánh giá về sự thật khách quan, nguyên nhân dẫn đến vụ án và yêu cầu đối với cấp phúc thẩm:
“Điều 15. Xác định sự thật của vụ án
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”
1. Các bị cáo trong vụ án này cần được hưởng tình tiết giảm nhẹ của điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS:
“e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;”
Lý do: Lực lượng công an đêm 08/01/2020 đưa 3000 quân cùng trang bị vũ khí vào thôn Hoành nhưng tại cấp sơ thẩm đã không có bằng chứng được đưa ra tại Tòa để chứng minh tính hợp pháp của việc điều động bình lính này. Đây chính là nguyên nhân gây ra vụ án Đồng Tâm.
Vụ án này mới xem xét phần ngọn, còn phần gốc là Kế hoạch tấn công thôn Hoành, xã Đồng Tâm chưa được xem xét; có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội mà cấp phúc thẩm cần phải làm rõ.
Cần phải công khai bản Kế hoạch tấn công thôn Hoành của lực lượng công an thuộc Bộ Công an và Công an Thành phố Hà Nội, ngày đêm 08/01/2020. Để giải thích được tại sao tổ công tác 03 người lại thuộc bên chế của 02 đơn vị khác nhau là Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Bộ Công an và Cảnh sát PCC Thành phố Hà Nội. Trung tá Nguyễn Huy Thịnh, Trung đoàn phó là người chỉ huy Trung đoàn lại tham gia trong tổ công tác cùng cán bộ và chiến sĩ để đột kích. Và tại sao cả 03 người cùng rơi vào 01 hố, trong khi tại Tòa bị cáo Chức khai không dung tuýp gắn dao bầu đâm trúng ai trước khi rơi xuống hố. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
2. Bản án sơ thẩm, căn cứ các KLGĐ pháp y (Trang 24): 03 viên công an đều tử vong do “Ngạt khí và cháy than hóa toàn thân do tác dụng của nhiệt mức độ rất nặng”.
2.1. Nhưng Bản án sơ thẩm (Trang 20 và 21) khớp với lời khai của bị cáo Lê Đình Doanh, Lê Đình Chức tại phiên tòa ngày 08/03/2021: Doanh dùng bật lửa châm vào chậu xăng trước rồi dùng chân đạp 1 chậu xăng xuống hố. Theo Doanh thì lượng xăng trong chậu khoảng 0,5 lít. Ngoài lời khai của 02 bị cáo, Cơ quan điều tra không thu thập được bằng chứng nào khác xác định lượng xăng dùng để đốt 03 viên công an là bao nhiêu để có thể làm cho họ bị cháy đến mức than hóa. Ở đây có 02 mâu thuẫn cơ bản:
– Về thực tế Doanh châm lửa vào chậu xăng, xăng sẽ bùn lên thì Doanh không thể dùng chân mà đạp chậu xăng xuống hố được.
– Cũng tại bản án cho rằng “Chức dùng chậu xăng đổ nhiều lần xuống hố” nhưng Chức khai tại tòa ngày 08/03/2012 là chỉ đổ xăng ra nắp can có 02 lần để đổ xuống hố.
Tòa cấp phúc thẩm cần phải làm rõ khi xem xét “tội giết người” đối với các bị cáo. Nếu không sẽ dẫn đến oan sai.
2.2. Bản án sơ thẩm (Trang 25, 26): KLGĐ pháp y số 04/20/GĐPY ngày 20/02/2020 giám định tử thi anh Phạm Công Huy ghi “Khám trong: Lòng khí phế quản đầy bụi than”. KLGĐ pháp y số 05/20/2020 ngày 20/02/2020 giám định tử thi anh Nguyễn Huy Thịnh ghi “Lòng khí phế quản nhiều bụi than xám màu đen”.
Ở đây có sự mâu thuẫn với thực tế là: Khi xăng cháy thì khói và bụi than bốc lên trên, khi dừng cháy khói với bụi than mới rơi xuống đáy hố. Lúc đó người ở trong hố đã chết thì không thể hít bụi than vào phế quản được.
3. Cấp phúc thẩm cần làm rõ bản chất của sự cháy, mà cấp sơ thẩm đã cho rằng 03 viên công an bị cháy than hóa và để cá biệt hành vi phạm tội của từng bị cáo khi lượng hình phạt (nếu có).
I. Bị cáo Bùi Viết Hiểu:
Ngày 14/09/2020, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội ra Bản án sơ thẩm số 355/2020/HS-ST áp dụng các điểm a, d, n, o, l khoản 1 Điều 123; điểm s và o khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự tuyên bị cáo Bùi Viết Hiểu, sinh năm 1943 là 16 (Mười sáu) năm tù tính từ ngày 09/01/2020.
“Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
“s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;”
“x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.”.
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.”
Tôi là người bào chữa cho bị cáo Bùi Viết Hiểu, tôi cho rằng bị cáo không liên quan đến cái chết của 03 viên công an, bởi các lý lẽ sau đây:
Tại phiên tòa hôm nay bị cáo Hiểu kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm cho bị cáo:
Phần nhận định của Tòa án tại bản án sơ thẩm:
“– Bị cáo Bùi Viết Hiểu: Là bị cáo thuộc nhóm chủ mưu, cầm đầu, cùng với Lê Đình Công, Nguyễn Văn Tuyển tổ chức các cuộc họp để lôi kéo, kích động, tấn công lực lượng chức năng; bị cáo là một trong những thủ lĩnh tinh thần của “tổ Đồng thuận”; bị cáo trực tiếp cùng với Công, tuyển bàn bạc chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội; trực tiếp ném bom xăng vào lực lượng công an”. (Trang 44)
Bị cáo Hiểu đã bị cáo buộc phạm tội giết người có tổ chức với vai trò là “Người tổ chức”. Trong 03 giai đoạn của Người tổ chức là trước, trong và sau khi tội phạm xảy ra.
Điều 17. Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
Thứ nhất: Căn cứ hồ sơ vụ án và nếu đúng như nhận định của Bản án sơ thẩm (trang 34) thì 03 nạn nhân bị chết ngày 09/01/2020 là do bị chọc bởi tuýp sắt gắn dao bầu, rơi xuống hố và bị đốt bằng xăng, xảy ra tại hố ngăn cách giữa nhà anh Hợi và nhà bị cáo Chức thì lúc đó bị cáo Hiểu đang ở trong buồng nhà ông Kình, ở cùng với ông Kình, bị ngăn cách nhiều bức tường, khoảng cách, tầm nhìn, tiếng động … nên không biết và không ai báo cho bị cáo Hiểu biết những gì trước sắp xảy ra và đang xảy ra, liên quan đến cái chết của 03 nạn nhân. Sự việc xảy ra ngoài sự ảnh hưởng, tác động của bị cáo Hiểu. Khi sự việc xảy ra bị cáo Hiểu không tham gia chỉ huy, điều khiển, thúc đẩy, tác động đến các đồng phạm khác bị cho rằng phạm tội giết người như nhận định của bản án sơ thẩm. Nói cách khác ở giai đoạn “trong khi tội phạm giết người xảy ra” bị cáo Hiểu là ngoại phạm.
Thứ hai: Theo như bản án sơ thẩm thì bị cáo Hiểu bị bắt đi ngay sáng ngày 09/01/2020, bản thân bị cáo hoàn toàn không biết việc có 03 nạn nhân bị chết. Nói cách khác ở giai đoạn “sau khi tội phạm giết người xảy ra” bị cáo Hiểu cũng là ngoại phạm.
Thứ ba: Với phương pháp loại trừ như trên thì bị cáo Hiểu chỉ có thể liên quan trách nhiệm đến giai đoạn trước khi tội phạm giết người xảy ra. Đó là hành vi “khởi xướng, vạch kế hoạch, chuẩn bị”. Không có bằng nào để cho rằng bị cáo là người khởi xướng, vạch kế hoạch giết 03 công an như nhận định của bản án sơ thẩm. Bị cáo không biết việc mua quả nổ, không góp tiền mua xăng, quả nổ và không sắm sửa các hung khí. Bị cáo không bàn bạc với Lê Đình Công, Nguyễn Văn Tuyển về việc mua lựu đạn như bản án sơ thẩm nhận định tại trang 34.
Bị cáo chỉ có hành vi giúp sức về mặt tinh thần đối với các bị cáo khác đối với tội “Chống người thi hành công vụ” và trực tiếp tham gia (trực tiếp ném bom xăng vào lực lượng công an – Trang 44 Bản án sơ thẩm), hay có hành vi về tội “Chống người thi hành công vụ”. Bị cáo biết các bị cáo khác chuẩn bị hung khí để chống lại lực lượng chức nhưng đồng tình, không can ngăn; và biết việc các bị cáo khác livestrem đe dọa giết người (lực lượng chức năng) nhưng đồng tình, không can ngăn.
Thứ tư: Cho đến thời điểm tối 08/01/2020, bị cáo Hiểu biết rằng ông Kình và bị cáo, cùng những người có mặt tại nhà ông Kình hôm đó không có ai là đối tượng truy nã hay phải thi hành lệnh bắt người, lệnh khám xét của cơ quan chức năng. Về nhận thức bị cáo và những bị cáo khác không dự kiến là lực lượng chức năng sẽ đột kích vào nhà ông Kình đêm 08/01 rạng sáng 09/01/2020 nên bị cáo không có một sự bàn bạc, hay kế hoạch ứng phó với ai để dẫn đến cái chết của 03 nạn nhân như nhận định của bản án sơ thẩm. Nên bản án sơ thẩm đã nhận định: “các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Doanh, Lê Đình Chức và Nguyễn Quốc Tiến khi thực hiện hành vi phạm tội đã có sự họp bàn, phân công, chuẩn bị rất kỹ lưỡng…” (Trang 35 – Bản án sơ thẩm) để cáo buộc bị cáo Hiểu là đồng phạm gây ra cái chết của 03 nạn nhân là không có căn cứ. Bị cáo Hiểu không có bàn bạc trước nên nếu như nhận định của bản án sơ thẩm là 03 nạn nhân đã bị giết thì ai là người thực hành thì người đó phải chịu trách nhiệm về tội giết người. Bản án sơ thẩm cũng nhận định bị cáo Hiểu không phải là người thực hành giết 03 công an, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 17 BLHS bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành tội giết người.
Thứ năm: Bị cáo Hiểu không phải chịu trách nhiệm về tội giết người nhưng cũng cần phải nêu ý kiến về việc cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo phạm điểm n “Có tính chất côn đồ” là không phù hợp.
“Côn đồ là tính hung hãn, coi thường pháp luật coi thường tính mạng sức khỏe của người khác một cách cao độ của người có hành vi phạm pháp, biểu hiện bằng sự nhục mạ, chửi rủa đánh đập tấn công người khác môt cách ngang nhiên và vô cớ hoặc vì lý do nhỏ nhặt khác. Là dấu hiệu định khung hình phạt của tội giết người và tội cố ý gây thương tích”. Ba viên công an đột kích vào nhà nóc nhà của anh Hợi, sau khi lực lượng công an đã bắn nhiều đạn, bắn quả nổ, hơi cay tấn công các bị cáo, sinh mạng của các bị cáo đang bị uy hiếp ở mức giữa sống và chết. Nên việc các bị cáo có phản ứng chống lại các bị hại không phải là “tấn công người khác môt cách ngang nhiên và vô cớ hoặc vì lý do nhỏ nhặt khác”. Do đó, hành vi này được xác định là “Có tính chất côn đồ” là không phù hợp.
Kết luận: Với các lý lẽ nêu trên, tôi cho rằng cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Bùi Viết Hiểu phạm tội giết người là sai.
• Các tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm chưa áp dụng:
1- Bị cáo Hiểu là Thương binh (điểm x khoản 1 Điều 51) theo điểm g khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh 2012 ưu đãi người có công với cách mạng.
“x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.”.
1. Khoản 1 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Người có công với cách mạng:
g) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
2- Bị cáo có anh cả là Liệt sĩ Bùi Hồng Hiệu, sinh năm 1940 hy sinh năm 1968, em út, ông Bùi Văn Chiêu sinh năm 1949 đi bộ đội bị nhiễm chất độc màu da cam là bệnh binh đã chết vì thương tật.
3- Bị cáo Hiểu có 03 tình tiết giảm nhẹ là điểm s, o và x khoản 1 Điều 51 BLHS chưa được áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS.
“Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.”
• Kiến nghị với Hội đồng xét xử:
Tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã nhận thức được hành vi tham gia chống người thi hành là trái pháp luật, căn cứ Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm đối với bị cáo Bùi Viết Hiểu về tội nhẹ hơn tội giết người.
II. Bị cáo Bùi Thị Nối:
Ngày 14/09/2020, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội ra Bản án sơ thẩm số 355/2020/HS-ST áp dụng các điểm a khoản 2 Điều 330; điểm s khoản 1 và khản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự tuyên bị cáo Bùi Thị Nối 6 (sáu) năm tù tính từ ngày 09/01/2020.
“Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;”
Tại phiên tòa hôm nay bị cáo Nối kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm cho bị cáo. Bởi các lý do sau đây:
1- Bản án sơ thẩm phần nhận định của Tòa án đã nhận định sai: “Bùi Thị Nối là những đối tượng thực hành tích cực; các bị cáo đã trực tiếp thực hiện hành vi tấn công lực lượng chức năng bằng những hung khí nguy hiểm như gạch đá, bom xăng, tuýp sắt gắn dao bầu” (Trang 45 – Bản án sơ thẩm). Khi xảy ra vụ việc bị cáo không sử dụng gạch đá, bom xăng (mà là ném bùi nhùi), tuýp sắt gắn dao bầu tấn công lực lượng công an.
2- Bản án sơ thẩm có mâu thuẫn: Phần quyết định đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” khoản 1 Điều 51 BLHS nhưng phần nhận định của Tòa án lại ghi “tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa không thành khẩn khai báo, có biểu hiện chống đối” (Trang 45 – Bản án). Và lượng hình bị cáo 06 năm trong khung (02 – 07) là không phù hợp.
3- Bị cáo hiện là người cao tuổi 63 tuổi (SN 1958), mắc bệnh hiểm nghèo thần kinh – tiền đình lâu năm, sức khỏe rất yếu.
4- Bị cáo là người có văn hóa thấp: Không biết chữ.
5- Nhận thức pháp luật của bị cáo rất hạn chế, không đủ khả năng phân biệt được đúng, sai và lại chịu sự tác động bởi số đông dân làng. Về hoàn cảnh, bản thân bị cáo bị mồ côi cha mẹ từ nhỏ, rất thiếu thốn tình cảm ruột thịt nên đã coi dân làng như người ruột thịt. Hơn nữa, trước khi xảy ra vụ việc, bị cáo đã nhận ông Kình là bố nuôi và rất kính trọng ông. Nên việc có mặt tại nhà ông Kình đêm 08/01 đến rạng sáng 09/01/2020 là điều có thể thông cảm với bị cáo.
6- Tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã nhận thức được hành vi giúp sức về mặt tinh thần đối với các bị cáo khác trong vụ án này về tội chống người thi hành công vụ là trái pháp luật.
7- Bị cáo là người phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
“Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.”
Bị cáo Nối không có tình tiết tăng nặng, Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nối 06 năm quá nặng, không có căn cứ.
• Đề nghị được hưởng án treo:
Căn cứ Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018, bị cáo có các điều kiện để hưởng án treo như sau:
1- Có nhân thân tốt, không tiền án, tiền sự;
2- Có 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự;
3- Có nơi cư trú rõ ràng;
4- Bị cáo là người cao tuổi, có bệnh tiền sử là thần kinh (tiền đình), sức khỏe yếu. Không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù và bị cáo có khả năng tự cải tạo và việc cho bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
5- Không thuộc trường hợp không cho hưởng án treo.
• Đề nghị Hội đồng xét xử:
– Với các căn cứ và lý lẽ nêu trên,
Tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho bị cáo Bùi Thị Nối và cho hưởng án treo.
Tôi xin cám ơn sự lắng nghe của các quý vị.
Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2021.
Người bào chữa
Luật sư Hà Huy Sơn