VNTB – Chủ tọa phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm ngang nhiên thách thức pháp luật?

VNTB – Chủ tọa phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm ngang nhiên thách thức pháp luật?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Pháp luật quy định khi ra tòa, bị cáo được quyền tiếp xúc với luật sư nhưng trong phiên khai mạc xét xử hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, quyền này của bị cáo đã bị vị thẩm phán chủ tọa bác bỏ.

Trong đơn khiếu nại liên quan vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội (sau đây gọi tắt là vụ án Đồng Tâm), nhóm luật sư viết:

“Chúng tôi là các luật sư bảo vệ cho một số bị cáo đang bị xét xử trong vụ án hình sự số 252/2020/HSST, được đưa ra xét xử từ ngày 07/09/2020 tại TAND TP. Hà Nội với Hội đồng xét xử do thẩm phán Trương Việt Toàn là chủ tọa.

Tại phiên tòa, trong thời gian HĐXX (Hội đồng xét xử) vào hội ý (từ 10g10 đến 11g05) lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa đã ngăn cản các luật sư tiếp xúc với bị cáo do mình bào chữa.

Trước việc làm trên, vào lúc 11g10 khi HĐXX tiếp tục phiên tòa, luật sư Đặng Đình Mạnh có đề nghị HĐXX cần phải thông báo rõ về việc: “Các luật sư có quyền tiếp xúc với các bị cáo mà mình đang bào chữa tại phiên tòa”.

Tuy nhiên chủ tọa phiên tòa (thẩm phán Trương Việt Toàn) đã công khai tuyên bố: “Các luật sư đã có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, đã có thời gian tiếp xúc với các bị cáo trước khi xét xử trong trại giam, vì vậy việc tiếp xúc giữa luật sư với bị cáo tại phiên tòa là không cần thiết”.

Mặc dù luật sư Nguyễn Hà Luân đã trực tiếp phản đối hành vi này của thẩm phán chủ tọa là vi phạm nghiêm trọng nội dung khoản 4 điều 256 Bộ Luật tố tụng hình sự. Nhưng thẩm phán chủ tọa vẫn không giải quyết yêu cầu của các luật sư.

Xét thấy, hành vi nêu trên của thẩm phán chủ tọa (ông Trương Việt Toàn) đã xâm phạm đến quyền bào chữa của luật sư và quyền được bào chữa của bị cáo. Bởi lẽ việc bào chữa và được bào chữa bao gồm cả quyền được tiếp xúc giữa luật sư và bị cáo tại phiên tòa. Điều này cũng thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán, theo nội dung điều 6: “Sự công bằng, bình đẳng” và mục e khoản 2 điều 10 “Thẩm phán không được gây khó khăn cho người tham gia tố tụng…” đã nêu tại Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán.

Với nội dung đã nêu trên, chúng tôi viết đơn khiếu nại và đề nghị Chánh án TAND TP. Hà Nội giải quyết các yêu cầu sau:

Yêu cầu thẩm phán chủ tọa phiên tòa (ông Trương Việt Toàn) cùng HĐXX phải đảm bảo ngay lập tức quyền tiếp xúc giữa bị cáo và luật sư bào chữa trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa”.

Nhóm luật sư đồng ký tên: Lê Văn Luân, Đặng Đình Mạnh, Ngô Anh Tuấn, Trương Chí Công, Ngô Ngọc Trai, Nguyễn Văn Miếng, Bùi Hải Quảng, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Hà Luân, Phạm Lệ Quyên.

Phải nói rằng, việc xuất hiện của luật sư trong hoạt động tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm sáng tỏ vụ án, luật sư không chỉ đơn thuần là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, là chỗ dựa tin cậy cho bị can, bị cáo, người bị hại,… Quan trọng hơn, luật sư còn góp phần bảo vệ, đảm bảo sự “thượng tôn pháp luật” trong các phiên tòa.

Nói một cách khác, luật sư góp phần gìn giữ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Và trên phương diện này, trong phiên xét xử hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, rất cần đến việc lên tiếng trong giữ gìn pháp chế xã hội chủ nghĩa từ ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương. Bởi, để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường kỷ luật xã hội, thì trước hết các cơ quan Nhà nước, các cán bộ đảng viên cần nghiêm chỉnh tuân theo chính sách và pháp luật. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi đại hội đảng lần thứ 13 sắp diễn ra trong vài tháng tới đây.

Cơ quan Nhà nước và cán bộ đảng viên làm đúng thì dân tin và làm theo. Trên mà công minh chính trực và gương mẫu, thì dưới cũng không dám làm bướng, làm bừa. Trái lại khi trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước có những vi phạm chính sách và pháp luật, thì khó có thể giáo dục được nhân dân ý thức nghiêm chỉnh tuân theo chính sách, pháp luật.

Như vậy, với nội dung như đơn khiếu nại nói trên của nhóm luật sư, nếu Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương chọn giải pháp im lặng, xem ra hệ lụy tất yếu là người dân thêm mất lòng tin vào Đảng; và lá phiếu lựa chọn nhân sự ở đại hội đảng sắp tới đây, người ta được quyền hoài nghi mọi chuyện – trong đó có cả ngờ vực về những kịch bản soạn trước tương tự như ‘án bỏ túi’ đang có biểu hiện chẳng cần che đậy ở phiên hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)