Triệu Tử Long
(VNTB) – Việc thực hiện quy hoạch báo chí đang dẫn đến tình trạng nơi có quá nhiều tờ báo, nơi lại trống trơn…
Năm 2025 ở TP.HCM chỉ còn 1 cơ quan báo chí
Từ đầu tháng 3-2021, báo Phụ nữ TP.HCM thuộc chủ quản Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP.HCM đã ‘chuyển khẩu’ về chủ quản mới là Thành ủy TP.HCM, tức Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Tương tự, báo Người Lao Động từ Liên đoàn Lao động TP.HCM chuyển thành cơ quan thuộc Thành ủy TP.HCM. Theo quy định, thì báo Tuổi Trẻ cũng phải chuyển sang Thành ủy TP.HCM, song chưa hiểu vì lý do nào mà hiện tại vẫn thấy ghi là cơ quan của Thành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh TP.HCM.
Dĩ nhiên tờ Sài Gòn Giải Phóng vẫn tiếp tục vị trí cũ, là “Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh”.
Báo Pháp luật TP.HCM từ Sở Tư pháp được chuyển về Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Đến năm 2025, theo yêu cầu của Chính phủ với sự phê chuẩn của Bộ Chính trị, thì ở TP.HCM chỉ còn 1 cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Hiện TP.HCM có 161 cơ quan báo chí trung ương đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú; 10 chi nhánh đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền, 46 đơn vị hoạt động truyền hình thu qua vệ tinh; 28 cơ quan báo chí của địa phương, gồm 16 báo, 1 đài truyền hình, 1 đài tiếng nói nhân dân và 10 tạp chí. Hoạt động với đầy đủ các loại hình báo chí như báo in, truyền hình, phát thanh, báo điện tử.
Trong lúc đó thì Luật Báo chí, ở mục “Cơ quan chủ quản báo chí”, Điều 14 “Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí”, ghi: “1. Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học”.
Vì sao lại hạn chế ‘báo’, chỉ cho phép ‘tạp chí’?
Đến nay ở TP.HCM có ít nhất các tổ chức chính trị – xã hội sau đây không hề được làm chủ quản tờ báo nào cả: Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TP.HCM, Hội Nông dân TP.HCM, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM, Liên đoàn Lao động TP.HCM, Hội Cựu chiến binh TP.HCM, Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật TP.HCM, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP.HCM.
Các tờ báo sau đây không được là ‘báo’ nữa mà phải chuyển sang ‘tạp chí’: Cựu chiến binh, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Giáo dục TP.HCM, Doanh nhân Sài Gòn, Khoa học Phổ thông, Tuần báo Văn nghệ TP.HCM.
Theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 do Thủ tướng phê duyệt tháng 4/2019, mỗi bộ, cơ quan ngang bộ có một báo in và một tạp chí in. Các bộ, ngành nếu tiếp nhận cơ quan báo thuộc tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, đến hết năm 2020 được có tối đa hai cơ quan báo; đến năm 2025 chỉ có một báo in và một tạp chí in. Mỗi tỉnh, thành có một báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, một tạp chí in thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh.
Tổ chức chính trị – xã hội trung ương có một báo in và một tạp chí in. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có một báo in trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có một báo in và một tạp chí in. Mỗi tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có một cơ quan tạp chí in.
Thắc mắc: ‘báo in’ và ‘tạp chí in’ khác nhau ra sao mà lại đưa ra những giới hạn đến mức ngặt nghèo như vậy?
Luật Báo chí năm 2016, Điều 3.3 ghi “Báo in là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, tranh, ảnh, thực hiện bằng phương tiện in để phát hành đến bạn đọc, gồm báo in, tạp chí in”. Luật Báo chí không đề cập riêng về việc phân biệt thế nào là ‘báo’, thế nào là ‘tạp chí’.
Giáo khoa về báo chí trên giảng đường đại học, nôm na vầy: Báo và tạp chí đều có một chức năng chung cơ bản là thu thập, xử lý và truyền đưa thông tin về tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội… nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin của quần chúng nhân dân.
Song xét về nội dung và đối tượng phục vụ, giữa báo và tạp chí có sự khác biệt nhau.Tạp chí là tiếng nói của cơ quan lý luận, học thuật, khoa học hoặc tổ chức, đoàn thể xã hội, tạp chí đi sâu nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ khoa học về từng lĩnh vực thuộc phạm vi nghiên cứu và quản lý của các chuyên ngành.
Còn nội dung phản ánh của báo thường là những vấn đề hiện tượng kinh tế – xã hội mang tính thời sự nóng hổi cần được giới thiệu, thông báo, hướng dẫn dư luận kịp thời.
Do đó, độ dài thông tin phản ánh trên báo cũng chỉ giới hạn trong một chừng mực nhất định – nghĩa là nội dung viết để đăng báo, hoặc viết để đọc trong các buổi phát thanh hay truyền hình, chỉ giới hạn trong khuôn khổ cho phép hoặc quy định đăng tải. Còn tạp chí là cơ quan lý luận, học thuật, khoa học của một tổ chức, đoàn thể nào đó chủ yếu đi sâu nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ khoa học về một lĩnh vực nào đó thuộc phạm vi ngành mình, địa phương mình. Định kỳ phát hành của tạp chí thường dài hơn định kỳ phát hành của báo.
Khác với báo có đội ngũ sáng tạo chủ yếu là phóng viên và cộng tác viên tích cực ở các cơ sở; đội ngũ người viết cho tạp chí chủ yếu là cộng tác viên, là những nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm thông hiểu các vấn đề nghiệp vụ và các biên tập viên là những nhà khoa học, chuyên gia vững về nghiệp vụ biên tập chuyên môn của từng lĩnh vực.
Không thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Vì sao không mở rộng đối tượng thành lập cơ quan báo chí, và giới hạn qua việc phân chia ‘báo’ với ‘tạp chí’? Câu trả lời có thể tìm thấy qua câu chuyện sau đây của luật sư Trần Hồng Phong, nguyên là phóng viên báo Pháp luật TP.HCM (hồi còn chủ quản là Sở Tư pháp TP.HCM):
“Trên tay tôi là cuốn sách “Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương” do NXB Sự thật xuất bản năm 1962, gồm các bài viết của tác giả Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) trong những năm 1921-1926. Trong Lời giới thiệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc Ban chấp hành TW Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) ghi rõ như sau: “Đây là những tài liệu lịch sử vô cùng quý báu đã được Đảng cộng sản Liên Xô giữ gìn chu đáo mấy chục năm nay với tinh thần quốc tế vô sản cao cả và gần đây đã gửi cho Đảng ta”.
Năm 1962 này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang là nhà lãnh đạo cao nhất ở Miền Bắc. Như vậy, có thể khẳng định những bài viết của ông được giới thiệu trong cuốn sách là có thật, khách quan.
Trong cuốn sách này có 19 bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nội dung đề cập nhiều vấn đề về đời sống xã hội tại Đông Dương trong thời kỳ thuộc Pháp. Như các bài: “Đời sống kinh tế”, “Độc quyền ăn cướp”, “Thuế khóa”, “Chính sách ngu dân”, “Chế độ báo chí”, “Công lý” … Ở đây, tôi muốn nói về bài “Chế độ báo chí”.
Trong bài viết này, thật bất ngờ (vì hiện nay có thấy Nhà nước cho in lại hay nhắc tới đâu), Hồ Chủ Tịch đã mạnh mẽ lên án chế độ báo chí ở Việt Nam thời kỳ giữa thế kỷ XX là “kỳ dị quá đến nỗi khó mà tin được”.
Hồ Chủ Tịch viết: “Mãi đến bây giờ, chưa có người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở các nước châu Âu hay châu Á khác, chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy”.
Qua đoạn viết trên, không cần đến bằng giáo sư tiến sỹ về chủ nghĩa Mác Lê, ai cũng có thể thấy rất rõ quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí như sau: Một. Báo chí phải bao gồm báo do cá nhân thành lập (báo chí tư nhân). Hai. Nền báo chí của một quốc gia phải có các tờ báo thuộc nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn học … như ở các nước châu Âu, châu Á khác, “chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng”.
Ba. Loại “báo do chính quyền thành lập do bọn tay chân điều khiển, chỉ nói chuyện nắng mưa, tán đương những kẻ quyền thế đương thời…vv” là loại báo chí “đầu độc người ta”.
Cùng bài viết trên, trong bài “Những yêu sách của nhân nhân Việt Nam” đăng ở trang cuối cuốn sách, Hồ Chí Minh đã “đề đạt” tới chính phủ Pháp những yêu cầu sau: Thứ nhất, ân xá toàn thể chính trị phạm Việt Nam. Thứ hai, tự do báo chí và tự do tư tưởng. Thứ ba, tự do lập hội và tự do hội họp.
Đến nay, sau gần 52 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, có thể thấy nền tự do báo chí của Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn và sự tranh đấu của ông”.
Có lẽ không cần phải bàn luận gì thêm nữa.