Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kinh Tế Dễ Hiểu: thị trường (chương 2)

Đoàn Hưng Quốc

 

Kinh tế dễ hiểu 

 

Ba nhân vật trụ cột của bộ môn kinh tế học là Adam Smith, Karl Marx và John M. Keynes. Chương 2 trình bày những lý luận kinh tế đi sau ba vị này ở Mỹ, lý do chọn Hoa Kỳ vì là nền kinh tế lớn nhưng thay đổi qua nhiều thời tổng thống với các chính sách kinh tế khác nhau. Nhưng trước hết để tóm tắt:

Adam Smith chủ trương thị trường có tự do thì dân chúng mới hăng hái làm việc, tạo ra của cải và trao đổi hàng hóa để rồi tất cả mọi người được hưởng lợi ích từ giá trị lao động của chính mình.

Karl Marx phê bình trong chủ nghĩa tư bản giới chủ bóc lột giá trị lao động của thợ thuyền. Lenin duy trì khu vực tư nhân và thị trường nhưng kinh tế do nhà nước lãnh đạo (New Economic Policy 1921-1928.) Đến thời Stalin hoàn toàn loại bỏ thị trường tự do để thay thế bằng nền kinh tế chỉ huy.

John M. Keynes phân tích thị trường lên xuống theo chu kỳ thăng trầm nên nhà nước phải bù đắp vào những khiếm khuyết của thị trường nhằm ổn định xã hội.

Như vậy ba kinh tế gia lỗi lạc mỗi người đều có một cái nhìn khác nhau về mối tương quan giữa nhà nước và thị trường. Mục tiêu phần này nhằm trình bày các trường phái tiếp nối Smith, Marx và Keynes mà không đi đến kết luận bởi vì cuộc tranh cãi này sẽ còn kéo dài thêm vài trăm năm nữa (nhằm tạo công ăn việc làm cho các kinh tế gia!)

Adam Smith và Karl Marx cùng được gọi chung là kinh tế cổ điển (classical economy) tức là lao động (labour) tạo ra giá trị (value.) Khác ở chỗ Smith quan niệm thị trường tự do giúp mọi người hưởng thụ giá trị lao động còn Karl Marx lên án giá trị lao động của công nhân bị tư bản bóc lột.

Vào đầu thế kỷ thứ 20 xuất hiện một cách nhìn mới là giá trị (value) do nơi tiện ích (utility) thay vì từ lao động (labour). Thí dụ một người đang khát uống ly nước đầu thì thật ngon, ly thứ nhì vừa vừa còn ly thứ ba đầy bụng nuốt không vô, tức là giá trị của mỗi ly nước giảm khi nhu cầu tiện ích hạ thấp. Quan điểm này gọi là Giá Trị Biên Tế hay Marginal Value.

Thị trường định đoạt giá trị (giá cả, lương bổng) để trao đổi hàng hóa (sản phẩm, lao động.) Một người có thể bỏ ra công sức lao động tạo ra một món hàng không giá trị vì không ai mua (giống như Kinh Tế Dễ Hiểu viết mà chẳng ai đọc!) Giá trị của mỗi người ở chổ làm ra tiền nhiều hay ít là do nơi khả năng của họ đáp ứng nhu cầu của thị trường giỏi hay dở (người Mỹ  gọi là “sell yourself”, tức là tìm giá tự bán khả năng mình.)

Nhà tư bản để dành tiền dùng làm vốn đầu tư (capital), tức là họ nhịn không hưởng thụ tiện ích ngay bây giờ thay vào đó chuẩn bị cho tiện ích trong tương lai mặc dù gặp nhiều rủi ro thua lổ mất vốn. Cho nên khi nhà tư bản sau này gặt hái lợi lộc từ tiền đầu tư thì không thể bị xem là bóc lột giá trị lao động của thợ thuyền mà ngồi không hưởng lợi. Thương gia tạo ra giá trị bằng cách môi giới và quảng cáo hàng hóa nhằm mang tiện ích đến cho người tiêu dùng (cho dù không trực tiếp lao động tạo ra sản phẩm) nên cũng không thể bị gọi là bóc lột giá trị lao động của công nhân.

Cho nên theo cánh Giá Trị Biên Tế (Marginalists) thì trong thị trường tự do không ai bị ép buộc phải mua hay bán nên tuy có giàu nghèo do nơi mỗi người tạo ra giá trị cao hay thấp nên không có bóc lột.

Quan điểm về thị trường tự do (Adam Smith) phối hợp với trường phái Giá Trị Biên Tế (Marginalists) được gọi chung là cánh tân cổ điển (neo-classical), nôm na là Tư Bản Mỹ. Thị trường tuy chênh lệch giàu nghèo nhưng không bất công vì giá trị tiện ích cao thấp khác nhau. Nhà nước đừng viện dẫn lý do công bằng xã hội mà thò bàn tay lông lá bẻ cong (distort) thị trường hoặc tìm cách đánh thuế (tịch thu) của nhà giàu cho nhà nghèo (bỏ tiền vào túi nhà nước.)

Nhưng như John M. Keynes nhận xét thị trường trải qua các chu kỳ thăng trầm gây ra rất nhiều xáo trộn nên cần đến bàn tay hữu hình của nhà nước can thiệp nhằm ổn định xã hội. Để trả lời cho vấn nạn này kinh tế gia Milton Friedman (Nobel 1976) chứng minh cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế 1929 do chính nơi nhà nước kém cỏi tăng lãi suất quá sớm khiến một cuộc khủng hoảng thuộc loại xoàng xoàng (garden variety crisis) trở thành một cuộc Đại Khủng Hoảng.  Nói cách khác nhà nước phá hỏng thị trường trước rồi sau này tự khen là cứu vớt thị trường! 

Dùng thí dụ cho dễ hiểu, thị trường như cơ thể cần đến trái tim (ngân hàng) bơm máu huyết (tiền.) Thiếu máu thì suy thoái (tiền lưu hành ít khó vay mượn đầu tư); dư máu sinh lạm phát (tiền lưu hành nhiều thành ra mất giá); còn nghẹt tim (ngân hàng kẹt vốn) mà không cấp cứu thì chết! Cho nên cần một Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ) độc lập để giám sát hệ thống ngân hàng, để bơm hay hút tiền và kiểm soát lãi suất nhằm giúp cơ thể mạnh khỏe thay vì trông cậy vào nhà nước siết chặt không cho uống rượu, hút thuốc, v.v…bởi vì nhà nước sẽ lạm dung. 

Xin lưu ý là NHTƯ Mỹ (Central Bank hay Federal Reserves – Quỹ Dự Trữ Liên Bang, gọi tắt là the Feds) tuy do Tổng Thống và Quốc Hội bổ nhiệm nhưng độc lập (ít nhất là trên nguyên tắc) với chính quyền (gồm Hành Pháp và Lập Pháp.) NHTƯ quyết định chính sách tiền tệ (monetary policy) trong khi chính quyền quyết định ngân sách (fiscal policy) và thuế khóa (tax policy.) Ngân sách và thuế khóa lại là hai quyết định chính trị (political decisions) ưu đãi phe này thiệt thòi phía kia nên chậm chạp, gặp nhiều chỉ trích và sai phạm. Ngược lại NHTƯ do một nhóm chuyên gia độc lập quyết định mà không bị áp lực của lá phiếu bầu nên đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế một cách nhanh chóng và hữu hiệu. Cho nên bàn tay hữu hình (the visible hand, hay bàn tay lông lá) nhằm chỉ vào chính quyền thay vì NHTƯ. 

(Ngược lại NHTƯ của các nước chuyên chế tư bản gồm Trung Quốc và Việt Nam không độc lập vì là cánh tay của nhà nước sai bảo cho công ty quốc doanh hay tư nhân nào vay mượn thì phải vâng lời.)

Hai trường phái Giá Trị Biên Tế (Marginalists) và Tiền Tệ (Monetarists) đặt nền tảng lý thuyết cho kinh tế thị trường và NHTƯ ở Mỹ trong suốt 40 năm từ 1981-2021. Thống Đốc NHTƯ Paul Vocker nổi tiếng nhờ cắt lượng tiền lưu hành chặn đứng lạm phát phi mã năm 1979. Tổng Thống Ronald Reagan tuyên bố “Nhà nước tạo ra vấn đề thay vì giải quyết vấn đề” (Government is not the solution to our problem, government is the problem) năm 1981, tức là nhà nước không can thiệp vào thị trường tự do, đồng thời chủ trương giảm thuế để tư nhân có thêm tiền đầu tư hay tiêu xài (nghịch lý là giảm thuế nhưng vẫn tăng chi, lý do một khi nhà nước đã mập thì ngay cả Reagan cũng không dám mổ bụng hút mỡ!)

Cho nên từ 1981-2021 nước Mỹ tuy áp dụng kinh tế thị trường tự do (free market economy) nhưng vai trò của NHTƯ rất lớn. Nếu trên sân khấu thị trường tự do là cô đào thì NHTƯ là kép 1 còn chính quyền (Hành Pháp và Quốc Hội) là kép 2. Dù vậy NHTƯ bị chỉ trích là có bàn tay nhám nhúa ưa sờ soạng, trong khi bàn tay lông lá của nhà nước lúc nào cũng đòi bóp…mạnh hay nhẹ tùy theo đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ.

Donald Trump là Tổng Thống không giống ai nên công khai hù dọa NHTƯ trên Twitter khi Thống Đốc Jerome Powell tăng lãi suất quá nhanh. Báo chí phản đối Trump đe dọa tính độc lập của NHTƯ (nhưng kết quả cho thấy Trump đúng Powell sai.) Dù vậy Trump vẫn thuộc cánh thị trường tự do vì bớt giám sát (de-regulation) và giảm thuế cho dù ngân sách tiếp tục tăng.

Cho đến năm 2021 khi Biden làm Tổng Thống và đảng Dân Chủ nắm Quốc Hội thì NHTƯ mới sẽ nhường chỗ cho nhà nước làm kép chánh trên sân khấu, tức là Milton Friedman cùng hai trường phái Giá Trị Biên Tế và Tiền Tệ bị thay thế bởi lý thuyết John M. Keynes cùng với thuyết Tân Tiền Tệ (Modern Monetary Theory – Stephanie Kelton) Hơn thế, nhà nước không chỉ can thiệp (government intervention) mà nay phải chủ động (government activism – Mariana Mazzucato) vào nền kinh tế. Thập niên 2020 là thời đại của các kinh tế gia phụ nữ!

Xin mời đọc các chương kế tiếp.

______________ 

TÓM TẮT

1. Phái Cổ-Điển (Classical Economic) Adam Smith và Karl Marx: lao động (labour) tạo ra giá trị (value). Marx lên án tư bản bóc lột giá trị lao động.

2. Phái Tân Cổ-Điển (Neo-classical Economic): giá trị (value) là do tiện ích (utility). Thí dụ lương bổng cao hay thấp do thị trường trả giá theo nhu cầu tiện ích nhiều hay ít nên không có bóc lột.

3. Phái Tiền Tệ (Monetarists): tiền trong kinh tế như máu huyết trong cơ thể. Thiếu máu thì yếu (suy thoái) còn dư máu thì căng đứt mạch máu (lạm phát.)

4. NHTƯ Mỹ (Ngân Hàng Trung Ương) độc lập với chính quyền, và kiểm soát lượng tiền (máu trong cơ thể) mà không bẻ cong (distort) thị trường như bàn tay lông lá của nhà nước.

5. Cộng lại có 4 bàn tay: 

  • bàn tay vô hình (the invisible hand, Adam Smith) điều hợp thị trường tự do
  • bàn tay sắt trong kinh tế chỉ huy
  • bàn tay hữu hình (the visible hand hay bàn tay lông lá, John M. Keynes) của nhà nước cứu vớt hay bóp mép thị trường
  • bàn tay nhám nhúa của NHTƯ sờ soạn thị trường.

________________

[1] CHÚ Ý 

Hai chữ rent (tiền thuê) và rent seekers (ngồi không hưởng lợi) có ý nghĩa rất quan trọng trong sách vở kinh tế Anh-Mỹ nên cần giải thích cặn kẽ dưới đây:

Rent seekers dịch theo cộng sản là thành phần hút máu mủ giai cấp công/nông dân (tư bản, địa chủ) nhờ vào vốn (capital) hay tiền thuê đất (rent) ngồi không hưởng lợi mà không phải lao động.

Rent hiểu theo nghĩa rộng hiện giờ gồm tất cả mọi thứ cản trở thị trường tự do: bảo hộ (protectionism), độc quyền (monopoly), bản quyền (patent), tập đoàn, phe phái, v.v….


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Kinh Tế Dễ Hiểu: Nhà nước và Ngân Hàng Trung Ương ( chương 4)

Phan Thanh Hung

VNTB – Buổi chuyện trò ớn lạnh với ChatGPT

Do Van Tien

VNTB – Kinh Tế Dễ Hiểu: thị trường và rủi ro đạo đức (Chương 11)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo