Lê Tự Do
(VNTB) – Ở Việt Nam, tư nhân chỉ được quyền ‘phụ’ phát hành, không được quyền ‘đứng tên’ trên tờ giấy phép báo chí.
Là một trong những quyền cơ bản của công dân “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25 Hiến pháp 2013).
Dù đã là quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và các luật như Luật Báo chí, Luật tiếp cận thông tin, song xoay quanh vấn đề này, cũng có nhiều lập luận, tốn hao nhiều dẫn chứng để bênh vực cho lý lẽ hoặc có hoặc không tự do ở báo chí ở Việt Nam.
Theo một bài viết trên báo Nhân dân, ở Việt Nam có nhiều loại hình báo chí từ báo giấy, tạp chí, báo điện tử, cho đến truyền thanh, truyền hình, mạng xã hội, trang thông tin điện tử…; nhiều người cũng được cấp thẻ nhà báo. “Qua internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài vở của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới như AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times,…”.
Bên cạnh đó, theo một bài báo của báo Quân đội Nhân dân, “Là quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam đã sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…”.
Và như để minh chứng cho việc này, tiếp sau đó, báo Quân đội Nhân dân viện dẫn thêm một số Luật (bên cạnh Hiến pháp), cho rằng, về mặt pháp lý, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của công dân ở Việt Nam đã được quy định toàn diện, đầy đủ, với những nội dung cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện trong cuộc sống.
Những điều các báo nói là hoàn toàn không sai. Đúng là Việt Nam có đầy đủ luật và luật Việt Nam rất chặt chẽ, quy định rất rõ ràng, tuy nhiên, thực hiện như thế nào, chắc là cũng nên xem lại. Như Điều 11 Luật Báo chí năm 2016 quy định “Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.
2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác”.
Thực tế thì như thế nào? Cứ như mấy ông của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam có lẽ cũng có đáp án cho câu hỏi này rồi! Dân gian cũng có câu: “Sự thật mất lòng” mà.
“Nói về vấn đề người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài vở từ các cơ quan thông tấn nước ngoài, điều này là đúng nhưng chưa đầy đủ. Cứ như lấy VOA và BBC làm ví dụ. Thực tế là có những lúc rất dễ dàng trong việc truy cập hai web này, song điều đó không phải là mọi lúc mọi nơi mọi đường truyền. Đa phần truy cập vào thì bị chặn. Vậy thì làm sao gọi là tiếp cận tin tức, bài vở được?”, một ý kiến đặt vấn đề.
Không chỉ là thắc mắc đến từ cộng đồng, tờ báo Nhân dân (Cơ quan tiếng nói Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam – Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam) cũng công nhận một điều rằng: “Trong xã hội mà quyền con người được khẳng định và Nhà nước luôn tạo điều kiện để bảo đảm sự phát triển của quyền con người, thì tự do báo chí và tự do ngôn luận là các yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển chung…”.
Nếu như tự do báo chí và tự do ngôn luận là các yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển chung, thì thay vì viện dẫn Việt Nam ban hành hết Hiến pháp rồi Luật này luật nọ để chứng minh là có tự do báo chí, thì nên tập trung vào việc ‘thực hành’.
Nếu có thật sự tự do báo chí, có lẽ sẽ không có vụ quy hoạch báo chí như vừa qua khiến hầu hết các tòa soạn phải ‘đổi chủ quản’, chuyển từ ‘báo’ sang ‘tạp chí’; Bộ Thông tin Truyền thông cũng sẽ phần nào bớt “trách nhiệm” của mình; và nền báo chí tư nhân phải được quyền có mặt…
Đồng ý một điều là tự do báo chí cũng nên trong khuôn khổ pháp luật, những tin giả gây hoang mang cho người dân nên phạt. Tuy nhiên, quá cứng nhắc trong hành động, trong khi đó lại viện dẫn ‘tùm lum luật’ rồi cho rằng Việt Nam có tự do báo chí thì nếu họa chăng có, cũng chỉ là tự do báo chí trên… về mặt tuyên giáo Đảng mà thôi.