Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nếu phải ra tòa, gia đình nhà văn Hữu Mai chắc chắn thua ‘nhà tướng Giáp’

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Gia đình nhà văn Hữu Mai thua ‘nhà tướng Giáp’ bởi lẽ rất đơn giản đó là vị tướng được sử sách cách mạng Việt Nam ngợi ca ông cứ như một vị thánh của Đảng. 

 

Vị tướng được ngợi ca lẫy lừng để rồi sau đó khi tàn cuộc chiến, “vị thánh tướng” được giao ghế Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch – nghĩa là tiếp tục chuyện ‘giết chóc’ những bào thai còn chưa chớm tượng hình.

“Nhất tướng công thành vạn cốt khô” – câu thơ ấn tượng trong bài Kỷ Hợi Tuế của nhà thơ Tào Tùng bên Trung Hoa, là hình dung dễ thấy nhất về đời binh nghiệp của tướng Võ Nguyên Giáp – đặc biệt là trận chiến Điện Biên Phủ.

Số là hổm rày xảy ra lùm xùm vụ cố văn sĩ Hữu Mai bị “tước quyền” trên những cuốn sách hồi ký dựa theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi người mỗi ý, ông nói ra, bà nói vào, người thẳng thắn, kẻ vòng vo, cứ gọi là rối hơn tơ vò.

Có ý kiến nhắc thời sự vụ mua bằng cấp ở Đại học Đông Đô để cho rằng giờ không hiếm bài báo, bài viết đứng tên ông nọ bà kia nhưng thực chất là người khác viết hộ, kể cả luận văn các loại, nên sá gì chuyện con cháu tướng Giáp một mực cho rằng ông bố của họ văn võ song toàn, Hữu Mai bất quá chỉ điếu đóm ăn tàn trong trò viết lách văn chương mà thôi (?!).

Hữu Mai (1926-2007), đó là một nhà văn Việt Nam với hơn 60 đầu sách được in. Ông là người viết những hồi ức của đại tướng Võ Nguyên Giáp và là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957).

Nhà văn Hữu Mai tên thật là Trần Hữu Mai, sinh ngày 7 tháng 5 năm 1926, tại thành phố Nam Định. Nguyên quán ông gốc ở làng Đông Trụ, xã Chiến Thắng, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Ông là con một gia đình viên chức nhỏ. Kháng chiến toàn quốc ông tham gia tự vệ thành, chiến đấu ở Hà Nội rồi vào bộ đội, phụ trách báo Quân Tiên Phong (báo của Đại đoàn 308), tham gia nhiều chiến dịch trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1956, ông tham gia thành lập và biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, trưởng phòng Văn nghệ Quân đội, lên đến cấp bậc Đại tá. Năm 1983, ông chuyển ngành sang Hội nhà văn, là Ủy viên Ban thư ký thường trực Ban Chấp hành Hội khóa III, khóa IV. Ông là thành viên của Hiệp hội Quốc tế những nhà văn viết truyện trinh thám AIEP.

Ông qua đời ngày 17 tháng 6 năm 2007 tại Hà Nội, hưởng thọ 81 tuổi.

Sinh tiền, ông là một những nhà văn tham gia viết nhiều hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ (hồi ký, 1964); Từ nhân dân mà ra (hồi ký, 1966); Những năm tháng không thể nào quên (hồi ký, 1970); Chiến đấu trong vòng vây (hồi ký, 1995); Đường tới Điện Biên Phủ (hồi ký, 1999); Điện Biên Phủ – điểm hẹn lịch sử (hồi ký, 2000).

Ông còn là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim như Hoa ban đỏ, Ông cố vấn (kịch bản phim truyền hình), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (kịch bản phim), Cao điểm cuối cùng…

Nhà văn Trần Hữu Mai và vợ Trương Thị Bích Thu có bốn người con. Người con trai cả Trần Hữu Bình từng là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Phó Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, cũng là một nhà văn với bút danh Bình Ca. Người con trai thứ Trần Hữu Việt là một nhà thơ, hiện đang là Vụ trưởng, Trưởng ban Văn hoá – Văn nghệ báo Nhân Dân.

Như vậy so kè chuyện thứ hạng trong bộ máy công quyền, cho thấy có thể cũng là bên nhỉnh hơn tám lượng, với kẻ nửa cân yếu; đặc biệt là nghe đâu vào năm 1983, dân gian làm thơ: “Nhà thơ làm kinh tế/ Thống chế đi đặt vòng” – ý nói đến Tố Hữu và Võ Nguyên Giáp, hai bậc công thần của cách mạng Việt Nam.

Giả dụ giờ đại diện nhà tướng Giáp và nhà đại tá Mai cùng kéo nhau ra tòa, quanh chuyện liên quan tác quyền các hồi ký của Võ Nguyên Giáp, liệu sẽ xử ra sao?

Trước đây có một vụ kiện dân sự về tác quyền giữa một thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (nay gọi là thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao), và một nhà văn về truyện X30 phá lưới.

Thẩm phán biết được những vấn đề tình báo, kể lại cho nhà văn, nhà văn viết thành truyện, song do nhà văn này bị cấm viết, nên truyện chỉ để tên một mình vị thẩm phán.

Thời gian đầu nhà văn được chia tiền bản quyền, sau đó do tiền bản quyền quá cao, nên thẩm phán không chia, cả hai phải ra toà, cuối cùng Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao TP.HCM chia bản quyền cho nhà văn, nhưng chỉ công nhận được nhiều chương riêng vài chương cuối thì cho rằng do vị thẩm phán viết.

Vụ này lùm xùm đến nổi khi Phó chánh án TP.HCM xử sơ thẩm, khi ra ứng cử Hội đồng nhân dân TP.HCM bị vị thẩm phán tòa phúc thẩm tối cao trong vụ kiện dân sự phát biểu tại cuộc họp cử tri cho rằng người ứng cử không đủ tiêu chuẩn, song ứng cử viên vẫn được bầu…

Trở lại với vụ hồi ký tướng Giáp.

Rắc rối nảy sinh ở đây, bởi lẽ sinh tiền, đại tướng Võ Nguyên Giáp có cả đội ngũ thư ký và giúp việc được ngân sách quốc gia chi trả lương, thù lao. Liệu những người bên cạnh đại tướng có tham gia vào quá trình biên soạn hồi ký hay không, lại là câu chuyện khác. Chính lễ ấy nên nếu ông Võ Điện Biên – đại diện nhà tướng Giáp, một mực cho rằng cha mình – đại tướng Võ Nguyên Giáp được phép đứng tên duy nhất trên hồi ký, cũng không quá khó lý giải tại tòa.

Lưu ý, Luật sở hữu trí tuệ không bảo hộ quyền tác giả cho những hỗ trợ kỹ thuật, mà chỉ bảo hộ cho tác giả ý tưởng. Vì vậy, trong trường hợp gia đình các bên của tướng Giáp và đại tá Mai, cần phải xác định được người chấp bút đóng góp gì vào việc xây dựng lên bộ hồi ký, có thể hiện những dấu ấn cá nhân của ông Hữu Mai trong đó không, có đưa văn phong và bình luận của ông Hữu Mai vào tác phẩm không?.

Hội đồng giám định tư pháp do tòa lập ra sẽ giúp đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Hội đồng này gồm các chuyên gia am hiểu luật, am hiểu lịch sử bối cảnh ra đời của tác phẩm, và hiểu về các nhân vật liên quan.

Mà thôi, cãi cọ nhau làm gì. “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Giãi thây trăm họ làm công một người! Bao nhiêu lãnh tụ, chính khách, danh tướng đã lập công lưu danh bằng máu xương trăm họ rồi kia mà…


Tin bài liên quan:

VNTB – Tôi Không Bao Giờ Xin Đặc Xá!

Trương Thế Tử

VNTB – Hồi ức, hồi ký và sám hối cho kịp bước đi thời đại

Phan Thanh Hung

VNTB – Nguyễn Công Khế: người tù hai chế độ

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo