Từ Nguyên Thạch
(VNTB) – Viên sĩ quan kéo cuộn kẽm gai vào sát lề. Chiếc xe lăn bánh qua cầu. Phòng tuyến cuối cùng của lòng người được dỡ bỏ, trước nửa ngày miền Nam hoàn toàn được ‘giải phóng’.
Một đêm Sài Gòn giới nghiêm tháng 4-1975, một sản phụ tản cư sắp sanh được chồng dìu ra đường tìm xe đến bệnh viện. Lúc đó trên nhiều con đường dẫn vào trung tâm Sài Gòn các bót gác với cuộn rào kẽm gai được dựng lên. Mọi sự ra vào đều bị kiểm soát nghiêm ngặt.
Sài Gòn đang sống trong những giờ phút căng thẳng nhất của lịch sử. Chiến sự bao quanh cùng dòng người tản cư đổ về Sài Gòn. Trong giây phút gần như tuyệt vọng đó, một viên sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa quyết định mở cổng rào và dùng chiếc xe jeep nhà binh chở sản phụ đi sanh bất chấp lệnh cấm của cấp trên.
Câu chuyện đầy tình người này là chuyện có thật lấy từ gia đình người viết – tức nhà báo Từ Nguyên Thạch, và được kể lại qua truyện ngắn “Tên con là Hòa Bình”.
***
Cả một ngày dài cuối tháng Tư mà Tấn không phải làm gì. Anh nằm trên chiếc giường tre đặt ngoài hàng hiên, cạnh gian bếp. Tấn nửa tỉnh nửa ngủ. Người anh cứ dã dượi như ốm mới dậy.
Trong gian bếp thiếu ánh sáng, cảm giác ngột ngạt. Trên chiếc giường sắt cá nhân không có nệm, Hiền ngủ li bì như chết. Nàng đang mang thai. Bụng nàng đã rất to. Chắc ngày sinh cũng sắp tới.
“Mấy giờ rồi không biết”, Tấn tự hỏi. Anh gượng ngồi dậy ngó ra đầu hẻm. Chẳng bóng người qua lại. Thật khó đoán bây giờ là mấy giờ. Nhưng nhìn luồng ánh sáng yếu ớt từ trên cao dọi xuống in lên vách tường màu rêu của nhà đối diện, có thể đoán đã chiều.
Tấn bước vào gian bếp ngó thăm vợ. Thấy Hiền còn ngủ, anh đi ra sau rửa mặt. Quay vào, ngồi ngó mông ra đường, hút thuốc. Bầu trời chiều tháng Tư nặng một màu chì. Gió lay nhẹ cành giâm bụt ngoài hàng rào.
Tấn đã có phần tươi tỉnh. Những cảm xúc đau đớn của ngày hôm qua sống lại trong anh. Có lẽ không bao giờ anh quên cái cảm giác sung sướng dâng trào sáng qua khi con tàu vừa cặp bờ. Anh nhảy lên bãi cát, hét lên “sống rồi, sống rồi”. Nước mắt tự nhiên tuôn như mưa.
Anh và Hiền vừa trãi qua gần một tuần chạy tránh bom đạn.
Đêm đó, chuẩn bị đi ngủ thì Tấn nghe nhiều tiếng đại bác nổ gần nhà. Mảnh đạn và đất đá kêu rào rào trên mái tôn. Tấn hốt hoảng dìu Hiền chui xuống gầm giường. Hiền rất khó khăn mới chui lọt vào trong vì cái bụng bầu đã to.
Nằm một lát, Tấn nghe tiếng chân người chạy thình thịch, tiếng xe nhà binh, tiếng kêu người thân trước cửa nhà. Anh hé cửa nhìn ra. Dưới ánh trăng hạ tuần vàng bệch, một đoàn người gồng gánh chạy trốn chiến tranh. Trong cảnh rối bời ấy, anh không kịp suy nghĩ gì ngoài việc cuống quít giục Hiền chạy theo đoàn người. Vợ chồng anh chỉ kịp mang theo vài bộ quần áo và ít tiền bạc. Toàn bộ tài sản anh chị tằn tiện gom góp được gần năm năm, từ ngày cả hai ra trường đi dạy đành bỏ lại.
Tấn và Hiền đi theo đoàn người một đoạn khá xa. Có lẽ như vậy vì họ bị cuốn theo, vừa đi vừa chạy. Thỉnh thoảng một quả đạn nổ bên cạnh. Đoàn người lại dạt ra cùng với tiếng la hét. Bên đường, họ thấy những xác người chết, những người bị thương nằm rên rỉ.
Dòng người xe trôi đi dưới ánh trăng kéo dài cả chục cây số như không có thật, như từ một thế giới khác. Nhưng những tiếng la hét là có thật. Trộn lẫn với tiếng xe nhà binh gầm rú, tiếng đạn liên thanh chen giữa những tiếng nổ lớn của đại bác hay lựu đạn. Tất cả tạo thành một thứ âm thanh thật man rợ, hãi hùng.
Lúc này Hiền đã thấm mệt. Nàng không thể bước đi được nữa. Đôi chân đã không còn vâng theo lý trí của nàng. Tấn gần như phải kéo lê Hiền trên mặt đường. Vì nếu họ không tiến lên, đoàn người đi sau sẽ dẫm đạp lên họ.
Đến sáng, Tấn thấy mình lạc ra một cửa biển. Ở đó cơ mang nào là người chạy trốn bom đạn như vợ chồng anh. Trong cảnh hỗn loạn ấy, Tấn thấy mọi người hối hả lên những chiếc thuyền nhỏ chèo ra một chiếc tàu lớn đang đậu ngoài khơi. Bao thứ của nãi họ cố gắng mang theo đến đây bây giờ phải bỏ lại. Bãi biển mênh mông trở thành bãi rác khổng lồ với những va ly, túi xách, giường chiếu… trông thật ngộ nghĩnh, lạ mắt.
Vợ chồng Tấn chỉ có một túi xách nhỏ. Trong đó là những chiếc tã trẻ con, cái mũ len và đôi vớ len trẻ sơ sinh và vài bộ áo quần của vợ chồng anh. Anh quyết định mang lên vai, đưa Hiền lên ghe nhỏ. Ghe chạy ra khơi, hướng về chiếc tàu sắt đang đậu ngoài xa.
Khi lênh đênh trên mặt biển, vợ chồng anh mới thấy sợ. Sóng biển vỗ vào mạng tàu lớn trút nước ào ào lên chiếc ghe nhỏ như thác đổ và đẩy nó ra xa, nhấp nhô theo ngọn sóng.
Chiếc ghe nhỏ của vợ chồng anh lẫn vào cả chục chiếc khác bu quanh con tàu lớn như bầy kiến vây quanh chiếc lá dập dềnh trên mặt nước. Trên cao, những chiếc thang dây được quăng xuống. Mọi người giành giật để leo lên. Có người chụp trượt, rơi xuống biển chìm lỉm. Tấn thấy cảnh đó. Miệng anh chợt bật ra tiếng kêu không kềm chế được. Tiếng kêu không rõ là tiếng gì. Như tiếng rú của loài vượn khi bị mất con.
Hiền ngồi trong chiếc ghe nhỏ, đầu luôn cúi xuống kẹp giữa hai đầu gối. Chị nhắm mắt, miệng lầm bầm cầu nguyện trời phật. Một chiếc thang dây thả xuống đong đưa trên đầu chị. Tấn chụp lấy theo bản năng, quấn một đầu dây vòng qua khớp háng, luồn lên bả vai vợ. Chiếc thang dây được kéo lên, đong đưa trong gió. Tấn nín thở nhìn theo Hiền lên cao từ từ, nhỏ dần. Trong chiếc áo màu nâu, Hiền trông kỳ quặc như trái bí ngô.
Đến lượt anh. Gió càng lúc càng lớn. Chiếc thang đong đưa như quả lắc. Không ai kéo anh lên. Anh phải tự leo. Được nửa thang dây, hai cánh tay anh rã rời, đôi lần nắm hụt dây làm anh chới với. Chính cái túi xách trên vai là vật cản làm anh vướng víu. Anh buông thõng cánh tay cho túi xách rơi tự do. Anh không dám nhìn theo vì sợ chóng mặt.
Lên được tàu, người ta xô lấn tranh nhau xuống hầm tàu trốn nắng. Giày dép văng đâu mất, Tấn bước đi bằng chân trần trên sàn tàu. Mỗi bước đi anh co rúm người lại vì như dẫm phải lửa bỏng. Nắng tháng Tư đã biến sàn tàu thành sàn lửa.
Trước mặt anh, Hiền ngồi đó, trên sàn tàu, vẫn tư thế cũ. Như quả bí ngô. Nàng không thấy anh. Nàng không thấy thế giới quanh nàng. Như thể không còn sự hiện hữu, cả nàng và chiếc tàu.
Tấn hiểu vợ anh đang rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn vô ý thức. Anh biết nó qua các bài giảng phân tích tâm lý nhân vật môn văn lớp 12 của anh. Và đây là những phút giây đầu tiên anh được trải nghiệm qua chính vợ anh. Tấn hét lên “Hiền ơi, anh đây” rồi lao nhanh về phía vợ. Anh bế xốc Hiền trên tay, như ôm một quả bí ngô, vừa đi xuống hầm tàu vừa khóc.
Hình như tàu đang đi về phương nam. Tấn phán đoán dựa theo diễn biến chiến sự. Hiền đã thiếp ngủ trong tay anh. Lúc này vẻ mặt Hiền hồn nhiên như cô mèo con nuôi ở nhà. Trong lúc hối hả di tản, vợ chồng anh quên mất nó. Có lẽ giờ này nó đang cọ đầu lên cửa phòng đánh thức anh chị và kiên trì với công việc của mình.
Quá nửa đêm thì Hiền đau bụng. Nàng cong người lại như con sâu mỗi khi cơn đau ập đến. Tấn biết vợ đang chuyển dạ. Việc phải làm ngay là đưa Hiền đến bệnh viện. Anh vội thu xếp những thứ cần thiết cho vào giỏ xách, mặc chiếc áo khoác cho Hiền, dìu vợ ra đường. Tay kia anh xách cây đèn dầu có bóng bằng thủy tinh che gió.
“Ráng chút nghe em, ra tới đường cái là có xe rồi”, Tấn động viên vợ.
Đường không bóng người. Lạnh lẽo, tối tăm. Chiến sự đang diễn ra chung quanh thành phố. Phía đầu cầu có ánh sáng mờ mờ. Tấn dìu Hiền đi về phía ấy với hy vọng tìm được xe. Lên tới giữa cầu, một tiếng quát không biết vang lên từ đâu:
“Ai, đi đâu vào giờ này?”
Tiếp theo là tiếng súng lên đạn roạt roạt. Hiền giật bắn người, quỵ xuống mặt đường. Tấn hốt hoảng. Vợ chồng anh đang đứng trước những họng súng đặt ở đâu đó trong bóng tối phía bên kia đầu cầu. Trong trạng thái như kẻ mộng du, Tấn đưa ngọn đèn dầu lên cao, la lớn:
“Tui đưa vợ đi đẻ, xin đừng bắn!”.
Cuộn thép gai giăng ngang giữa cầu được kéo ra, hé một khoảng nhỏ đủ một người lách qua. Một người lính tay lăm lăm súng tiến lại chỗ hai vợ chồng Tấn. Lúc này Hiền gần như nằm ra đường, mềm nhũn như cọng bún. Mặt nàng đầy bóng tối. Tấn vẫn đứng, giơ cao ngọn đèn, bất động. Người lính còn trẻ, nhìn chăm chăm Tấn:
“Có giấy tờ gì không?”.
Tấn móc từ túi áo ra tấm căn cước, thẻ hoãn quân dịch. Hai thứ anh luôn để trên ngực áo như bùa hộ mệnh. Ngọn lửa trong chiếc đèn dầu trên tay kia hình như bất động. Người lính xem giấy tờ xong trả lại Tấn, giọng nói cũng nhẹ bớt:
“Sao không đưa bả đi sớm. Đêm hôm thế này có ngày toi mạng”.
Cánh tay cầm đèn của Tấn đã hạ xuống. Anh ngồi xuống, đỡ Hiền ngồi dựa lên vai anh. Hiền rên khe khẽ, mắt nhắm nghiền. Người lính hạ súng xuống, nói vọng về phía sau:
“Đàn bà mắc đẻ, cho đi không, đại úy?”.
Từ bóng tối bước ra một người lính mặc áo giáp, đội nón sắt, súng lục bên hông.
“Anh tính đưa chị đi đâu? Mà giờ này đang giới nghiêm, làm gì có xe”, viên đại úy nói.
Tấn càng bối rối. Quả thật anh chưa bao giờ rơi vào tình cảnh này.
“Tui bí quá, cứ đưa bả ra đường. Gặp ai đó cũng được, còn hơn một mình ở nhà”, Tấn nói.
Trên mặt đường, Hiền liên tục co gập, dấu hiệu của người sắp sinh.
“Lấy ngay xe tác chiến chở chỉ vô bệnh viện gấp”, viên sĩ quan nói.
Người lính “dạ” rồi chạy về đầu cầu quay số từ chiếc máy truyền tin.
Chợt người lính quay lại, nét mặt căng thẳng: “Thưa đại úy, có điện đại tá quận trưởng”. Viên đại úy tiến lại máy truyền tin cầm ống nghe. Tiếng trong điện thoại nghe không rõ. Chỉ nghe viên đại úy nói to vào ống nghe: “Một phụ nữ chuyển bụng, chuyện cần kíp. Tôi cho điều chiếc Jeep”. Im lặng một lát, rồi giọng viên đại úy nói như hét: “Người dân đi đẻ mà yêu cầu giữ vững phòng tuyến cái mẹ gì! Tôi, đại úy Tân, xin nhận hoàn toàn trách nhiệm”. Dập máy.
Chỉ một lát, tiếng xe hơi lớn dần. Đó là một chiếc Jeep nhà binh không bật đèn pha. Người lính phụ Tấn bế sản phụ lên xe.
Viên sĩ quan kéo cuộn kẽm gai vào sát lề. Chiếc xe lăn bánh qua cầu. Phòng tuyến cuối cùng của lòng người được dỡ bỏ, trước nửa ngày miền Nam hoàn toàn được ‘giải phóng’.
Hiền sanh một công chúa vào rạng sáng ngày ‘hòa bình đầu tiên’. Tấn đặt tên cho con gái là Hòa Bình, Trần Thị Hòa Bình.