Võ Đắc Danh
(VNTB) – Chúng ta cùng nhau nhìn lại câu chuyện rất lâu rồi ở quận 9 để thấy rõ bức chân dung của tội ác nối dài tội ác và đau thương chồng chất đau thương ở một thành phố hòn ngọc viễn đông.
Nhà báo Võ Đắc Danh hiện định cư ở Mỹ. Các nội dung tiếp theo đây được ghi chép lại ở các bút ký đã từng đăng báo Việt Nam.
***
Tạo là một thanh niên hiền lành, chất phác, ly dị vợ cách nay hơn mười năm. Vợ anh dắt theo đứa con gái, anh nuôi đứa con trai. Hai cha con sống trong căn nhà cấp bốn trên khu vườn tạp 300 mét vuông. Hằng ngày, anh chạy xe ôm và bốc vác để nuôi con.
Khi triển khai dự án Khu Công Nghệ Cao, người ta đền bù cho anh cả nhà lẫn đất chỉ 97 triệu đồng. Song, cũng ngay trên mảnh đất nầy, người ta bán lại cho anh cái nền tái định cư 100 mét vuông với giá 160 triệu đồng.
Thấy chuyện vô lý, anh đi kiện. Rồi một hôm, sau một ngày vác đơn đi kiện trở về thì ngôi nhà của anh đã bị san lắp thành bình địa, nghĩa là anh bị cưỡng chế vắng mặt. Trước mắt anh chỉ còn lại một đống tường gạch ngổn ngang, đổ nát, cây cối bị chặt phá hoang tàn. Tất cả vật dụng trong nhà bị dân ve chai lấy hết. Chỉ còn con chó từ đâu lần mò tìm về mừng chủ trong ánh mắt hốt hoảng, thất thần.
Kiên quyết không giao đất, anh dựng lại túp lều bằng mấy tấm bạt nylon, bà con hàng xóm thương tình, người cho anh tấm đệm bàng, kẻ cho cái mùng cũ, vài bộ quần áo cũ và một bình đựng nước. Nhưng mấy ngày sau, chính quyền quận 9 đưa xuống 200 nhân viên công lực cùng với phương tiện cơ giới để cưỡng chế lần thứ hai.
Và lần nầy, họ dùng kobe đào nát mảnh đất của anh thành những đường mương cắt ngang cắt dọc để anh không còn nơi dựng lại túp lều. Cha con anh Tạo cùng với con chó dắt díu nhau qua gốc cây của người hàng xóm để tạm cư. Cảm thương cảnh màn trời chiếu đất của anh, ông Tư Hảo mang đến cho anh chiếc ghế bố cũ.
Ngày chạy xe ôm, đêm về hai cha con nằm xoay nghiêng trên ghế bố dưới gốc cây, bên cạnh sự bảo vệ, chở che của con chó trung thành. Thế nhưng tai họa nối liền tai họa, thằng con trai của anh bị tai nạn giao thông ngoài xa lộ, được người dân tốt bụng ở địa phương đưa đi cấp cứu trong bệnh viện Gia Định.
Dì Ba Thêu cùng với bà con hàng xóm vận động nhau góp tiền chạy lo cho đứa bé. Anh Tạo bắt đầu quẫn trí, người ta thấy anh thức suốt đêm, ngồi bên cạnh con chó trên nền nhà cũ, miệng nói lảm nhảm, chửi bới lung tung, mắt long lên, thần sắc khác thường.
Rồi anh mài dao, múa như múa kiếm, miệng la hét”chém chúng nó”. Không ai dám gần anh ngoài con chó trung thành. Sau vài ngày thì anh hiện nguyên hình của một người điên, đốt lều, đốt cây cỏ, đập phá, chửi bới. Có lúc trời nắng như thiêu, anh để mình trần, đầu trần ngồi lặng người trên nền nhà cũ, bỗng dưng anh ngước mặt lên trời, cất tiếng kêu một hồi dài, tiếng kêu ú ớ như tiếng chó tru.
Không còn cách nào khác, gia đình và hàng xóm xúm nhau đưa anh vào bệnh viện tâm thần.
Chúng tôi trở lại quán cà phê Guitar lần sau cùng thì thấy anh Tạo đã tỉnh táo, con trai anh cũng lành bệnh trở về. Chỉ có con chó là biệt tăm. Anh Tạo rầu rĩ nói: “Trong cảnh không nhà, không chủ, sống lang thang không nơi nương tựa, biết nó đã lọt vào tay ai rồi. Nếu còn sống thì nó đã về. Chó là con vật trung thành, không bao giờ phản chủ, không như bọn đầy tớ của nhân dân”.
Hai cha con anh Tạo mắc hai chiếc võng dưới tấm lều bạt trong vườn bạch đàn của ông Lộc, cha anh. Ngày đi kiếm việc làm thuê, đêm về ngủ võng. Tài sản là một bình nước cột dưới gốc cây, phía trước túp lều.
(Trích bút ký “Trên đồng bưng sáu xã”, báo Văn Nghệ số 25, ngày 22 tháng 6 năm 2008)
Những ngày trung tuần tháng 9 năm 2008, tôi trở lại Đồng Bưng Sáu Xã. Hỏi thăm cha con anh Tạo thì được biết, cách nay mấy tháng, thằng nhỏ nghiện ma túy, anh Tạo chạy khắp đầu làng cuối xóm vay năm triệu đồng để đưa nó vào trung tâm cai nghiện, nhưng không vay được, anh đành bấm bụng lên quận xin nhận 97 triệu đồng tiền đền bù giải tỏa, chấp nhận làm người thua cuộc để cứu lấy đứa con. Bây giờ, thằng con đã vào trung tâm cai nghiện, còn cha nó không biết trôi dạt nơi đâu.
Hơn một năm trôi qua, Đồng Bưng đã có nhiều thay đổi. Khu công nghệ cao sừng sững những tòa nhà của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng bên cạnh nó, ngoài bức tường rào kiên cố là sự xáo trộn nhân tình. Cứ cách vài ba tuần thì có một hộ dân bị cưỡng chế thu hồi đất.
Sau đó là cảnh màn trời chiếu đất, vợ chồng, con cái leo nheo trong những căn phòng tạm cư như ổ chuột, trở thành kẻ vô công rồi nghề mà không biết tương lai mình sẽ ra sao. Những hộ còn lại thì cứ nơm nớp lo âu, chờ đợi thảm họa giáng xuống đời mình.
Thật tình, tôi không hiểu mục tiêu của dự án công nghệ cao là gì? Lợi nhuận thuộc về ai mà hậu quả trước mắt là nhân tình ta thán, hàng trăm hộ nông dân mất đất, hàng ngàn con người chìm trong uất nghẹn, oan khiêng, u tối với tương lai, hàng chục người phải vào tù chỉ vì đấu tranh cho công lý, cho quyền lợi chính đáng của mình.
Tôi đứng giữa khu đất vốn là một trang trại khá nổi tiếng của ông Sáu Ngữ, giờ nó thành bình địa như vừa trải qua một trận bom.
Ông Ngữ nghẹn ngào tâm sự: Hồi năm 1949, cha tôi theo Việt Minh, Tây bắt trong lúc ông đang trú dưới hầm bí mật trong nhà, chúng bắn ông chết tại chỗ rồi đốt trụi căn nhà vì chúng xem đó là vật chứng. Chính lòng căm thù ấy đã thúc giục tôi lên đường đi kháng chiến. Nhưng có ai ngờ 60 năm sau, chính những người mà tôi từng gọi là đồng chí ấy lại tàn phá nhà tôi. Suy cho cùng, cũng chỉ vì lợi nhuận.
Tôi nhớ một bài học về chủ nghĩa xã hội, Mác nói, lợi nhuận đến 100 phần trăm thì cha nó nó cũng giết. Đất ở đây, từ một triệu đồng lên đến vài chục triệu đồng trên một mét vuông thì đúng là siêu lợi nhuận, vậy thì hai tiếng nhân dân nào có nghĩa lý gì!
Trước khi làm một người công dân lương thiện, ông Sáu Ngữ từng là một người lính với quân hàm đại úy. Năm 1998, ông mua 3600 mét vuông đất đầm lầy giữa cánh Đồng Bưng Sáu Xã. Và ông đã làm nên cơ nghiệp giữa một vùng đất phèn trũng mà không ai dám nghĩ đến chuyện làm giàu. Ông nói, chỉ một đợt ba ba nở con, tôi thu hàng chục triệu đồng.
Trên cái cồn đất giữa ao nầy, tôi nuôi hai trăm con tắc kè giống, mỗi năm đẻ hơn ngàn con, cũng hàng chục triệu đồng. Tất cả nguồn lợi trên đất nầy mỗi năm mang lại cho tôi bốn năm trăm triệu đồng. Nhưng để có nguồn vốn đầu tư, tôi phải vay mượn bạn bè, đổ vô hàng trăm cây vàng, nợ nần đang còn đó thì đùng một cái, đất ông lọt vào quy hoạch khu công nghệ cao.
Không hiểu bằng cách tính nào, người ta áp giá đền bù cho ông 1,1 tỷ đồng, trong khi trị giá cái trang trại của ông cả triệu đô la. Cũng như nhiều bà con khác, ông giằng co, khiếu nại, gõ cửa khắp nơi, tất cả đều im lặng trong sự vô cảm, và cuối cùng ông bị cưỡng chế.
Ông nói, thật ra cưỡng chế là một cách gọi, thực chất đây là một trò dùng quyền lực để tước đoạt tài sản của công dân.
Hôm ấy, hơn hai trăm nhân viên công lực với một đoàn xe chuyên dụng, nào xe cuốc, xe cứu thương, xe chở tù, xe tải, xe cứu hỏa… ùn ùn kéo đến trước sự chứng kiến của cả ngàn người dân trên Đồng Bưng Sáu Xã. Họ xồng xộc tiến vào, vừa đọc lệnh cưỡng chế, vừa cho xe cuốc càn lên phá sập bốn bức tường kiên cố bao quanh trang trại của ông, rồi đập nhà, đập cầu bê tông bắc qua ao nuôi cá, hàng chục cây cưa công nghiệp hụ máy, cưa sạch sành sanh những cây ăn trái, cây thuốc nam mà ông đã chắt chiu, chăm bón gần chục năm qua… chỉ trong một ngày, tất cả trở thành bình địa.
Thằng Nguyên, con trai ông đang là sinh viên năm cuối đại học công nghệ thông tin, nó không kềm chế được, nó lấy giấy báo bó vào người rồi cầm chai xăng xối từ trên đầu xối xuống. Nó kiên quyết tự thiêu. Lập tức, bốn nhân viên công lực đè nó xuống, trói tay ném vào xe bít bùng chở đi.
Tất cả tài sản trong nhà ông được nhân viên công lực thu dọn lên xe tải chở về khu tạm cư. Riêng hai con gấu, họ bắn thuốc gây mê rồi chở đi gởi trong Thảo cầm viên Sài Gòn.
Ông Sáu Ngữ nói, chính quyền quận 9 bảo ông mang 37 triệu đồng lên trả cho Thảo cầm viên để đem hai con gấu về, nếu không, sau nầy sẽ trừ vào tiền đền bù đất, hoặc nếu chẳng may gấu bị chết, họ không chịu trách nhiệm. Họ nói thêm, nếu sau sáu tháng mà ông không thanh toán đủ chi phí mỗi ngày bốn trăm ngàn tiền ăn và chăm sóc hai con gấu thì xem như chúng thuộc về tài sản nhà nước.
Ông Sáu cay đắng nói, cả cuộc đời đi làm cách mạng, tôi luôn được rèn luyện ý thức của người cộng sản là phải xem mình là đầy tớ trung thành của nhân dân, chúng tôi từng hát: Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình. Và, chúng tôi luôn luôn tâm niệm một lời thề Trung với Đảng, Hiếu với Dân. Lẽ nào đó là những điều giả dối khi người dân chúng tôi bị đối xử tác tệ như thế nầy?
***
Chúng tôi đến thăm vợ chồng anh An và chị Loan, cả gia đình bảy người bị dồn vào căn phòng tạm cư 27 mét vuông của Ban quản lý dự án khu công nghiệp quận 9. Trong một bức thư tuyệt mệnh gởi cho các cơ quan báo chí, chị Loan viết:
“Vợ chồng tôi là công nhân, từ trước không có nhà, chỉ ở nhà tập thể cơ quan và nhà thuê. Đến năm 2.000, tôi có mua miếng đất 92 mét vuông, đến năm 2001, tôi xây nhà một trệt một lầu với diện tích 160 mét vuông. Hoàn cảnh gia đình tôi hiện nay: chồng công nhân, tôi thất nghiệp, hai con trai, con đầu đã có vợ, có con cùng ở chung với chúng tôi.
Vào năm 2003, nhà tôi bị quy hoạch giải tỏa để xây dựng khu công nghệ cao. Sau khi kiểm kê, nhà nước áp giá đền bù cho tôi là 188 triệu đồng cả nhà lẫn đất. Số tiền trên không đáng là bao so với trị giá tài sản của tôi, nhưng tôi đã chấp hành chủ trương, nhận tiền đền bù để được mua nền tái định cư tại chỗ như chính quyền đã hứa.
Nhưng cuối cùng tôi không nhận được nền tái định cư mà chỉ nhận được quyết định cưỡng chế. Tôi đã nhiều lần làm đơn yêu cầu chính quyền giải quyết nguyện vọng của tôi, vì tôi đã có tên trong danh sách được bố trí tái định cư, nhưng cuối cùng không có kết quả.
Tôi nghĩ, đối với người nghèo, nhà nước còn có chính sách hỗ trợ nhà tình thương, trong khi tôi có nhà cửa mà bây giờ phải mất nhà, không nơi ăn chốn ở thì sống sao đây? Vì thế tôi đã quyết định: nếu chính quyền cưỡng chế thì tôi phát hỏa tự thiêu, chết trong chính căn nhà của mình, tôi không còn tha thiết với cuộc sống nầy nữa. Nếu điều đó xảy ra thì tôi cũng mong nhờ quý báo và các tổ chức từ thiện quan tâm giúp đỡ cho đứa con của tôi được học hành tử tế…”.
Bức thư tuyệt mệnh của chị Loan cũng rơi vào sự im lặng vô cảm của chính quyền. Anh An kể, hôm ấy, hàng trăm nhân viên công lực cùng với các phương tiện cơ giới bao vây trước nhà anh.
An khóa chặt cửa rào, anh nghĩ, đã đến lúc phải gióng lên tiếng chuông cảnh báo, anh hy vọng cái chết của mình sẽ làm thức tỉnh lòng tham của con người trước cái siêu lợi nhuận của đất đai, anh hy vọng cái chết của mình sẽ cứu lấy bà con làng xóm đã và đang đứng trước nguy cơ mất nhà mất đất.
An vừa ôm can xăng lên, chuẩn bị mở nắp thì nhà chức trách từ bên ngoài gọi điện vào thương lượng, rằng nếu anh tự nguyện giao nhà thì họ sẽ cấp cho anh căn hộ chung cư tầng trệt. An nói anh không tin, họ bảo nếu không tin thì cho vợ anh đến nhận nhà.
Khi chị Loan đến, họ không giao chìa khóa mà bảo chị phải bốc thăm, chị bốc thăm nhưng lại trúng căn hộ ở lầu hai, họ nói ở tầng trệt không còn. An không chịu, họ bảo nếu anh không nhận căn hộ chung cư ở lầu hai thì về ở trong khu tạm cư để chờ giải quyết sau. An nói nếu ở khu tạm cư thì phải cấp cho anh hai phòng mới đủ chỗ cho bảy người trong gia đình. Họ đồng ý.
Nhưng khi đến khu tạm cư thì họ chỉ giao cho An có một phòng, vỏn vẹn 27 mét vuông. An biết mình bị lừa nhưng không còn cách nào quay lại, ngôi nhà anh đã bị kobe cào thành một đống xà bần.
Cả một đời vợ chồng ky cóp để có được 160 mét vuông gọi là nơi ăn chốn ở, vậy mà bây giờ! Đêm đêm, An phải đặt ghế bố trước hàng ba mà ngủ, dưới lưng anh là đường mương thoát nước, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Anh tự hỏi mình, hỏi đời, nhưng vẫn không tài nào lý giải được. Phải rồi,”Khi lợi nhuận lên đến một trăm phần trăm thì cha nó nó cũng giết”, huống chi!
(Báo Văn Nghệ Trẻ, tháng 12/2008)