Bóng đá là môn thể thao, đồng thời là một nghề để kiếm tiền. Cuộc đời cầu thủ ngắn lại kiếm được nhiều tiền trong thời gian hành nghề nên một khi cầu thủ nghiêng về phía kiếm tiền thì dễ sa ngã. Các vụ dàn xếp tỉ số, mua bán độ v.v. không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà xảy ra trên toàn thế giới. Là một nghề phải dùng sức mạnh có tính cạnh tranh khốc liệt kết hợp giữa cá nhân và đồng đội, lại lấy chiến thắng thay vì chơi đẹp làm mục tiêu; mục tiêu chiến thắng lại được cổ vũ của hàng triệu triệu fan hâm mộ nên khi có cơ hội cầu thủ bất chấp luật lệ, sẵn sàng đốn ngã đối thủ từ phía sau, đệm gầm giày khi cầu thủ đối phương đá bóng, quật cánh tay vào mặt cầu thủ đối phương khi nhảy cao chơi bằng đầu, khiến nhiều cầu thủ bị thương tật, vĩnh viễn bỏ nghề. Nhiều cầu thủ giả vờ ngã trong vòng 16m50 để kiếm một quả phạt đến, Cầu thủ nổi tiếng thế giới Maradona dùng “bàn tay của Chúa” để giành chiến thắng…
Chơi xấu cùng cầu thủ là cổ động viên đội nhà. Họ biết cầu thủ đội họ chơi xấu, ăn gian, phạm luật v.v. nhưng họ vẫn bênh cầu thủ đội họ, la hét, chửi bới, tấn công vào trang cá nhân của trọng tài một cách côn đồ khi cầu thủ đó bị còi; đội của họ bị thua; chửi bới, ném đá cổ động viên đội thắng, họ cổ vũ bạo lực sân cỏ…Bị kích động bởi mục tiêu chiến thắng, cả cầu thủ và cổ động viên thường trực làm điều xấu khi có cơ hội, miễn thỏa mãn cơn kích động…
Bây giờ ta nói chuyện đào tạo cầu thủ bóng đá ở Việt Nam
Để có cầu thủ giỏi trong tương lai các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ săn lùng các tài năng nhí. Tại đây, người ta không chỉ dạy các em đá bóng mà còn dạy các em “tiểu xảo”. Các ông thầy trong trung tâm đều là cựu cầu thủ giỏi. Các ngón nghề khi còn trên sân cỏ của họ được trao lại cho lớp trẻ, và một thế hệ cầu thủ mới ra đời, đá hay hơn lớp cũ và còn “khéo” tiểu xảo hơn lớp cũ.
Vì bóng đá được coi là một nghề nên ta không bàn đến trình độ học vấn của các cầu thủ. Tuy nhiên dù lớp trẻ trong các trung tâm đào tạo bóng đá được học hết phổ thông nhưng vì đào tạo bóng đá là nhiệm vụ trọng tâm nên kiến thức phổ thông của cầu thủ nhìn chung ở tầm đội sổ so với mặt bằng toàn xã hội.
Nghe các tường thuật bóng đá trên TV của người Việt Nam khi có đội Việt Nam thi đấu mà phát hoảng. Các tường thuật viên không hiểu định nghĩa của tường thuật là nói đúng, có bình luận cũng bình luận dựa trên sự thật đang diễn ra trên sân cỏ. Thay vì, các tường thuật viên VN tranh vị trí của cổ động viên VN. Họ tự tụt xuống vị trí cổ động viên đội nhà, cũng ngụy biện cho cái sai của cầu thủ đội VN, cũng sử dụng những lời lẽ “cổ vũ” đội VN, , nhưng tác động đến sự kích động cái xấu lớn hơn vì lời nói của họ có hàng triệu triệu người nghe…
Thế còn nhà cầm quyền?
Một số người trong giới cầm quyền VN coi chiến thắng của đội tuyển Vn trên sân cỏ là mục tiêu chính trị thay vì tìm cách vượt qua Thái Lan, Malaysia, Singapore và các quốc gia trong vùng trên các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, xã hội v.v. Họ lấy tiền thuế của dân nghèo thưởng cho đội bóng vốn có thu nhập trên trung bình nhiều lần. Họ sử dụng các mĩ từ, các lộng ngôn, ngoa ngôn khập khiễng, bất khả thi lắp ghép vào thể thao, vào đội bóng, khiến nhiều cầu thủ bị lây bệnh. Những người này lấy bóng đá để ru ngủ xã hội, lấy bóng đá làm ma túy đầu độc dân chúng khiến nhiều công dân “ngáo đá”..
Sự thật kể trên khiến ta nghĩ đội tuyển Vn thua có lợi cho nhân dân VN hơn thắng. Đá thua để cắt cơn lên đồng tập thể ( Đua xe, cởi truồng). Đá thua để loại trừ khả năng trở thành nạn nhân của sự thành công; thua để chính phủ Vn, người Vn chán đội tuyển mà dảnh sự quan tâm cho các lĩnh vực khác như tranh chấp biển, đảo với trung Quốc, phát triển kinh tế, giáo dục, chống tham nhũng, xóa, giảm thiểu bất công xã hội… là các lĩnh vực có tính sống còn của quốc gia.