Mai Anh
Giáo Dục Việt Nam
(GDVN) – Phó Giáo – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống: “Tôi thất vọng với những ý kiến chỉ mở sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam”.
Dừng xây dựng các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf Tân Sơn Nhất“Chiều dài sân golf Tân Sơn Nhất có thể mở đường băng 2,6km như ở Úc, Nhật Bản”Thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và chuyện quả bóng trách nhiệmSân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất: Lãnh đạo cấp cao cần có ý kiến
Né tránh sân golf
Mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là vấn đề cấp bách tuy nhiên phương án nâng cấp như thế nào để đảm bảo đáp ứng phục vụ tăng trưởng hành khách trong dài hạn đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Cụ thể, về phía Bộ Giao thông vận tải cho rằng không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc mà nên mở về phía Nam của sân bay.
Trước việc sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, phải thu hồi đất sân golf để cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất – ảnh Hoàng Lực. |
Trong khi đó theo nhiều chuyên gia hàng cần xóa bỏ sân golf mở rộng sân bay về phía Bắc nơi có dư địa đất lớn thuộc sân bay Tân Sơn Nhất nhưng sử dụng không đúng mục đích.
Những tranh luận sẽ không đi đến đâu nếu không căn cứ vào những phân tích có tính khoa học dựa trên điều kiện, vị trí địa lý của sân bay Tân Sơn Nhất.
Trả lời trên Báo Giao thông vận tải mới đây Tiến sĩ Lương Hoàng Nam – Chuyên gia trong lĩnh vực hàng không bày tỏ ủng hộ việc mở rộng sân bay về hướng Nam như Bộ Giao thông vận tải đề xuất.
Theo Tiến sĩ Nam: “Hướng mở rộng như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải nằm trên 21 héc-ta đất hàng không lưỡng dụng đã được Bộ Quốc phòng bàn giao để xây nhà ga lưỡng dụng (T3) và nhà ga T4, cùng với sân đỗ quân sự có sẵn, chỉ cần sửa chữa, nâng cấp là khai thác dân dụng được.
Đây là phương án có thể làm nhanh nhất, ít tốn kém nhất để Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt năng suất 50 triệu hành khách/năm”
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Nam việc xây thêm các nhà ga T3, T4 cùng phía với các nhà ga T1, T2 hiện hữu cho phép kết nối hoạt động giữa các nhà ga với nhau dễ dàng, hiệu quả hơn nhiều so với khi các nhà ga bị ngăn cách với nhau bởi hai đường băng. Đây là yếu tố khai thác hàng không vô cùng quan trọng.
Đối với phương án mở rộng về phía Bắc, Tiến sĩ Nam cho rằng, với việc xây thêm một đường băng cách đường băng hiện hữu 1.800 m (tối thiểu cũng phải cách 1.035m), đưa năng suất sân bay lên khoảng 70-80 triệu khách/năm, số lượng người dân phải giải tỏa, di dời có thể lên đến hàng trăm nghìn người…
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống những ý kiến cho rằng không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc vì ngại động chạm vào sân golf (ảnh cổng vào sân golf Tân Sơn Nhất) – ảnh TQ. |
Phản biện quan điểm trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật giao thông (Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc Bộ Giao thông vận tải liên tục khẳng định chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam do phía Bắc là sân golf.
“Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải thực ra né tránh vấn đề thu hồi sân golf trong sân bay. Mọi giải thích, mọi lý lẽ được đưa ra nhằm đưa việc mở rộng chỉ trên diện tích 21 héc-ta do Bộ Quốc phòng bàn giao ở chếch phía Tây Nam sân bay”, ông Tống nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về hàng không, Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống đánh giá: “Tôi thấy thất vọng với quan điểm chỉ mở rộng sân bay về phía Nam”.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Khoa Kỹ thuật giao thông (Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) – ảnh H.Lực |
Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất như hình tam giác mà cạnh lớn ở phía Nam. Phía Nam hiện đang có nhà ga T1 và T2 với năng suất thiết kế được Bộ Giao thông vận tải công bố đáp ứng 25 triệu hành khách/ năm, trong khi sân bay này năm 2016 đang phải phục vụ đến 32 triệu hành khách/ năm.
Việc mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết mà cả Bộ Giao thông vận tải và các chuyên gia đều thừa nhận.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay chính là: Mở rộng sân bay ở đâu? Và, nâng năng suất phục vụ của sân bay bằng cách nào?
Trả lời câu hỏi này, Phó Giáo sư Tống cho rằng nâng năng suất phục vụ hành khách của Tân Sơn Nhất chỉ có thể thực hiện bằng cách xây thêm nhà ga và xây thêm một đường băng.
“Dù xây dựng chỉ nhà ga hành khách, bãi đỗ máy bay và đường lăn hay thêm cả đường cất hạ cánh thứ 3 cũng nên mở rộng lên phía Bắc bởi thứ nhất ở đây dư địa đất nhiều lại đang được sử dụng không đúng mục đích khi làm sân golf.
Thứ hai mở rộng lên phía Bắc mà mở của đường vào nhà ga ở đường Quang Trung hoặc Tân Sơn sẽ tránh được ùn tắc giao thông”, ông Tống cho biết.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống sân bay Tân Sơn Nhất có hình tam giác… – ảnh chụp màn hình/ xử lý kỹ thuật H.Lực |
Phân tích cụ thể, Phó Giáo sư Tống cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất có hình tam giác, đáy lớn của tam giác nằm ở phía Nam. Bộ Giao thông vận tải muốn mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam vì 21 héc-ta đất Bộ Quốc phòng bàn giao nằm ở phía Tây Nam sân bay.
Do đó nếu mở thêm nhà ga T3, T4 ở khu vực phía Nam sân bay và mở thêm cửa vào sân bay ở mặt này thì sẽ tăng lưu lượng giao thông lên tuyến đường đường Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa, Trường Chinh và đường Trường Sơn gây thêm ách tắc ngoài sân bay ở khu vực này.
Vì vậy dù có xây thêm đường băng cất hạ cánh thứ 3 hay không thì cũng nên xây nhà ga hành khách, điểm đỗ máy bay và đường lăn ở phía Bắc sân bay và mở thêm cửa vào sân bay ở phía đường đường Tân Sơn hoặc Quang Trung. Đường Quang Trung thông với Quốc lộ 1A.
Như vậy nếu có cửa ra vào sân bay từ hướng này sẽ giúp hành khách các tỉnh ra vào sân bay Tân Sơn Nhất từ Quốc lộ 1A qua đường Quang Trung hay Tân Sơn mà không cần qua trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh để vào lối độc đạo Trường Sơn như hiện nay, giúp giảm kẹt xe khu vực đường Trường Sơn và Cộng Hòa.
Phải bỏ sân golf xây thêm đường băng
Khẳng định mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là vấn đề cấp bách tuy nhiên Phó Giáo sư Tống cho rằng quan điểm của Bộ Giao thông vận tải trong phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay thiếu tầm nhìn.
“Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là không xây thêm đường băng mới mà chỉ xây dựng thêm 2 nhà ga T3, T4 trên diện tích 21 héc-ta được Bộ Quốc phòng bàn giao.
Với một đường băng hạ cất cánh cộng với việc xây dựng thêm 2 nhà ga với năng suất mỗi nhà ga 10 triệu hành khách/ năm. Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đáp ứng 45 triệu hành khách/ năm”.
Sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất: Lãnh đạo cấp cao cần có ý kiếnThu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và chuyện quả bóng trách nhiệm |
“Tuy nhiên vấn đề đặt ra năng suất vận tải chỉ đạt khoảng 45 triệu hành khách thì sau khoảng 5 năm nữa sẽ tiếp tục ùn tắc, trong khi thời gian xây dựng và đưa vào khai thác sân bay Long Thành còn rất xa”, Phó Giáo sư Tống nói.
Bên cạnh phương án của Bộ Giao thông vận tải, theo Phó Giáo sư Tống nhiều chuyên gia hàng không như ông Phan Tương – nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất, Đại tá Lê Trọng Sành – nguyên Trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất cũng cho rằng với hai đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất nếu khai thác hết sẽ nâng năng suất lên 60-70 triệu hành khách.
“Theo quan điểm ông Lê Trọng Sành, ông Phan Tương thì chỉ cần giải tỏa sân golf xây dựng thêm nhà ga, điểm đỗ máy bay và nhà ga là đủ.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cho rằng khoảng cách giữa hai đường băng hiện nay chỉ 365 m không đảm bảo an toàn để hoạt động hai đường bằng song song. Vì thế sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại chỉ khai thác 1 đường băng.
Với một đường băng khai thác tối đa có thể đạt 40-45 triệu hành khách/năm, nhưng nếu sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại thì hai đường băng cất hạ cánh hiện nay của Tân Sơn Nhất có thể được khai thác đồng thời để nâng năng suất lên 60-70 triệu khách/năm”, ông Tống cho biết.
Nêu quan điểm riêng về phương án trên ông Tống cho biết, phương án hay nhưng quan điểm về nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của Bộ Giao thông vận tải đều cho ra một mẫu số chung là chỉ nâng cấp Tân Sơn Nhất lên ngưỡng trên dưới 40 triệu hành khách/năm.
Trong khi dư địa đất của sân bay này có thể nâng năng suất lên ngưỡng 60-70 triệu hành khách/năm ngay cả với 2 đường băng cất hạ cánh hiện hữu.
Để nâng năng suất lên cao hơn từ 80-100 triệu khách/năm ông Tống cho rằng cần giải tỏa sân golf xây dựng thêm cụm nhà ga, điểm đỗ, đường lăn và một đường băng cất hạ cánh mới dài 2600 m và cách đường băng cất hạ cánh dài 3800 m hiện hữu chỉ 760 m, đây là mức tối thiểu Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO khuyến cáo.
“Khi sân bay Tân Sơn Nhất có 3 đường băng khai thác tối đa nhờ các phương tiện kỹ thuật hiện đại thì năng suất sẽ nâng lên mức 80-100 triệu khách/năm, đáp ứng tăng trưởng hàng không trong một thời gian dài.
Khi đó áp lực phải vội xây sân bay thứ hai giảm xuống, giúp tiết kiệm cho đất nước cả chục tỷ USD”, Phó Giáo sư Tống cho biết.