Việt Nam Thời Báo

VNTB – ‘Giấy âm tính’: thêm thủ tục trắng trợn moi tiền dân chúng 

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Tuy không có giá trị về mặt dịch tễ, phòng chống dịch Covid-19 nhưng nó làm giàu cho các cơ quan đang nắm quyền xét nghiệm. Đó mới chính là giá trị thật của giấy xét nghiệm.

 

Rất đơn giản, về chuyên môn khi virus xâm nhập cơ thể ở giai đoạn ủ bệnh xét nghiệm chưa thể phát hiện, nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm và phát tán – có nhiều F1 âm tính, nhưng F2,F3 dương tính là lý do này. Bởi vì điều này cho nên phiếu trả lời kết quả xét nghiệm đều có thêm câu “kết quả này có giá trị tại thời điểm lấy mẫu” chớ không phải 24 giờ hay 7 ngày gì; có nơi còn kỹ hơn lại thòng thêm câu “Kết quả chỉ có giá trị trên mẫu thử”, nghĩa là mẫu họ lấy họ chịu trách nhiệm kết quả đó, mẫu nơi khác lấy test lại họ không chịu trách nhiệm, bởi vì có sai số cho phép trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm.

Ngày 29-6, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản 6180 quy định từ 0g sáng 5-7, toàn bộ người đi, về, đến Đồng Nai từ TP.HCM và Bình Dương phải có giấy xét nghiệm âm tính.

Tương tự ngày 4-7, UBND thành phố Dĩ An, là địa bàn giáp ranh Bình Dương với TP.HCM, Đồng Nai cũng quyết định áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 kể từ 0g ngày 5-7. Người từ TP.HCM, Đồng Nai muốn vào Dĩ An, Bình Dương phải xét nghiệm âm tính.

Còn tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ 12 giờ ngày 5-7, tỉnh này đã yêu cầu các chốt kiểm tra khai báo y tế trên quốc lộ 51, 55 và 56 kiểm tra tất cả người dân từ tỉnh khác vào địa phương này phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19.

Danh sách địa phương cần tờ giấy ‘âm tính’ này đang được bổ sung: kể từ 0g ngày 6-7, chính quyền tỉnh An Giang yêu cầu người về từ vùng áp dụng chỉ thị số 15 phải có kết quả test nhanh Covid-19 trong 24 giờ hoặc test nhanh trực tiếp tại chốt (có thu phí).

Kể từ 0g ngày 9-7, tất cả công dân (kể cả công dân thành phố Cần Thơ) khi đi qua các chốt kiểm soát dịch vào cửa ngõ thành phố Cần Thơ phải cung cấp kết quả xét nghiệm hoặc test nhanh âm tính với SARS-CoV-2. Tương tự còn có Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Bến Tre…

Vậy là để có thể đi vào tỉnh, thành kể trên, nhiều người dân đổ xô đi xét nghiệm Covid-19 để lấy giấy ‘thông hành’. Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.

Tại một số bệnh viện công, giá xét nghiệm Covid-19 theo yêu cầu là từ 238.000 – 350.000 đồng/mẫu đối với test nhanh, và 734.000 đồng/mẫu đối với xét nghiệm PCR. Còn tại các bệnh viện tư nhân, xét nghiệm PCR có giá từ 1,3 đến 4 triệu đồng/mẫu tùy bệnh viện.

Về thời gian có kết quả xét nghiệm, tùy thời điểm và tùy cơ sở y tế, trung bình mỗi người mất khoảng 30 – 60 phút đối với test nhanh, và từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ với xét nghiệm PCR.

Phía xét nghiệm nói rằng kết quả mẫu chỉ có giá trị cụ thể ở lần xét nghiệm đó, và thời gian giá trị được người ta tự định có thể rằng tối đa là 48 tiếng, nếu như người ấy không tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.

Điều này cho thấy ngay cả giải pháp số hóa kết quả xét nghiệm, ví dụ như một người xét nghiệm sẽ cấp được 1 mã số như mã QR, để họ có thể đi bất cứ đâu thì quản lý nào cũng kiểm tra được, để ứng xử phù hợp… mà Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, chủ yếu là nhằm phục vụ yêu cầu thống kê y tế, không có ý nghĩa về giá trị giúp người dân giảm bớt thủ tục hành chánh.

Nhầm lẫn tệ hại khác là về lý thuyết lẫn thực tế rằng sau khi test xong, có giấy xong,  phía chính quyền một số địa phương tự cho rằng giấy có giá trị 3-5 ngày.

Đây là điều ngớ ngẫn về Covid-19, bởi rất đơn giản, ngay khi xét nghiệm xong và trong thời gian ngồi chờ nhận kết quả, người đó có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc người chung quanh, vì xét nghiệm không phải là chích ngừa, và hoàn toàn có khả năng lây sang người khác. Điều đó cho thấy giấy xét nghiệm là vô giá trị, nhưng các khoản chi phí tốn kém cho đôi bên là có thật.

Tệ hơn, khi thủ tục hành chánh mà người dân muốn có tờ giấy này gây tốn kém về tiền bạc từ vài trăm đến vài triệu đồng/ lần xét nghiệm lẫn thời gian, công sức như xếp hàng với đe dọa lây lan dịch bệnh, chạy đôn chạy đáo tìm nơi làm xét nghiệm, 3-5 ngày làm một lần…

Tệ nhất, nếu không phải là một thứ giấy phép con cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa thì gọi đó là gì? Báo chí đăng Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra chủ trương không “ngăn sông cấm chợ”, nhưng rồi ở cuộc họp hôm 5-7 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, lại đưa ra yêu cầu về tờ giấy xét nghiệm này theo cách hiểu của phòng dịch lây lan…

(Có ý kiến, chắc ông Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 Vũ Đức Đam suy luận từ việc thấy các nước khi nhập cảnh đòi hỏi giấy âm tính trong 24 – 48 giờ nên vận dụng làm theo ở phạm vi địa giới hành chánh!?).

Lưu ý, một phân tích công bố trên PLoS ONE cho thấy tỉ lệ âm tính giả trong xét nghiệm Rt-PCR có thể dao động trong khoảng 9% đến 19%, với trung bình là 13%.


Tin bài liên quan:

VNTB – “Mặt trời toả sáng” choang mà dịch bệnh bủa vây dễ vậy, huống hồ …

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Gọi là virus Vũ Hán có gì là sai?

Phan Thanh Hung

VNTB – Phục hồi kinh tế sau COVID-19: con đường còn dài và gập gềnh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo