Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ngôi nhà cổ 5 gian, 2 chái của Ngoại

Lê Bá Vận

 

Quê hương là chùm khế ngọt, là đường đi học rợp bướm vàng bay, là con diều biếc, con đò nhỏ, cầu tre nhỏ, mẹ về lá nón nghiêng che, hương hoa đồng cỏ nội… (theo Đỗ Trung Quân). 

Không sinh trưởng nơi thành thị, những người thành danh, có chức phận, thuở nhỏ sống ở thôn quê đã nói lên tình yêu quê hương đậm đà, cánh đồng lúa chín, lũy tre, bờ đê, mái đình cổ kính… 

 

Nhà cha mẹ tôi ở tại một thị xã nhỏ miền Trung, cũng gọi là nơi thị tứ.

Ông bà nội tôi đều mất khá sớm. Quê nội thì ở huyện Lệ Thủy, xa tít phía Nam, giáp Quảng Trị. Tôi chưa bao giờ lên quê nội, là một làng nhỏ, phải đi thuyền, chèo mất cả gần ngày trời.

—-

Đường Lên Nhà Ngoại.

Bù lại tôi gần gũi với quê ngoại và đã chia sẻ đời sống mộc mạc nơi thôn dã. Quê ngoại tôi ở làng Đức Phổ, một xã lớn thuộc phủ Quảng Ninh, cách thị xã chỉ 2 cây số, về hướng núi. (1).

1-  Cầu Kẻ Nại – Ra khỏi cổng Bình Quan thị xã Đồng Hới, đi về hướng Tây-Nam, qua năm bảy nóc nhà tranh tiếp đến trong nửa cây số hai bên đường hoang vắng, là bãi đầm lầy rải rác vài bụi cây nhỏ trải dài đến tận bờ sông Kẻ Nại (sông Cầu Rào). Ở đây có dốc cầu Kẻ Nại bắc ngang, là một cầu trụ gỗ lót ván sơ sài, khá rộng, vài mét, dài độ 30m không có tay vịn, đi qua phải cẩn thận. Dưới cầu nước trong vắt chảy trên đá lởm chởm. Không có thuyền bè qua lại. 

Qua cầu Kẻ Nại, cảnh quan thay đổi, bên tay trái toàn đồng ruộng và những bãi đất hoang, mồ mả, bên tay phải là nhà cửa, thôn xóm làng Kẻ Nại (làng Diêm Điền) xen lẫn các thửa nhỏ ruộng, đất. 

2 –  Lòi Đức Phổ – Tiếp tục đi thẳng, qua dốc (dài trên 200m?) của một ngọn đồi thấp gọi là “lòi”, là một khu rừng nhỏ hoang vắng, gây rờn rợn lúc đi qua vào buổi trưa đứng bóng. Qua khỏi lòi là đi đã được 2 cây số. Đi thêm lối một cây số thì đến chợ . 

3 – Chợ Đức Phổ – nằm ở bờ một con sông nhỏ (rào Chéo). Ngay chợ có cầu tre bắc ngang qua làng bên. Đây là chiếc cầu duy nhất? các nơi khác phải lội qua chỗ cạn. Không thấy thuyền bè. Từ chợ rẽ tay trái thẳng góc, đi dọc sông, qua trước đình làng, khoảng ba phần tư cây số thì đến nhà ngoại tôi, ở xóm Cửa, là xóm đầu làng. Lúc đi quá lòi, để đến nhà ngoại tôi lắm lúc chọn đường chéo qua thôn xóm, vòng vèo men theo các bờ ruộng nhỏ hẹp, đám đất trồng khoai, đậu… 

—-

Ngôi Nhà Của Ngoại

Ngôi nhà ngoại tôi năm gian hai chái rộng lớn, chỉ kém đình làng.

Mái nhà hình thang cân lợp ngói liệt với 2 lớp dày, tường nhà xây gạch trát vôi vữa.

Bộ khung nhà (bộ giàn trò) “thượng kiền hạ gõ” (trên cao dùng gỗ kiền, dưới gỗ gõ). Trong nhà đếm được vô số là cột. Nhìn lên dưới mái nhà thấy các đầu kèo được chạm khắc hoa văn, họa tiết tinh vi. Dưới đỉnh mái có “rầm thượng” (gọi là cái tra) hình hộp, đặc biệt chạy dài suốt năm gian để làm kho lúa và cất giữ các đồ vật quý. Có ba bức hoành phi khắc chữ đại tự treo trên cao, trước rầm thượng tại ba gian giữa, kèm câu đối, liễn treo ở cột.

Gian giữa là gian chính, rộng, thông suốt từ sau ra trước. Phần sau là nơi thờ tự, đặt bàn thờ gia tiên và bàn thờ Phật (tiền Phật hậu Linh), có vách gỗ ngăn cách với các gian bên. Phần trước kê một bộ trường kỷ chạm nổi là nơi tiếp khách.

Các gian bên trái dành cho giới nữ và thông ra nhà bếp. 

Các gian bên phải dành cho phái nam; nửa trước cũng để tiếp khách, bày biện sập gụ tủ chè… nửa sau và chái rộng là nơi ở của người trong nhà, đặt kệ sách, bàn ghế, giường ngủ. 

Tường sau có cửa sổ chấn song trông ra vườn sau. Các chái rộng, tường bên có cửa sổ chấn song, tường trước có cửa sổ thoáng, trổ chữ thọ. 

Sàn nhà đất nện lát gạch nung, cao hơn sân chỉ một bậc cấp, là đủ để tránh ngập nước. 

Nhà mặt tiền không có hiên, không làm cửa bàn khoa mà làm cửa sập là những tấm phên tre lợp lá cọ, lúc cửa mở thì có cây chống, thật ư đặc biệt. Mùa hè nhà mát mẻ, mùa đông ấm áp.

Nhà bếp ở bên trái, thẳng góc với nhà chính, gồm 2 gian và một chái nhỏ, kê bàn ghế, giường, phản, thường cũng là nơi tiếp khách đàn bà. Vì ở quê nên trong nhà bếp có cối xay lúa, chày giã gạo. 

Cổng vào nhà là cổng lợp mái ngói. Đường đi vào và sân rộng lát đá phiến. Trước sân có bình phong tạc hình long mã khảm sành sứ. 

Vườn không có gì đặc biệt “trước cau sau chuối” thêm vài cây ăn quả, giàn trầu, cây rơm… 

Xưa có chuồng heo, chuồng trâu, nay neo người ông ngoại dẹp hết.

Quanh nhà ở mặt trước là hàng rào dâm bụt, trồng tre ở hai bên và sau. Bên trái, ngoài hàng rào là đồng ruộng xanh tốt của làng Đức Phổ kéo dài xa tắp về hướng đông. 

Nhà ngoại hướng Nam, cách sông ở trước dưới 100m, nơi đó bến rộng, cạn nên hầu như luôn có người ra giặt giũ, tắm, bơi lội, nhiều trẻ con đùa nghịch vọc nước. Trước nhà có dãy ruộng nhỏ, một mương nước trong và trông xéo là một bãi cỏ rộng có cây đa rất lớn cạnh bờ sông, hình ảnh Cây đa – Bến nước. Bên kia sông là đất ruộng các làng bán sơn địa Phường Xuân, Trung Nghĩa và đường rầy xe lửa cách chợ 200m. Từ nhà ngoại vẫn nghe còi tàu huýt và thấp thoáng đoàn tàu. Ở đây có trạm tàu, các cậu tôi và bạn vào Huế học đón tàu chợ dừng tại trạm, giữa ga Đồng Hới và Lệ Kỳ.

Năm 1943, đám cưới của cậu tôi, nhà gái ở làng Xuân Hòa, huyện Lệ Thủy, rất xa. Ông bà ngoại thuê ba chiếc thuyền lớn lên Xuân Hòa rước dâu, tôi đòi đi và mẹ tôi cho tôi đi theo. Thuyền khởi phát tại bến sông trước nhà, đi được một cây số thì đổ vào một con sông lớn chạy khá xa chếch lên hướng Bắc, đón nhận sông Kẻ Nại để chảy qua dưới Cầu Dài, nhập vào sông Nhật Lệ và từ đó xuôi Nam hướng về huyện Lệ Thủy, làng Xuân Hòa. Thuyền cập bến, xa thôn xóm song có người tiếp đón, cùng đi bộ trên nửa cây số thì đến nhà gái, nhà rường cổ 3 gian 2 chái truyền thống.  

—-

Sống Ở Quê Ngoại.

Ông ngoại tôi họ Đặng, là cụ nghè Khiêm, nghe gọi thế. Trong làng cũng có một cụ Hường và ăn tiên chỉ là một cụ Đề, là đề đốc thuở trước. Làng giàu nên có một số con em đi Huế học.

Ông bà ngoại tôi có bảy con, 5 gái, 2 trai. Rể, con có ăn học, ra làm việc nhà nước, đều ở xa tứ tán. Nhiều chục năm trước trong nhà vui nhộn biết bao, nữ giới đông đảo chiếm trọn nửa bên trái của ngôi nhà, thêm nhà bếp. Sau này con cái về hưu chưa biết có ai rồi trở về quê cũ! 

Trong nhà nay vắng ngắt, may mắn còn có cha mẹ tôi ở tại thị xã, kề cận. Mỗi lần tôi cuốc bộ một mình lên ngoại, ở chơi đôi bữa, cả tuần là ông bà vui vẻ, chiều chuộng tôi hết mức.

Tôi hay theo chân ông ngoại, lúc ra ngoài, lúc nhìn ông dùng dao mỏng xoi các chân cột và đổ nước sôi trừ mối, lại đòi ông dạy chữ nho thời sau lúc Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương.

Ông chỉ tôi trèo lên tra tìm được một số sách vở, các sách dạy bài ca Kim tiền, Lưu thủy… tuồng cổ, các sách văn chương, toán hình học, đại số chữ Pháp… của hai ông cậu tôi, hồi đi học Huế.

Tôi thả diều bên cây đa trước nhà, tắm sông thỏa thích, đi xem tát ao bắt cá, bới đất thu hoạch đậu phụng, gặt lúa. Tôi thử tập gánh lúa. Đòn gánh xóc 2 bó lúa nặng vừa phải đặt lên vai, tôi bước đi tưởng dễ, nào ngờ 2 bó lúa chao qua đảo lại, tôi đi loạng choạng một đoạn ngắn rồi bỏ cuộc.

Sau mùa gặt ngoại tôi cho đạp lúa ngay ở trên sân nhà, tôi có mặt hôm đó. Những bó lúa mở tung được rải tròn giữa sân. Một cặp trâu máng ách, buộc vào một đoạn tre dài nối liền với một trục quay đặt ở trung tâm. Căp trâu máng ách chậm rãi đi vòng tròn giẫm lên các bó lúa… 

Và những gói bún tươi bọc trong lá chuối, được làm với mẻ gạo đầu mùa, bán ở chợ làng, bà ngoại tôi mua về ăn với mắm nêm ngon lạ. Nói đến chợ làng thì tôi cũng ra đó trong ngày Tết, cũng như đi xem tế lễ ở đình làng nằm trên đường đi ra chợ.

Tôi thực sự đã hòa mình vào nếp sống nơi làng mạc, “sống ở làng sang ở nước”.

—-

Ngôi Nhà của Ngoại Không Còn!

Những kỷ niệm khởi đầu từ giữa thập niên 30. 

Năm tháng qua, đến đầu thập niên 50, thế kỷ trước tôi ra Hà Nội, học Đại học. 

Hè về Đồng Hới tôi lên thăm ngoại. Cảnh vật không có gì thay đổi nhưng ông ngoại tôi không còn khỏe, ông đang lâm bệnh, từ đầu năm nay trở nặng gầy sút nhiều.

Hè năm sau nữa, ở Hà Nội về, từ thị xã tôi đi xe đạp lên thăm ngoại, biết trước ông ngoại bệnh vẫn còn đó, nặng thêm.

Dắt xe bước vào cổng, rẽ trái rồi phải quá bức bình phong chắn, nhìn ra trước tôi sững sờ, không tin vào mắt mình vì ngôi nhà ngói 7 gian rộng lớn của ngoại nay biến đâu mất tăm tích. Thay vào đó, trên nền nhà cũ quá rộng là một ngôi nhà tranh khiêm tốn và một chái bếp. 

Tôi vào nhà, ông ngoại tôi đang nằm thiêm thiếp trên giường, tôi ngồi cạnh nắm tay ông, rưng rưng nước mắt. Bà ngoại nói ngôi nhà cũ bị mối ăn sập, nhà mới nhờ dựng đã mấy tháng. Tôi cảm khái, ông ngoại tôi đau yếu mấy năm nay, phần thì chiến tranh, còn ngó ngàng gì đến nhà cửa! 

Ngôi nhà cổ của ngoại đã từng là niềm hãnh diện to lớn của tôi. Đó là một ngôi nhà rộng lớn, dềnh dàng, đứng kề các ngôi nhà chung quanh như “công giữa đàn gà”. Cổng vào lợp mái ngói và bình phong sau cổng khiến ta ngỡ vào một phủ đệ chốn thần kinh. Sự tan biến bất ngờ của nó giữa cảnh quan xóm làng “đào hoa y cựu” khiến lòng tôi hụt hẫng mà không hỏi kỷ làm gì.

Hai tuần lễ sau thì ông ngoại tôi mất, chưa đầy nửa năm sau ngày ngôi nhà cũ bị mối ăn sập. Đám tang có đông đủ thân thuộc trong họ và ông được an táng ở cánh đồng làng Kẻ Nại, Diêm Điền. Tôi lăng xăng bấm chụp vài tấm hình trao cho hai cậu bên ngoại, em mẹ.

Hình ảnh đường lên làng, cầu Kẻ Nại, lòi Đức Phổ, ngôi nhà cổ của ngoại giữ mãi trong lòng tôi.

_____________

Chú Thích:

 

(1) Làng Đức Phổ, xã Đức Ninh nay thuộc thành phố Đồng Hới. Đi từ cổng Bình Quan – thời đó mọi người đều gọi là “Cổng Bình Quan”, không nghe ai gọi là “Quảng Bình Quan” – là kiến trúc nằm dọc sát cạnh đường thiên lý Bắc Nam, tương tự một cửa cổng của kinh thành Huế. Đi vòng (hai bên) quá cổng là ra khỏi thị xã, không có đường rẽ trái. Rẽ phải theo hướng Bắc, đường vắng, cách trên trăm mét chỉ có lò heo, ai cũng gọi là “ba-toa” theo tiếng Pháp abattoir là lò mổ heo; hoặc đi thẳng, cũng đường đất, rộng vừa, nay là đường Lê Lợi thì đến làng Kẻ Nại (Diêm Điền) rồi Đức Phổ. 

 

 

1) Sở Du lịch Thừa Thiên Huế – Hồi sinh nhà rường 3 gian, 2 chái của ông Hồ Văn Hưng, làng cổ Phước Tích, Phong Điền, Thừa Thiên – baovanhoa.vn. 

Sau làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H. Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) là ngôi làng cổ thứ 2 được cấp bằng Di tích quốc gia. Tại đây, không gian làng quê đậm chất Bắc Trung bộ vẫn còn được lưu giữ các giá trị truyền thống một cách nguyên vẹn.  

 

2) Một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, cảnh quan đẹp, làng Hải Kỳ, Hải Lăng, Quảng Trị.  

2) Một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, cảnh quan đẹp, làng Hải Kỳ, Hải Lăng, Quảng Trị.  

 

Nhà gỗ cổ truyền kiến trúc độc đáo được xây dựng trên khắp đất nước, từ Bắc chí Nam. Toàn quốc có 6 ngôi nhà cổ được UNESCO khu vực Di sản châu Á – Thái Bình Dương bảo tồn. 

Truyền thống người Việt làm nhà theo cơ số lẻ: 3, 5, 7… gian với 1 gian chính ở giữa, rộng.

Dân gian làm nhà với tre, gỗ đơn giản. Các nhà giàu, quan lại làm nhà thi công xây dựng và chạm trổ thường mất nhiều năm, hoặc tậu bộ giàn trò nhà cũ (QBĐT – Nhà cổ bên dòng sông Gianh – May 30/2014).  Giới thượng lưu nay có phong trào mua nhà cổ về dựng lại.

Nhà rường cổ ở Nam bộ. Khi nói về phường thợ mộc thi công nhà cửa ở khắp Nam bộ chỉ nói chung là thợ miền Bắc, nhưng chủ yếu là thợ từ miền Ngũ Quảng (Quảng : Bình, Trị, Đức, Nam, Ngãi), thợ miền Trung – là thợ Huế với kiểu nhà rường xứ Huế. Thợ mộc xưa chạm trổ rất khéo tay.

———–

Hình Bổ Sung.

1) Nội thất một nhà rường cổ ở Nam bộ. Không gian bên trong, tuyệt tác điêu khắc trong khi ngôi nhà bên ngoài trông đơn giản.
2) Nhà thờ danh nhân Trương Đăng Quế (1793-1865) – Nhà rường 3 gian hai chái. Xã Tịnh Khê, Quảng Ngãi. 

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nhân Ngày Quân Lực 19/6 Xét Bản Sắc Người Lính VNCH (*)

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhân Dân có giám sát được Đảng Cộng sản Việt Nam?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Cơ sở giải mã bí ẩn thân thế Bác Hồ (phần 1)

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.