Kiều Phong (VNTB) Nhà trọ mọc lên khắp nước Việt Nam, những căn phòng xây cất lên vội vàng cẩu thả, gây ức chế cho tất cả mọi người. Có một lần, tôi hỏi bà chủ trọ của mình: “Bác ơi, hồi xây nhà bác có mướn kiến trúc sư hay kỹ sư gì không?”. Bà già chất phác vừa nói vừa cười: “Xây cái nhà trọ thôi cần gì kiến trúc sư hả cháu?”
Đây là lối suy nghĩ chủ yếu của giới chủ nhà trọ ở ngoại ô các thành phố như Sài Gòn hay Bình Dương. Bằng chứng là cả một xã hội vỡ quy hoạch, khắp mọi chốn phi trật tự.
Quang cảnh khu nhà trọ sinh viên ngổn ngang ở khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Kiều Phong. |
Đây là góc chụp từ trên cao xuống đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM, khu phố 6- Linh Trung- Thủ Đức. Nơi này vốn là một khu rừng, sau rồi bị chia ra bán cho tư nhân trong thời nhá nhem chuyển tiếp chế độ. Khi được tin các trường lớn sẽ quy hoạch về Linh Trung, giới chủ đất này nhanh chóng xây nhà trọ. Họ đã làm với không một sự hướng dẫn quy hoạch nào, không được kiến trúc sư hướng dẫn, mà cũng không cần kiến trúc sư. Ai nấy cốt xây cho nhanh để ngăn phòng cho sinh viên thuê để mà thu tiền trọ. Nhà thì xiên, nhà thì méo, nhà thì to, nhà thì nhỏ, cái hướng đông nam, cái hướng tây bắc, cái cao cái thấp, nói chung là rất lộn xộn. Kết quả sau cùng, chúng ta trông thấy khu nhà trọ ổ chuột vô pháp vô thiên, dùng để chữa sinh viên của Khối đại học quốc gia TP.HCM- những người mà ai đó bảo là tinh hoa của đất nước.
Xét riêng mỗi nhà trọ, thì chúng không đủ tiêu chuẩn. Các nhà trọ phủ mái tôn, bởi chủ trọ tính toán rằng mái tôn rẻ tiền hơn mái ngói, dùng cho vài năm rồi muốn tháo dỡ lúc nào cũng được. Mái tôn bằng nhôm nóng lên vì nhiệt rất nhanh, vì vậy, mùa khô thì rất nóng bức. Với khí hậu mỗi năm khoảng 6 tháng mùa mưa, 6 tháng mùa khô như ở Sài Gòn- Bình Dương, thì đây chẳng khác nào “nồi hấp”.
Chất lượng nhà trọ rất thấp, chỉ nhìn xuống gạch men là đủ. Trên thế giới, có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có danh từ “gạch men nhà trọ” như ở Việt Nam. Đó là vì, chủ nhà trọ không chịu chi tiền cho gạch men có chất lượng, cố lùng bằng được gạch men rẻ tiền nhất để ốp nhà trọ. Do đó gọi là “gạch men nhà trọ”, vừa bẩn, vừa xấu, vừa dễ gây phong thấp.
Lại trong mỗi xóm trọ, lối đi rất nhỏ, xe máy phải cố gắng lách lắm mới vào được. Tại sao không làm lối đi rộng ở giữa? Vì như thế chủ nhà trọ muốn tăng thêm số phòng, cắt giảm chiều rộng lối đi để tăng thêm được dù chỉ là một phòng thôi. Lối đi chật, phòng cũng chật, giày dép để tràn ra cả lối đi.
Một lối đi trong một khu nhà trọ ở Đô thị đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Kiều Phong. |
Vì vậy, nhiều lần xe máy của người này đi qua đè lên giày dép của người kia, cảnh tượng cho thấy cả một xã hội đang giẫm đạp lên nhau mà sống, ở một góc độ nào đó. Xây nhà trọ mà không hỏi kiến trúc sư, không thuê kỹ sư, tự ý làm nên mới hoang tàn đổ nát.
Khi bà già trả lời: “Xây cái nhà trọ thôi cần gì kiến trúc sư hả cháu?”, tôi đã rất ngạc nhiên. Tại sao một người hiền lành vốn không phải là tư bản hoang dã, không phải là con buôn bất lương, lại nói được một lời như vậy? Có lẽ thuộc về cơ chế vận hành xã hội, như lời của nhà ngoại giao thường trú tại Pháp, ông Lê Phú Hào: “Người Việt Nam được tổ chức để sống lộn xộn.”
Không thay đổi cơ chế, thì kiến trúc Việt Nam còn lộn xộn nữa, lộn xộn mãi.