Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Vậy là người dân Sài Gòn tiếp tục chịu cảnh ‘phong thành’ thêm 4 tuần lễ nữa.
Trong 15 ngày sắp tới đây, liệu tin tức về diễn biến dịch bệnh Covid sẽ theo chiều hướng đúng như Nghị quyết mà Chính phủ đã đặt ra: “Kiểm soát được dịch”?
Hôm 14-8, Sài Gòn có số ca nhiễm cao nhất sau 7 ngày là 4.231, và số ca tử vong ghi nhận là 285. Hôm 15-8, Sài Gòn có số ca nhiễm là 4.516, và số ca tử vong ghi nhận là 282
Sở Y tế TP.HCM cũng đã có hướng dẫn toa thuốc điều trị F0 tại nhà bao gồm: kháng virus, kháng viêm, kháng đông hạ sốt và nâng cao thể trạng. Nói theo kiểu ‘năng lượng tích cực’, thì vẫn cứ hy vọng cho mục tiêu của Sài Gòn ít nhất là “không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị” và “đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2”.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hoạch định của chính quyền là xây dựng kế hoạch phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9-2021 với 2 giai đoạn:
Một, từ ngày 15-8 đến ngày 31-8: Kéo giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong; Không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; Mở rộng “vùng xanh”, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, quận 5, quận 7, quận 11.
Hai, từ ngày 1-9 đến ngày 15-9, TP.HCM phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trước ngày 15-9. Đến ngày 15-9, số trường hợp tử vong giảm 20%, số trường hợp nặng giảm 20%; số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện không quá 2.000 người mỗi ngày; đảm bảo hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2.
Ý kiến phản biện đưa ra lập luận như sau:
Nhóm người cần nhắm đến cần bảo vệ hiện nay là ai? Chắc chắn là nhóm người nguy cơ khi mắc bệnh sẽ nặng. Nhóm người này ai cũng biết.
Bảo vệ họ bằng gì thì phải trả lời được ít nhất hai câu hỏi sau:
1 . Còn bao nhiêu người đó đang là F0 mà chưa tiếp cận y tế?;
2 .Còn bao nhiêu người đó chưa bệnh mà chưa tiếp cận được vaccin đúng và hiệu quả cao nhất?
Không tìm ra, không trả lời được thì không thể và không bao giờ ngăn số ca tử vong.
Làm sao biết hiệu quả của phong tỏa, nếu như không trả lời được câu hỏi là có bao nhiêu người trẻ trong khu nguy cơ cao đã bệnh và tự khỏi?
Về chuyện vắc xin, tại sao phải bắt dân đi chuyển từ khu này qua khu khác để tiêm ngừa, cho người cần tiêm nơi gần nhất thậm chí tại nhà khi có thể. Câu “tiêm tới đâu an toàn tới đó “ đã tạo ra quá nhiều trì hoãn và sự đi lại không cần thiết khi người dân tiếp cận vaccin.
Thay vì loay hoay với tìm các hoạch định, cần thấy rằng những gì thành phố đã làm được, chỉ cần nhấn thêm 1 chút nữa để thành phố đạt 70% miễn dịch cộng đồng, điều này lệ thuộc vào sự phân bổ vaccin của Bộ Y tế, và quyết đoán của Chính phủ. Bởi nếu cứ thiệt hơn những liều Sinopharm, tốc độ tiêm sẽ không còn, thậm chí chùn xuống chỉ 1/3 tốc độ đã đạt được. Điều này kéo dài ra nhiều thứ, thiệt hại còn lớn hơn, nguy cơ những thành quả chống dịch đã đạt được sẽ bị giảm nhiều.
Càng thiếu quyết đoán, càng kéo dài, càng thiệt hại. Và Sài Gòn khoẻ mạnh đâu chỉ Sài Gòn vui.
***
Ý kiến đề xuất: an sinh phải là một phần tất yếu của chiến lược chống dịch
Trong chương trình an sinh tới đây, có ý kiến cần công khai rõ cho người dân về mức hỗ trợ tiền ăn bao nhiêu, tiền nhà bao nhiêu. Cùng với đó, công khai cách tiếp cận để tiền hỗ trợ thực sự đến được với người dân đang cần, tránh tình trạng những gói không kịp thời tiếp cận tới nhiều người.
Mặt khác, Đảng và Nhà nước cần hiểu việc phải chi tiền và coi đây là một phần của chiến lược chống dịch, chứ không đơn thuần chỉ là chính sách an sinh.
Đơn cử, nếu để người dân rời khỏi Sài Gòn về các nơi sẽ khiến dịch lây lan khắp cả nước, như vậy chi phí ở các địa phương đón nhận sẽ lớn khủng khiếp, gấp 5-7 lần so với việc giữ người dân ở lại. Xét trên góc độ lợi ích quốc gia, việc tìm cách giữ người dân ở lại là hiệu quả và có lợi hơn rất nhiều.
Dĩ nhiên là mọi chuyện liên quan đến cơm áo gạo tiền của dân chúng không phải chỉ là ‘trên tivi’.