CTV Hội CTNLT (VNTB) Một ngày sau cuộc Đối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ tại Hà Nội, ngày 24/5/2017 bà trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Virginia Bennett đã tổ chức bữa cơm tối với giới bất đồng chính kiến tại tư dinh của bà Tổng lãnh sự Mary Tarnowka.
Có mặt tại buổi gặp gỡ, phía VN gồm có Ls. Lê Công Định, Ths.Phạm Bá Hải, Ts. Phạm Chí Dũng, Huỳnh Thục Vy và vợ chồng Nguyễn Bắc Truyển. Tháp tùng đoàn của bà Bennett từ Washington là ông phụ tá Rodney M. Hunter và bà Jennifer Neidhart de Ortiz – người từng đảm nhiệm vị trí tham tán chính trị nhân quyền tại Hà Nội; phía Lãnh sự có bà Tổng lãnh sự Tarnowka và Pam Pontius. Buổi trao đổi xoay quanh hầu hết các chủ đề về các quyền tự do căn bản bị tước đoạt tại VN.
Ông Phạm Bá Hải đề cập vụ ô nhiễm môi trường biển do Formosa sa thải hơn năm qua. Vụ việc đã không có tiến triển nào đáng kể đền bù thiệt hại cho ngư dân bị ảnh hưởng, cũng như không có biện pháp cải tạo môi trường biển. Các cuộc biểu tình xuống đường sẽ còn tiếp tục cho đến khi nào chính phủ có biện pháp xử lý đích đáng Formosa và đền bù thiệt hại cho ngư dân. Quyền tự do biểu tình ôn hòa là quyền chính đáng của công dân trong việc đòi công lý cho người bị hại khi các biện pháp của chính phủ chỉ nhằm bao che tội phạm. Trong tiến trình đó, quyền của các công dân đưa sự thật về ô nhiễm và thiệt hại ra công luận là quyền tự do căn bản, cốt lõi của tiến trình đòi công lý. Xử lý hình sự những người làm truyền thông (Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Đức Bình, truy nã Bạch Hồng Quyền) chỉ làm cho người dân càng phẫn uất.
Ls Lê Công Định nêu trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đã thụ án hơn một nữa; cần kêu gọi thả ông Thức trước thời hạn. Ts Phạm Chí Dũng nhận định tình hình ban giao VN-Hoa Kỳ từ cuối thời Obama đến đầu thời Trump và đề xuất đã đến lúc Hoa Kỳ cần đặt nặng gấp đôi vấn đề tôn trọng nhân quyền trong các hiệp ước thương mại với VN. Ông Nguyễn Bắc Truyển nêu tình trạng tín đồ PGHH bị ngăn cản tụ họp cầu nguyện, bị đánh đập và thậm chí giết chết (Nguyễn Hữu Tấn). Cô Huỳnh Thục Vy trình bày về sự cấm cản quyền tự do đi lại và tình trạng bắt bớ, đánh đập các nữ hoạt động nhân quyền.
Bà Bennett nói rằng phái đoàn đã nêu một số vấn đề nhân quyền quan trọng trên bàn đối thoại tại Hà Nội, đó là quyền tự do lập hội, quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng… Hoa Kỳ tiếp tục kỳ vọng sự cải tổ hệ thống luật pháp VN theo hướng tôn trọng các quyền căn bản của con người. Khó có thể kết luận rằng cuộc đối thoại thành công hay thất bại, nhưng phía VN có vẻ lắng nghe và quan tâm.
Được hỏi về luật chế tài Magnisky (Sergei Magnisky Rule of Law Accountability Act), bà Jennifer nói rằng đạo luật đã thành công khi áp dụng tại Nga. Riêng ở VN, cần thông tin cụ thể những người đã gây ra các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, như đánh đập tra tấn. Chính sách nào đã áp dụng và cho phép dùng bạo lực…Nếu không tìm thấy chính sách, thì căn cứ vào hiện trạng các vụ việc cụ thể để kết luận về một chính sách bạo lực. Hồ sơ sẽ được trình ra quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ để vận động phê chuẩn. Có hai thứ bị chế tài, đó là từ chối visa nhập cảnh và phong tỏa tài sản trên đất Hoa Kỳ. Đạo luật cũng cấm cả công dân Mỹ làm ăn giao dịch với người có trong danh sách vi phạm nhân quyền này.
Trả lời câu hỏi của bà Jennifer rằng liệu có tốt hay không khi quốc hội tổ chức chất vấn các vị bộ trưởng, như vụ đã chất vấn về con số người chết khi bị tạm giữ tạm giam, luật sư Lê Công Định nói rằng mặc dù với vai trò đại diện cho dân nhưng quốc hội rất thụ động và không bảo vệ được quyền lợi của dân trước sự sách nhiễu và vi phạm luật pháp của quan chức chính quyền.
Để tham dự cuộc gặp gỡ này, ông Nguyễn Bắc Truyển đã rời khỏi nhà 3 ngày trước đó. Trong khi Bs Nguyễn Đan Quế thì bị chặn suốt 4 ngày không cho đi. Ông Phạm Bá Hải báo rằng an ninh đã đến nhà tìm ông vào buổi sáng ngày có cuộc gặp, nhưng ông rời khỏi trước đó một ngày. Bà Bennett có nói rằng, cuộc gặp tại Sài Gòn đã được đề xuất với đích thân TT. Nguyễn Xuân Phúc.
Nếu cuộc “đối thoại chính thức” tại Hà Nội là dịp để Hoa Kỳ và chính phủ VN nhìn lại các tiến bộ đã đạt được và khác biệt cần điều chỉnh trong phạm vi nhân quyền, thì cuộc “đối thoại bên lề” ở Sài Gòn được tổ chức trong thân tình, hai bên khẳng định mạnh mẽ hơn nữa mối quan tâm chung và các phương cách để thúc đẩy, tôn trọng và bảo vệ quyền con người tại VN.