Sáng 1-10-2021, nắng mới Sài Gòn rất đẹp, sau nhiều ngày mưa. Tiếng xe, tiếng người… dù còn rụt rè nhưng đã vang động trên mọi nẻo đường, con hẻm Sài Gòn. Nhưng tới chiều Sài Gòn lại mưa. Đường lại lăng im. Như ngẫu nhiên vận vào tình cảnh Sài Gòn sau 123 ngày giãn cách, rồi giãn cách nghiêm, rồi “bộ đội nhập thành”, rào kẽm gai giăng khắp lối “con đường xưa em đi”: nắng đó nhưng cũng còn mưa đây.
Nắng đó. Rào gai nhức mắt nhói tim đã “sạch bóng”. Hàng quán đã mở dần, chủ – khách đứng xa xa, giao tiền, hàng vội vội, đúng 5K. Giá cả đã bớt nhảy múa dù vẫn còn cao. Tóc tai nhiều người đã thôi như rừng sau mấy tháng “nằm ổ” trong nhà. Đêm Sài Gòn 1-10, một số nhà hàng đã có ánh đèn ấm áp, dù chưa nhiều…
Thực tế giá cả các nơi đã giảm rất rõ, dù chưa như trước dịch. Mô hình “Đi chợ hộ” nói gì thì nói, coi như xong vai trò chưa thuyết phục dân lắm của mình. “Phiếu đi chợ”, “cửa hàng lưu động”, “chợ phiên đường phố”… như “đánh du kích”, loay hoay trước nhu cầu – sức mua khổng lồ của một đô thị đông dân nhất nước.
Dân Sài Gòn đã có thể ra đường nhìn trời ngắm đất trông mây. Ai nói cái này không chính đáng thì tôi không chịu. Tự do, không ảnh hưởng, gây hại, lây nhiễm cho ai là chính đáng – dù tối qua 30-9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thông tin tại chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời”: Từ 1-10, người dân TP.HCM ra đường không có lý do chính đáng vẫn bị xử lý.
Cụm từ chung chung này nên làm rõ, kẻo lại như cụm từ “hàng hóa thiết yếu”, mỗi người hiểu mỗi kiểu, sanh đủ chuyện. Theo kinh tế học, cái gì không thiết yếu cho con người, người ta không mua thì không thể gọi là hàng hóa được. Trách ông “bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu” không sai, nhưng cấp trên ổng nói không rõ ràng, hiểu sao cũng được, khiến cấp dưới dễ sai thì đó không hẳn chỉ là lỗi của cấp dưới.
Nhưng mưa cũng còn đây. Sáng 1-10, nhiều tiệm vàng lớn ở TP.HCM ghi nhận nhiều người dân đến xếp hàng vào tiệm… cầm vàng. Ở một tiệm vàng trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), ông Lê Văn Quyền (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho hay hai vợ chồng có tiệm hủ tiếu trên đường Nơ Trang Long. Từ năm ngoái đến nay dịch bệnh ảnh hưởng đến việc bán buôn, nhất là đợt dịch lần thứ 4 khiến tiệm phải đóng cửa suốt 3 tháng trời. Để mở lại quán, ông đã đi cầm một chỉ vàng lấy 5 triệu đồng.
May ông còn chút vàng dành dụm. Đêm qua 30-9 và sáng nay 1-10, đã có hàng ngàn người dân “tháo chạy” khỏi TPHCM sau khi TPHCM gỡ bỏ chốt chặn, rào chắn. Đây là đợt “tháo chạy” thứ ba của bà con nhập cư rời khỏi Sài Gòn trong dịch Covid. Họ trả phòng trọ, chạy xe máy, chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh về quê miền Tây. Khi đến quốc lộ 1 (khu vực thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) giáp ranh tỉnh Long An, họ bị lực lượng chức năng chặn lại. Ngay trong đêm 30-9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã phải ra các chốt kiểm soát cửa ngõ về miền Tây.
Ở Bình Dương, Long An, hai tỉnh giáp TP.HCM, liên tục hai ngày trước, công an và lực lượng chức năng các địa phương cũng tăng cường tuần tra trên các tuyến đường lớn để ngăn chặn các đoàn xe đi thành nhóm, hẹn nhau từ trước để cùng về quê, vận động quay đầu xe.
Chắc chắn dòng người trở về quê này là những người nghèo, họ không còn khả năng trụ nổi ở các đô thị sau nhiều tháng bị phong tỏa, càng lúc càng nghiệt. Rõ ràng trong dịch, họ đã bị bần cùng hóa.
Khoan nói họ vô ý thức, làm toang các tỉnh thành có độ phủ vaccine thấp và hệ thống y tế không được như TP.HCM. Xin đặt mình trong hoàn cảnh bà con để hiểu. Chống dịch hoàn toàn không phải là tuyệt đường sống của dân, nhất là dân nghèo.
May mà TP.HCM và các tỉnh cũng đã nghĩ như vậy: lo cho bà con ăn nghỉ tại chỗ, xét nghiệm rồi đưa bà con về quê.
Lãnh đạo TP.HCM gần như “năn nỉ” bà con nhập cư ở lại, thành phố sẽ hỗ trợ, sẽ lo công ăn việc làm… Phải năn nỉ thôi vì bốn tháng trong dịch với cách chống dịch và chăm sóc người ở lại rõ ràng chưa ổn, niềm tin vào cuộc sống, sinh hoạt sắp tới của dân, của bà con nhập cư đã bị mất mát nhiều quá. Ông Phạm Đức Hải, phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 1-10 sau khi “trân trọng mời người dân ở lại. TP sẽ tiếp tục có hỗ trợ” đã thừa nhận: “Thành phố thấy trách nhiệm của mình khi để người dân tự phát về quê”.
Dịch giã ở TP.HCM vẫn còn cao nhưng dù sao đã tạm trong vòng kiểm soát. Ngày 1-10, ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng chỉ thị 18 – thoáng hơn chỉ thị 16+ nhiều, con số ca nhiễm mới của TP.HCM giảm mạnh, chỉ còn 3.670 ca. Quan trọng hơn, số ca tử vong ở TP.HCM đã xuống dưới 100.
Dịch giã đã thành thực tế sống chung nhưng rồi cũng sẽ bớt theo quy luật hình sin của một trận dịch. Kinh tế rồi cũng dần phục hồi ở đô thị năng động, hay làm hay làm nhất nước này – dù hoàn toàn không dễ dàng một sớm một chiều. Cả dân, doanh nghiệp lẫn chính quyền đã cạn hầu bao nhiều lắm.
Vấn đề lớn hơn, lớn nhất hôm nay là làm sao để phục hồi niềm tin trong dân khi thật sự niềm tin ấy bốn tháng qua đã tổn thương rất nhiều. Phục hồi với hành động cụ thể chứ không phải những văn bản, phát ngôn hứa hẹn chung chung, không làm nổi. Để vết thương lòng không tổn thương thêm nữa. Dân khổ nhiều rồi, giờ chỉ cần niềm tin để sống.