(VNTB) – Chính quyền nói rằng họ hiện đã chiến thắng đại dịch
Tác giả: David Brown
Ngày 1/10, người dân TP HCM kéo đến các tiệm hớt tóc, sửa xe máy, tiệm bún phở. Sau gần ba tháng bị phong toả nghiêm ngặt, chính phủ Việt Nam đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đi lại ở thành phố lớn nhất nước cũng như ở các thị trấn và thành phố nhỏ hơn ở miền nam.
Các chướng ngại vật và rào chắn đã được gỡ bỏ và giấy phép đi lại cũng được loại bỏ, có nghĩa là bất kỳ ai đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hoặc mới hồi phục sau khi nhiễm COVID giờ đây có thể tự do di chuyển, đi siêu thị, nhà hàng và thậm chí là phòng tập thể dục – nhưng quán bar, rạp chiếu phim, spa hoặc tiệm karaoke vẫn chưa được mở. Các trạm kiểm soát ở vùng giáp ranh các tỉnh vẫn còn ở khắp khu vực phía Nam. Nhưng ngay cả như vậy, tâm trạng chung là có phần hưng phấn.
Michael Tatarski, một người nước ngoài cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, ghi chép lại đại dịch hai lần mỗi tuần trong bài báo nổi tiếng trong bản tin Tuần báo Việt Nam , cho biết trong một câu chuyện ngày 30 tháng 9 rằng anh “khá choáng váng” trước việc ngưng Chỉ thị 16 trong đêm, đây là một sắc lệnh hà khắc buộc người dân ở trong nhà kể từ ngày 9 tháng 7, phụ thuộc vào việc bộ đội đi giao thực phẩm
Việt Nam đã hết thăng lại trầm kể từ khi đại dịch xuất hiện mười chín tháng trước. Nhờ bài học kinh nghiệm vào năm 2005 với bệnh cúm gia cầm, một loại vi rút corona tương tự, chính phủ đã thiết lập chế độ truy tìm tiếp xúc nghiêm ngặt ở từng khu phố và cách ly tất cả người từ nơi khác đến.
Những phương pháp này có hiệu quả đáng kinh ngạc: cho đến tháng 5 năm 2021, Việt Nam ghi nhận chưa đến 3.000 ca nhiễm và 35 trường hợp tử vong trên 98 triệu dân. Gần là quốc gia duy nhất trong khu vực có GDP tăng trưởng gần 3% trong năm 2020 và có vẻ khả quan hơn vào năm 2021.
Và sau đó, cũng như ở nhiều quốc gia khác, biến thể Delta lây lan theo cấp số nhân xé toạc các khu dân cư đông đúc và khu sản xuất xuất khẩu có mật độ dân số cao ở TP HCM và các tỉnh lân cận, đạt đỉnh dịch một lần vào cuối tháng 7, giảm đi và lại đạt đỉnh cao hơn hồi đầu tháng Chín.
Từ chỉ vài trăm ca mắc mới mỗi ngày trên toàn quốc vào đầu tháng 7, đến cuối tháng, con số này đã tăng lên 7.000 ca hoặc hơn, gần như tất cả các ca nhiễm đều ở TP HCM và các tỉnh lân cận. Tính đến cuối tháng 9, số ca tích lũy gần 800.000 ca và số người chết trên toàn quốc là hơn 19.000.
Với việc quan chức bị chỉ trích vì được cho là đã không chuẩn bị cho nguồn vắc xin, chính phủ đã tranh mua hoặc cầu xin bất cứ thứ gì có sẵn. Họ vui mừng chấp nhận các khoản tài trợ của Mỹ và Trung Quốc, Hàn Quốc và Ý. Nhờ mối quan hệ anh em, Hà Nội đã mua vắc xin có lẽ với giá chiết khấu của Cuba (Abdala), Nga (Sputnik V), và Trung Quốc (VeroCell).
Ngày 22/7, Bộ Ngoại giao xác nhận Hà Nội đang đàm phán với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ về việc sản xuất vắc xin mRNA của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đang hy vọng sẽ chế được vắc xin nội địa NanoCovax vào cuối năm nay.
Vào cuối tháng 9, chưa đến 1/10 người Việt Nam được tiêm hai liều vắc xin, và khoảng một phần ba dân số đã được tiêm một liều. Tuy nhiên, có thể lập luận rằng tình thế đã xoay chuyển ở miền nam. Số ca tử vong hàng tuần đã giảm và theo báo cáo, “số người trong cộng đồng có thể bị lây nhiễm RE” ở Thành phố Hồ Chí Minh giảm từ 5 xuống còn 1,03, có nghĩa là đã có đủ số người được miễn nhiễm do phục hồi sau nhiễm COVID hoặc được tiêm chủng. ( Nếu chỉ số RE nhỏ hơn 1 thì dịch đang suy giảm và sẽ ‘mất dần đi’ theo thời gian.)
Tuy nhiên – có phải Việt Nam đã thực sự lật ngược tình thế? Ngoài ra, liệu ‘sống chung với Covid’ (câu thần chú mới của Thủ tướng) có tạo ra nguy cơ cho một đợt dịch khác, đặc biệt là ở các vùng cho đến nay hầu như không bị ảnh hưởng? “Chúng ta không thể dùng các biện pháp cách ly, phong toả mãi được vì sẽ gây khó khăn cho người dân và kinh tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hồi đầu tháng 9. “Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và có thể sẽ lâu dài”.
Có thể cho rằng, ban đầu Hà Nội đã chần chờ thu xếp mua vắc-xin quá lâu, với hy vọng rằng với việc kiểm tra tiếp xúc gắt gao và sự gắn kết xã hội hơn hẳn hầu hết các quốc gia khác, sẽ có thể giúp ngăn chặn được vi rút corona cho đến khi một nhà cung cấp giảm giá vắc xin xuống. (Oxfam ước tinh ‘chi phí thực tế’ để sản xuất một liều vắc xin mRNA của Pfizer hoặc Moderna là 1,20 đô la Mỹ.)
Và bây giờ, một lần nữa có thể Hà Nội đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát và đưa các nhà máy hoạt động trở lại quá sớm, vì sợ do GDP trong quý III sụt giảm 6% cũng như điệp khúc phàn nàn gia tăng từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài. Dù là điện thoại di động hay giày thể thao cao cấp, người Việt biết rằng họ có rất nhiều đối thủ ở quốc gia khác.
Chỉ còn vài tháng nữa là tới mùa Giáng sinh, hàng nghìn nhà máy tại các khu công nghiệp ở Việt Nam sẽ tăng cường sản xuất. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dũng cảm đảm bảo với các công ty nước ngoài rằng Việt Nam sẽ không phụ lòng tin tưởng của họ vào khả năng chống Covid-19. Có lẽ ông ấy đúng.
David Brown là cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam và là cộng tác viên lâu năm cho Asia Sentinel
https://www.asiasentinel.com/p/vietnam-shaky-truce-covid19