Hoàng Mai
(VNTB) – Vậy là đã hơn hai tuần với việc chấm dứt chỉ thị 16, Sài Gòn bước vào những ngày sống gọi là bình thường mới.
Hàng quán mở ra đông đúc hơn. Những dịch vụ khác như bán xe, tiệm vàng, ngân hàng, nhà sách, nhà xuất bản, trang thiết bị tin học, sửa chữa máy móc, hớt tóc… cũng nhanh chóng bắt nhịp nhanh trở lại với guồng máy sinh hoạt và làm việc như trước.
Chỉ vỏn vẹn có mấy ngày, thành phố đã gần như trở lại như cái thời chưa có dịch. Một Sài Gòn năng động. Một Sài Gòn đang hồi sinh nhanh đến mức không tưởng, sau mấy tháng trời bị “người ta” làm khó.
Giờ đây, bên cạnh sự hối hả cũng như nhịp điệu của cuộc sống, của từng buổi mưu sinh, thì còn đâu đó ở trong thành phố, nhiều người đang tìm lại “người xưa”. Cái người xưa ở đây, nó không đồng nghĩa với người yêu hay người thương như trong thơ văn, nhạc họa; nó có khi chỉ là một xe đẩy bánh hẹ hè phố, một xe phở ở đầu hẻm quen thuộc, một tiệm mì nổi tiếng hay đơn thuần chỉ là bóng dáng của người chạy xích lô, của hai cha con, của ông già gần 90 tuổi bên vệ đường Sài Gòn.
Vì sao lại phải tìm? Đã quá lâu, hơn 4 tháng, với sự hoành hành của đại dịch thì ít mà “quậy” từ người khác thì nhiều, đã gây ra quá nhiều mất mát. Không biết rằng, sẽ còn gặp ai hay không thấy ai, sau 4 tháng này nữa?
Tựa hồ như một cái chớp mắt, chỉ mới đây thôi, cái buổi chiều của ngày 9-7-2021, nụ cười ấy, sự lạc quan trên gương mặt của người đàn ông bán ở hè phố Sài Gòn. Chấp nhận hy sinh công việc, chấp nhận ăn dần vào tiền tiết kiệm, để cùng với thành phố thực hiện chỉ thị 16, cùng chung tay chống dịch với hy vọng ngày mở cửa sẽ sớm. Nhưng nào ngờ…
Để rồi, hôm nay, cũng cung đường đó, cũng góc phố đó, dù đi lại nhiều ngày nhiều lần trên nhiều mốc thời gian khác nhau, xung quanh bà con đã buôn bán trở lại nhưng vẫn không thấy hình bóng xưa.
Cố tình chạy qua để ngó con hẻm quen thuộc. Sau bốn lần cố tình như vậy, cuối cùng cũng trông thấy được hình ảnh của xe phở với… cố nhân.
Quay đầu xe, gặp lại nhau, ai cũng mừng. Cái mừng ở đây không hẳn là đến từ thực khách đang đói tìm được đồ ăn, cũng không hẳn là của chủ quán khi có khách tới mua, mà nó còn là cái vui của ngày gặp lại.
Ròng rã từ tháng 5 đến nay, Sài Gòn bệnh. Hàng trăm ngàn ca nhiễm, hàng chục ngàn người chết vì cái quy định oái ăm cách ly tập trung, xét nghiệm rồi siết chặt giãn cách gây khó khăn cho người đi khám chữa bệnh….
Nhiều con người cũng thay đổi nghề nghiệp theo thời cuộc, của dịch. Quán nhậu vẫn đóng cửa, chưa cho ăn tại chỗ, một số người mưu sinh bằng loa kẹo kéo đành phải “đi làm sớm”. Họ ca hát ở ngã ba, ngã tư, họ bán từng cây kẹo cho khách dừng ở đèn đỏ.
Những đứa trẻ bán sing-gum hay ngồi góc đèn giao thông để xin ăn, cũng xuất hiện nhiều hơn ở hè phố Sài Gòn. Những ánh mắt hồn nhiên, những hành động ngây ngô, những lời chào mua bé xíu, hình ảnh ấy, đau lắm, thương lắm…
Càng đau, càng thương, thật sự càng muốn chửi th.ề cái người mà đã làm Sài Gòn như thế, cái người mà “thực hiện chỉ thị 16 mà sao xe cộ còn chạy ầm ầm” cái người mà phản bác ông Dương Anh Đức, cho rằng, người dân ra đường không phải là nhu cầu cấp thiết; cái người đề xuất cách ly tập trung rồi xét nghiệm.
Người ấy đã làm cho biết bao nhiêu đứa trẻ hồn nhiên phải lâm vào hoàn cảnh như thế. Thay vì tuổi đó, được ăn, được chơi, được đi học, được sống bên gia đình thì chúng lại phải vất vả mưu sinh nơi hè phố, dù là nắng gắt hay mưa lớn.
Dĩ nhiên, cũng mong rằng, tất cả chỉ là chưa có duyên để gặp lại nhau, cũng có thể, nói theo lời của chị bán phở: “chết nhiều quá nên chưa dám ra”, nên nhiều người vẫn “án binh bất động”. Mong rằng, những cố nhân vẫn bình an.
Sau cơn đại dịch này, còn gặp lại nhau được, là vui lắm rồi…