Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hãy thấy sai và hãy quyết sửa!

Ngô Thế 

 

(VNTB) – Cái sai lệch lớn trong nhiệm vụ đào tạo này là chú trọng nhiều đến phát triển quy mô hơn là nâng cao chất lượng và hiệu quả.

 

 

Bác Hồ từng nói: Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình và tìm mọi cách sửa chữa khuyết điểm đó, như thế mới là một đảng tiến bộ.

Sự nghiệp GD-ĐT không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước do có nhiều lỗi hệ thống, trong đó có những sai lệch, bất cập cần được điều chỉnh, khắc phục kịp thời.

 

1. Sai lệch lớn trong hệ giáo dục đại học [GDĐH]:

Nhiệm vụ của hệ GDĐH là đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ cho đất nước. Cái sai lệch lớn trong nhiệm vụ đào tạo này là chú trọng nhiều đến phát triển quy mô hơn là nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Phát triển mạnh quy mô là rất cần thiết đối với hệ Giáo dục phổ thông [GDPT].Thêm một cháu được đến trường là điều rất quý. Nhưng với quy mô đào tạo nguồn nhân lực thì phải tính toán cẩn thận, nếu không sẽ gây lãng phí và nguy hại về lâu dài. Theo quan điểm của Lê-nin: Tại những nước chưa phát triển, quy mô đào tạo nguồn nhân lực luôn tỷ lệ nghịch với chất lượng ; và: nguồn nhân lực chất lượng kém sẽ gây hậu quả khôn lường và lâu dài cho đất nước.

Vậy với một nước còn nghèo như ta, khi phát triển quy mô được đưa lên quá mức cần thiết hay hàng đầu như hiện nay, đương nhiên nó sẽ đẩy chất lượng xuống tận đáy. Không ý chí nào làm chúng đồng thời cùng phát triển mạnh được đâu.Thất bại từ chủ trương “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”của TQ cũng là vậy.

Nhà nước đề ra chỉ tiêu đào tạo đại học phải đạt 400 SV / 1 vạn dân vào năm 2020 để bằng với các nước phát triển, lại được “cơ chế xin cho” hỗ trợ nên chỉ ít năm sau, trong hoàn cảnh thiếu thày, cơ sở vật chất gần như bằng không mà số trường ĐH, CĐ đã từ 100 tăng vọt lên tới trên 400 cùng với đủ mọi hình thức đào tạo phi chính quy, ngoài trường, liên thông, liên kết. Mỗi trường được giao tuyển hàng ngàn SV, 8 điểm thi 3 môn cũng được vét vào học đại học cho dù các thày giáo đang còn phải”chạy sô”, nhiều trường ĐH thiếu cả nhà vệ sinh cho sinh viên dùng.

Ô hay, nền sản xuất, dịch vụ của họ làm ra 30.000-40.000 do-la GDP/ đầu người mỗi năm thì nhu cầu cán bộ Đại học như thế là đúng.Còn GDP của ta khi ấy mới chỉ đạt 2.000 đô-la/ đầu người. Vậy thì hàng triệu kỹ sư, cử nhân ra trường mỗi năm sẽ dùng sao cho hết trong hệ thống sản xuất, dịch vụ nhỏ nhoi ấy?

Ngay cả đến nền sản xuất nông lâm nghiệp nước ta hiện nay cũng đang thừa nhiều kỹ sư rồi: nông thôn không còn nông trường, HTX, ruộng đất được giao về hộ gia đình; vùng núi không còn lâm trường, rừng được giao cho dân; biên chế cán bộ quản lý và chuyên môn ở các cấp đã lắp kín, thậm chí còn phải giảm biên chế.Vậy thì nhiều vạn kỹ sư nông lâm nghiệp ra trường hàng năm sẽ không thể có chỗ để mà xin việc.

Sinh viên tốt nghiệp các ngành học chuyên sâu hẹp càng khó khăn hơn, không ít kỹ sư, cử nhân do không xin được việc làm đành chạy xe ôm, chạy chợ, nhân viên mat-xa và những lao động giản đơn khác để kiếm sống, để trả nợ ngân hàng. Nguồn nhân lực đào tạo với quy mô lớn mà sử dụng ít hoặc sử dụng không được, đều là những lãng phí lớn về tiền bạc, công sức của đất nước, thậm chí dễ gây bất ổn xã hội khó lường.

Thực ra, từ nhiều năm trước, họ đã bị bỏ mặc do chủ trương “mở rộng đầu vào, thả nổi đầu ra”, tức là chỉ biết tuyển thật nhiều vào trường mà không cần nghĩ tới việc sử dụng họ khi ra trường, không cần biết hiệu quả tiền bạc, công sức của xã hội và gia đình đầu tư cho họ tốn kém, nhọc nhằn ra sao. Nếu có sự điều tra nắm tình hình sinh viên ra trường có việc làm đúng nghề đào tạo một cách khách quan, chắc chắn Nhà nước phải giật mình về hiệu quả đào tạo.

Cũng để chạy theo quy mô, ở đâu đó còn đưa ra chủ trương là “đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập đại học của dân”, tiến tới phổ cập ĐH toàn dân(!). Quả thật, với một dân tộc ai cũng muốn để chữ cho con, muốn con có bằng cấp cao, muốn con thoát nghèo, học được cái nghề nhẹ nhàng mà kiếm nhiều tiền thì Nhà nước có mở thêm bao nhiêu trường ĐH nữa, đặc biệt là ngoại thương, kinh tế, tài chính kế toán, ngân hàng v.v. cũng sẽ được tiếng là làm theo yêu cầu của dân, nhất là khi mà nhiều người còn chưa thấy được những nỗi khổ khi xin việc làm trong tình trạng cung đã thừa, cầu lại đòi hỏi rất cao về chất lượng mà các trường không đáp ứng được.

Mở nhiều trường ĐH như vậy, tuyển sinh lại dễ dãi thì còn mấy ai muốn vào học các trường trung cấp và dạy nghề nữa, gây nên mất cân đối trong nguồn nhân lực của đất nước, đẻ ra tình trạng thừa thày thiếu thợ; những ngành học ưa thích chỉ tiếp nhận thí sinh thi đạt điểm cao mặc dầu không nhất thiết phải thế. Ngược lại, một số trường với những ngành học đáp ứng đúng nhu cầu đang là bức xúc của đất nước thì rất khó tuyển sinh, điểm tuyển đầu vào rất thấp.

Chất lượng đào tạo đại học một số năm gần đây,Việt nam đã được xếp vào những nước thấp kém nhất thế giới. Không rõ rồi đây chất lượng hàng triệu sinh viên ra trường vào những năm tới sẽ còn thấp đến mức nào nữa khi mà nhiều vạn giảng viên, giáo sư, tiến sĩ cũng sẽ được đào tạo gấp rút và phong hàm, phong vị vội vã cho đủ chỉ tiêu, sĩ số làm thầy.

Những trò ấy của những thầy ấy và với những điều kiện dạy và học ấy, khi ra trường chắc chắn càng không được nơi sử dụng chấp nhận, nếu không được đào tạo lại, họ sẽ không thể cống hiến, thậm chí dễ dẫn đến làm hại đất nước; Cũng do coi nhẹ chất lượng, đuổi theo quy mô, gần đây quy chế tuyển sinh ĐH còn thêm điều 33 để vét những thí sinh dưới xa điểm sàn đưa vào đào tạo đại học với ý “từ thiện” cho vùng sâu,vùng xa mà thực ra chỉ là để giúp cho các trường yếu kém tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Xin hãy nhớ rằng ở các vùng đó rất cần có nguồn nhân lực có chất lượng để giải quyết những vấn đề đang là hóc búa, chứ đâu có cần “tăng cường” những kỹ sư, cử nhân đào tạo theo tinh thần“từ thiện”ấy. Đúng ra phải bằng mọi cách, mọi giá giúp nâng cao chất lượng GDPT ở các vùng này nhằm tạo cho được nguồn tuyển tốt tại chỗ mới là việc làm chính đáng của Ngành GD-ĐT.

Việc tăng quy mô tuyển sinh và số lượng trường ĐH công lập cũng đang bóp chết chủ trương xã hội hóa GDĐH. Nhiều trường ĐH ngoài công lập hiện đang có nguy cơ giải thể bởi không còn thí sinh đạt điểm sàn để mà tuyển. Sự nghiệp GD-ĐT nước ta cho dù đang vận hành trong nền kinh tế thị trường, nhưng nó vẫn cần có sự quản lý của Nhà nước với định hướng XHCN.

Vì vậy, mọi chương trình, kế hoạch về giáo dục, đào tạo con người dù thuộc Nhà nước đầu tư hay xã hội hóa cũng đều phải phục vụ cho định hướng ấy với sự điều tiết, quản lý đầy đủ và trách nhiệm cao của Nhà nước. Để sớm khắc phục được những sai lệch trên về đào tạo nguồn nhân lực, thiết nghĩ ít nhất Nhà nước nên có những đổi mới như sau:

1 – Chuyển đổi trình tự ưu tiên (nếu đúng có như vậy) từ Quy mô-Chất lượng-Hiệu quả thành Hiệu quả-Chất lượng-Quy mô . Trong đó, nên hiểu rằng nếu đào tạo mà không có hiệu quả thì dù có chất lượng cao cũng chẳng để làm gì, huống hồ là quy mô lớn. Điều đó nên trở thành quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta kể cả hiện nay và mai sau.

2 – Xóa bỏ chỉ tiêu phấn đấu đạt 400SV/ 1 vạn dân, nó là con số của nước ngoài, nó không có một ý nghĩa gì với đất nước ta ngoài việc làm lý do để tăng quy mô và số lượng trường đào tạo đại học một cách vô tội vạ, gây nên nhiều bất cập, bức xúc trong xã hội.

3 – Chỉ tiêu tuyển sinh, ngành nghề học của mỗi trường cũng như kinh phí đào tạo do Nhà nước cấp cho các trường công lập đều phải tính toán lại và phân bổ hợp lý theo tinh thần giảm mạnh quy mô và số trường đào tạo xuống còn vừa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trên cơ sở có sự điều tra, nắm bắt và tiên lượng nghiêm túc. Không để thiếu và cũng không được thừa nhiều mới là đúng hướng.

Nếu quy mô giảm còn 1/2, 1/3 thì chất lượng sẽ nâng lên được 2, 3 lần. Nếu quy mô giảm còn vừa đủ dùng thì chất lượng còn cao hơn nữa, và hiệu quả đào tạo sẽ đạt 100%, chính trị-xã hội ổn định và phát triển vững chắc.

4 – Trên cơ sở đó, quy hoạch lại mạng lưới trường của cả nước.Theo đó, chỉ nên giữ lại 6 trường ĐH công lập (Hà nội, Huế, TP.HCM mỗi nơi 2), các trường còn lại chuyển thành ngoài công lập; những trường ĐH,CĐ thiếu điều kiện đào tạo nên được đầu tư xây dựng thành trường dạy nghề, trong đó ưu tiên đào tạo các nghề cho nông dân nhằm giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hoặc lấy chỗ lập trường tiểu học, bệnh viện hiện đang có nhu cầu bức thiết.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội cũng thiếu chỗ cho các cháu bé học, bệnh viện thiếu cả chỗ cho bệnh nhân nằm, dân đang muốn khóc . Và cũng chỉ có vậy Nhà nước mới đủ lực để nâng cao suất đầu tư đào tạo, xây dựng các trường ĐH công lập đạt tiêu chuẩn trong vùng và quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chủ trương xã hội hóa GDĐH, cải thiện chất lượng và kết cấu nguồn nhân lực của đất nước.

Trong thời gian tới, một số trường, một số ngành học có thể phải tự đóng cửa do không đủ điều kiện đào tạo hoặc không có nhu cầu sử dụng, đó là điều tất yếu và cũng là sự trả giá cho những sai lầm, những lỗi hệ thống, cần được Nhà nước quan tâm.

 

2. Nhiều bất cập trong hệ giáo dục phổ thông [GDPT]:

Hệ GDPT làm nhiệm vụ nâng cao dân trí. Bất cập lớn trong hệ GDPT hiện nay chính là nội dung và phương pháp dạy và học chưa phù hợp, cũ kỹ, thậm chí có hại. Tại cấp học nào cũng rất nhiều môn học; mỗi môn đều dày đặc kiến thức, vừa rộng vừa sâu nhưng lại chưa phải là thật cần thiết cho việc rèn trí thông minh, khả năng tự học, tự đào tạo, tự phát triển của mỗi học sinh sau khi ra trường và suốt đời; Ngành nào, thày nào cũng muốn đưa cái của mình vào chương trình, giáo trình làm cho quyển sách cứ dày cộp dần một cách vô bổ, khổ cho các cháu đã không được vui chơi mà còn phải cõng cặp quá sức, ảnh hưởng đến cột sống là điều đáng lo.

Sách vở nhiều, nội dung lớn, thời lượng ít, thày trò phải dạy và học qua quýt cho xong. Để đạt yêu cầu riêng hoặc những chỉ tiêu thành tích đề ra, khi thi tốt nghiệp đều được các thày cho qua với tỷ lệ đỗ đạt rất cao, khi dự thi chung nghiêm túc một chút, phần lớn thí sinh đều không đạt điểm trung bình, thậm chí có nhiều điểm 0. Những gian lận trong thi cử của cá nhân hay có tổ chức, những vấn nạn dạy thêm, học thêm khó khắc phục v.v..cũng đẻ ra từ đó.

Về dạy và học làm người lại càng rõ nét hơn, học sinh khi ở lớp thường được điểm 9, 10 về môn Công dân, môn Đạo đức, khi ra khỏi lớp không ít cháu mách tục, chửi bậy, đánh nhau; về nhà không biết chào ông bà, cha mẹ, không biết nói lời xin lỗi, cám ơn, chứ đừng nói tới chuyện phải biết yêu quê hương, yêu đất nước, thực hiện nhiều điều lớn lao trong sách dày cộp kia rao giảng; Yêu cầu “Học đi đôi với hành”,”Tiên học lễ hậu học văn”cũng mới chỉ là những khẩu hiệu đẹp được treo lên nóc trường, và còn biết bao hiện tượng tiêu cực, những hành xử thiếu gương mẫu đang diễn ra một cách phổ biến trong môi trường giáo dục này.

Nếu cứ với nội dung, cách dạy, cách học và nền nếp giáo dục ấy, Việt nam ta rồi sẽ được thay thế bằng một thế hệ mới với những con người mà phần lớn là thiếu văn hóa, thiếu trung thực, đất nước sẽ hiếm nhân tài, nhiều tội phạm. Trong dịp đổi mới đối với hệ GDPT hiện hành, thiết nghĩ nên xem thêm cả nền giáo dục truyền thống nước ta trước đây: điều kiện dạy và học không được như ngày nay, học sinh đi học chỉ có cái bút, lọ mực, vài quyển vở mỏng.

Vậy thì với nội dung và phương pháp dạy chữ, dạy người thế nào mà nền giáo dục ấy đã để lại cho đất nước và chế độ ta những lớp người đáng quý, nhiều nhân tài xuất chúng, lỗi lạc, nhiều nhà khoa học lớn, vì dân vì nước đến thế; Ngay cả cha, ông của mỗi chúng ta, học vấn có thể không cao nhưng đức độ thì nay khó bì; Cũng cần học tập những quốc gia có nền giáo dục hiện đại, ở đó các cháu vừa học vừa chơi mà nguồn nhân lực của họ vẫn đáp ứng tốt cho yêu cầu CNH, HĐH, rất nhiều công trình khoa học đạt giải Nô-ben.

Với tinh thần thực sự cầu thị sẵn có của Đảng, của cơ quan hữu trách các cấp, của các trường và các thầy cô giáo, tin rằng những sai lầm, khuyết điểm, những lỗi hệ thống sẽ nhanh được khắc phục, nền Giáo dục nước ta sớm vươn lên bằng người.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – 6.300 câu hỏi cho bộ trưởng bộ GD&ĐT: đừng hứa suông và trả lời cho có!

Do Van Tien

VNTB – Sinh viên khốn đốn với chuẩn đầu ra ngoại ngữ

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Dạy trẻ em họp quốc hội bù nhìn và nói láo

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo