Việt Nam Thời Báo

VNTB – Làm giàu trên đất Mỹ: Nghề làm móng tay

Trâm Anh

 

Hoa kỳ du ký (kỳ 2)

 

(VNTB) – Chỉ cần một nửa năm lương là có đủ tiền để mua một căn nhà trị giá một triệu Mỹ kim.

 

Kỳ trước, tôi kể về cuộc sống sung túc của những người Việt ít học ở đất nước cờ hoa. Kỳ này, tôi sẽ về cách tầng lớp người Việt bình dân này làm giàu ở Hoa Kỳ.

Trong chuyến đi, chúng tôi ghé thăm một gia đình bình dân khác, người vợ làm chủ tiệm nail (sơn móng tay), anh chồng làm nghề hớt tóc. Căn nhà của anh chị có giá gần 1 triệu Mỹ kim, ở thành phố Westminster, tiểu bang California; 

Để vào thăm khu dân cư này, chủ nhà phải cho chúng tôi mật mã. Trước đến giờ, tôi chưa đến chỗ như vậy bao giờ. Tôi không biết cách dùng mật mã như thế nào. Lúng túng quá, phải đậu xe sang một bên để cho những xe khác vào. Tôi thấy các xe khác chỉ đi chậm lại khi vào đến gần cổng thì cánh cổng tự mở ra và họ chạy vào luôn; không phải đậu lại như tôi. Tôi đi xung quanh cổng, tìm mãi không tìm ra được chỗ nào để nhập mật mã. Cuối cùng, đành phải gọi anh chủ nhà ra đón. 

Khi anh vừa ra tới nơi cũng là lúc tôi tìm ra chỗ bấm mật mã và mở được cổng để đi vào.

Tôi hỏi anh tại sao những người khác không cần xuống xe vẫn vào được. Anh nói, họ là cư dân của khu này nên họ có bộ điều khiển từ xa. Ra vậy!

Làm sao một cặp vợ chồng làm chủ tiệm nail và làm nghề hớt tóc có thể sở hữu căn nhà trị giá một triệu Mỹ kim? Lương của một người thợ nail ở thành phố Los Angeles và vùng phụ cận có thể lên đến $1.800 Mỹ kim/tuần. Tôi có ghi đường dẫn tới một quảng cáo tìm thợ nail để bạn đọc kiểm chứng(1). Tiền tip (tiền khách cho thêm thợ) chiếm khoảng 25 đến 30% lương. Như vậy, một tuần, một người thợ ở vùng này kiếm được khoảng $2.250 Mỹ kim. Như vậy, thu nhập một năm khoảng 117 ngàn (52 tuần). 

Người làm chủ, nếu không làm thợ, có thu nhập ít nhất, cũng tương đương với một người thợ có tay nghề khá. Như vậy, một người có một tiệm nail, vừa làm chủ, vừa làm thợ, ở thành phố Los Angeles, có thu nhập hàng năm khoảng chừng 230 ngàn Mỹ kim. 

Tôi biết chị chủ nhà là chủ tiệm nail nhưng không biết anh chồng có làm chủ tiệm cắt tóc không. Nếu có, chắc thu nhập phải đến 400 ngàn Mỹ kim một năm, nếu thợ hớt tóc và chủ tiệm tóc có thu nhập bằng ¾ thu nhập của chủ tiệm và thợ nail.

Nếu đúng vậy, thì chỉ cần một nửa năm lương là có đủ tiền để mua một căn nhà trị giá một triệu Mỹ kim. Ở Mỹ, chỉ cần trả trước khoảng 20% tổng giá trị căn nhà khi mua. Số còn lại có thể trả trong nhiều chục năm. 

Nếu anh chồng chỉ làm thợ, thì có lẽ thu nhập của gia đình cũng gần 300 ngàn Mỹ kim một năm. Để mua nhà, cũng chỉ cần để dành khoảng 2/3 tổng thu nhập của một năm.

Để làm thợ làm móng tay có tốn nhiều tiền không? Ở Mỹ, để làm nghề sơn móng tay, cần có chứng chỉ hành nghề. Để có bằng này, có thể đến trường để học và thi. Học 400 giờ, thi đậu thì được cấp bằng hành nghề (2).  Học phí và lệ phí thi vào khoảng 2 đến 4 ngàn Mỹ kim nếu học ở trường từ đầu đến cuối (3). Nếu mua dụng cụ để về nhà tự học bằng cách sơn móng tay vào bàn tay giả, rồi tập sơn cho người trong nhà cho đến khi thành thạo. Cùng lúc đó, tự học lý thuyết ở nhà. Khi thấy kiến thức và kỹ năng đã vững thì đến trường xin học ngắn hạn và thi thì chi phí chỉ mất khoảng 1 ngàn Mỹ kim.

Học làm móng tay có khó không? Tôi nghĩ không khó. Một số người cho rằng khi lớn tuổi rồi, mắt mờ, tay chân không được lanh lẹ như hồi trẻ thì không làm được nhưng tôi thấy có nhiều chị làm móng tay là những phụ nữ đứng tuổi. Những người làm thợ nail thường là ít học (chưa tốt nghiệp cấp 3 bên Việt Nam). 

Để nói về mức độ dễ của nghề làm nail, có thể trích dẫn câu nói mà một số chị thợ sơn móng tay ở Mỹ hay nói đùa với nhau: “Ở Việt Nam em nàm lông, sang đây, em nàm leo.” Ý mấy chị nói ở Việt Nam làm nông (ruộng, rẫy), sang Mỹ sơn móng tay (làm nail). Nói chung là không đòi hỏi trình độ gì cả.

Làm chủ tiệm nail khó không? Ngoài vốn liếng và kinh nghiệm, thường là được tích lũy sau một thời gian làm thợ, người chủ cần biết một chút tiếng Anh giao tiếp. Một chút thôi. Chắc cũng như những người làm trong các nhà hàng, quán ăn cửa tiệm ở Quận 1, Sài Gòn; không cần phải biết quá nhiều. 

Tôi nhớ có một lần một chị chủ tiệm nail nhờ tôi đi cùng đến gặp một người tư vấn thuế (có tiệm, có thu nhập, phải khai thuế) chỉ biết nói tiếng Anh. Nếu chị tự tin với tiếng Anh của chị trong trường hợp này, chị đã không nhờ tôi đi cùng. Như vậy, bạn đọc đã biết mức độ tự tin của chị khi cần nghe nói chính xác về một việc chuyên môn. 

Khi nói chuyện, tôi thấy chị hay gật đầu; thỉnh thoảng lại nói “yes, yes”, “ok, okay.” Người tư vấn biết là chị không hiểu hết những điều ông ấy muốn nói, muốn hỏi nên quay qua hỏi tôi, nhờ tôi hỏi lại chị. Lúc về, tôi hỏi: “Bà có hiểu gì không mà cứ ‘yes’ goài vậy?” Chị cười cười nói: “Tui hiểu tui kêu ông đi với tui làm chi?” Tôi cũng thú thật với chị. Nhiều năm trước, tôi cũng từng bị gọi là Mr. Yes (nghe không hiểu mà cứ nói “yes”.).

Nghĩ tới những người thợ làm móng tay ở Sài Gòn, tự nhiên nước mắt tràn ra.

Tại sao vậy?

 

______________

Tài liệu tham khảo

  1. https://baonail.com/index.php?id=6213be6021
  2. https://aabeautycollege.com/cms/article_view.php?id=29
  3. https://jasminebeautyschool.com/Jasmine%20Beauty%20School%20Vietnamese%20Catalog.pd

 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Gặp nạn” tại Công viên Quốc gia Yellowstone

Phan Thanh Hung

VNTB – Khốn khổ với cái căn cước công dân!

Phan Thanh Hung

VNTB – Viếng thăm Công viên Quốc Gia Yellowstone – phần 1

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.