Việt Nam Thời Báo

VNTB – Một vài nhận xét về bài viết của ông Bộ Trưởng Tư Pháp Lê Thành Long (*)

Hoàng Lan Mộc Châu

 

 

(VNTB) – Để bồi đắp, tô vẽ thêm cho cái gọi là tư tưởng HCM, ông Bộ Trưởng diễn giải, cóp nhặt, lập đi lập lại từ các  bài viết nghe rất quen thuộc  từ đâu đó.

 

Sau khi lấp đầy tự ti mặc cảm của người cộng sản bằng những danh xưng được ráp thành những cái đuôi sau tên lãnh tụ của mình như: Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, ông Lê Thành Long Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tán thán thầy của mình, “Tuy đã đi xa [sic] hơn 5 thập niên, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Người về nhà nước và pháp luật là di sản vô giá và là nền tảng tư tưởng – lý luận mãi mãi soi đường cho tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật.

Ông Ủy Viên Trung Ương Đảng viết rằng, luận điểm quan trọng hàng đầu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật là lấy dân làm gốc

Thưa ngài Bộ Trưởng, “lấy dân làm gốc” không phải là luận điểm hàng đầu trong tư tưởng HCM về nhà nước pháp quyền. Câu này được cổ nhân Trung Hoa, Việt Nam, Nhật, Hàn… lấy làm kim chỉ nam theo lời dạy của Khổng Tử. Thấy sức mạnh của dân, Khổng tử đề xướng “nước phải lấy dân làm gốc”, quốc dĩ dân vi bản. Ông đề xuất phương thức lấy đức trị dân, vương đạo. Khang Hữu Vi cũng nhắc lại Dân Vi Bản, Vua Bảo Đại cũng nhiều lần lập đi lập lại câu đó.

Bảo rằng luận điểm hàng đầu trong tư tưởng HCM, nếu thật vậy, thì chỉ là ông HCM sao chép lại tư tưởng người xưa, có gì gọi là “kết quả của quá trình vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”. Để bồi đắp, tô vẽ thêm cho cái gọi là tư tưởng HCM, ông Bộ Trưởng diễn giải, cóp nhặt, lập đi lập lại từ các  bài viết nghe rất quen thuộc  từ đâu đó. 

Phần thứ hai, ông Bộ Trưởng ca ngợi HCM qua bản hiến pháp 1946 đã “xây dựng được một bộ máy  nhà nước đặc sắc, mạnh mẽ và sáng suốt”. 

Ông Bộ Trưởng viết, “Hiến pháp năm 1946 đã được thiết kế theo tư tưởng dân chủ, pháp quyền, tạo nên nguyên tắc và phương thức tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước sao cho lạm quyền, lộng quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm.

Bộ máy nhà nước có các thành tố cơ bản như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân và chính quyền địa phương” thực ra cũng chỉ là cóp nhặt những điều đã được viết trong các  bản hiến pháp của nhiều nước có tự do dân chủ thực sự trên thế giới mà phần lớn là của Hoa Kỳ. Nhưng có nhiều điều nực cười là hiến pháp viết vậy, ĐCSVN cắt nghĩa hiến pháp của họ hoàn toàn khác.

Bản hiến pháp 1946 bắt chước các bản hiến pháp của các nước dân chủ tiến bộ, nhưng đảng cộng sản cho đến nay tuyệt đối không công nhận tam quyền phân lập. Hành pháp, lập pháp, tư pháp và cả thông tin, báo chí đều đặt dưới sự kiểm soát của đảng, là chân tay của đảng. Bản hiến pháp bắt chước tuyên ngôn độc lập Mỹ, nói chính quyền phải là “của dân, do dân, vì dân” nhưng thực tế ĐCSVN nắm toàn quyền cai trị dân.

Người ta không nhìn thấy dân làm chủ chỗ nào, chỉ thấy đảng lãnh đạo và nhà nước quản lý người dân. Quốc hội thực tế chỉ là bù nhìn. Quyền ứng cử của dân không có, bầu cử cũng chỉ là trò hề. Chủ tịch quốc hội phải là đảng viên nòng cốt, một trong tứ trụ của đảng, dân biểu phải là đảng viên hay phải trung thành với đảng. Dân chủ cho người dân ở đâu khi ngay trong nội bộ đảng còn kêu gọi phải có dân chủ. Chính HCM cũng xác định cái ý tưởng quái gở đảng lãnh đạo của ông ta bằng lời biện minh dối trá.

Ông Bộ Trưởng Tư Pháp viết, “Nhà nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Người từng khẳng định: “Dù nhân dân đã nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranh trong nước và mưu mô đế quốc xâm lược vẫn còn. Vì phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội cho nên Đảng vẫn phải tổ chức, lãnh đạo, giáo dục quần chúng, để đưa nhân dân lao động đến thắng lợi hoàn toàn” Cho đến nay, dù đàn em của ông luôn tự hào là đã hoàn thành vai trò cách mạng, thắng thực dân đế quốc, giành độc lập nhưng vẫn luôn nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối.

Một điều nực cười khi ông HCM nói, và đến nay đàn em của ông còn lập đi lập lại, biện minh cho sự coi rẻ người dân là, “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”, Những con heo trong chuồng suốt ngày ăn no ngủ kỹ không biết chúng có cảm thấy tự do không? Nên hiểu một điều đơn giản nhất là chỉ được cho ăn no, mặc đủ không có nghĩa là tạo ra hạnh phúc cho con người . Tự do không phải là dược ăn no, mặc đủ, nhân quyền lại càng không phải vậy. Cho rằng dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ vừa là cách xem dân như súc vật, vừa biểu lộ sư thiếu thông minh.

Nhưng cuối cùng thì ông Bộ Trưởng lại phủ nhận hai điều mà ông tô vẽ cho thấn tượng của ông ở trên là 1/lấy dân làm gốc và 2/ đẻ ra một bản hiến pháp dân chủ, bằng điều thứ 3: “Ba là, về xây dựng đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước, đặt lợi ích của Đảng lên trên hết.” ĐCSVN yêu cầu cán bộ, đảng viên đặt quyền lợi cá nhân, quyền lợi tập thể và ngay cả quyền lơi, danh dự tổ quốc dưới quyền lợi đảng. Điều này được các đảng viên tuyệt đối thi hành vì đảng viên sống dựa vào đảng. ĐCSVN khôn khéo cho đảng viên thấy quyền lợi của họ trên hết, vì quyền lợi đảng, người đỡ đầu, nuôi dưỡng đảng viên, được đặt lên trên hết. Còn đảng còn mình.

Chính vì cái tư tưởng độc tôn “Đảng trên hết, còn đảng còn mình”, người đảng viên cộng sản từ thấp nhất cho đến tổng bí thư đều mắc nhiều chứng bệnh giống nhau mà ông HCM đã nhìn ra như tự tôn, tự đại, khinh  người , không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác, thói ba hoa. Cũng từ đó   sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm” như “bệnh tham lam”, “bệnh lười biếng”, “bệnh kiêu ngạo”, “bệnh hiếu danh”, “thiếu kỷ luật”, “óc hẹp hòi”, “óc địa phương”, “óc lãnh tụ”. Tất cả những bệnh đó thường được che dấu dưới  bộ điệu giả hình, giả nhân giả nghĩa. 

Qua bài viết tự tôn tự đại kiểu cộng sản xuất phát từ tánh kiêu ngạo, không muốn học của ông Bộ Trưởng Tư Pháp và của nhiều chức sắc, giáo sư tiến sĩ trong đảng thấy rõ một điều vai trò của các quan chức Việt Nam không cần sáng tạo mà chỉ là ngồi tô vẽ thô thiển, giả dối cho hình tượng HCM, lập đi lập lại những câu chữ cũ kỹ, xáo mòn, vun đắp cho địa vị của đảng mình.


Tin bài liên quan:

VNTB – Nhiều dư luận viên bất ngờ bị ‘việt vị’

Phan Thanh Hung

VNTB – Ai chủ ai tớ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tôi là Nạn Nhân của cộng sản (*)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo