Diệp Chi
(VNTB) – Xã hội phát triển, tình hình thực tế như vậy mà vẫn chọn “Cô gái vót chông”, xem ra, chẳng ổn trong tầm nhìn một tí nào…
Thật ngạo nghễ Việt Nam khi ngay tại San Juan – thủ phủ và đồng thời là thành phố lớn nhất Puerto Rico, Hoa Kỳ lại vang lên giai điệu réo rắt của “Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo…” từ một cô gái xinh đẹp đến từ Thanh Hóa, Việt Nam.
Những ngày qua, bên cạnh những thông tin liên tục được cập nhật về tình hình dịch bệnh Covid-19, thì câu chuyện về cô nàng hoa hậu đến từ xứ Thanh Hóa, Đỗ Thị Hà, được không ít người quan tâm đến. Bàn luận sôi nổi không chỉ trên mạng xã hội mà còn bên bàn ăn, bàn cà phê, đó là phần thi thể hiện khả năng đánh đàn T’rưng với tác phẩm Cô gái vót chông (nhạc sĩ Hoàng Hiệp) tại cuộc thi Miss World 2021 (Hoa hậu thế giới).
Sở dĩ gây ra tranh luận, phản đối có, ủng hộ có, trung dung cũng có, là vì phần lời trong bài nhạc Cô gái vót chông có đoạn: “Mỗi mũi chông nhọn hoắc căm thù/ Xiên thây quân cướp nào vô đây/ Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo/ Em chưa ngừng tay vót chông rào buông rẫy/ Nhưng mai đây giặc chạy rồi/ Tre rừng ta làm nhà làm chòi cao/ Ê chân ta đi chưa nghỉ, trời chưa xanh/ Em còn vót chông nhiều làm cạm bẫy/ Ê quân xâm lăng gian ác bay muốn vào mũi chông sẵn sàng đây/ Chờ bọn bay diệt bọn bay!”…
Bài nhạc này, nếu đặt trong hoàn cảnh trước năm 1975, có thể nói, mang một âm hưởng vô cùng “khát máu”. Có ý kiến cho rằng, với những tội ác, mà theo sách giáo khoa lịch sử đã từng dạy cho học sinh, giặc Mỹ đem lại cho đồng bào Việt Nam thì đây là chuyện bình thường. Cứ tạm cho là đúng đi, vậy thì vì sao lại không có bài nhạc nào mang tính chất “khát máu” với Trung Quốc? Vì sao nhạc phẩm dưới thời Việt Nam Cộng Hòa lại không có tính chất “khát máu” như Cô gái vót chông?
Thôi thì đó là câu chuyện của quá khứ. Hiện tại là năm 2021, hoa hậu đại diện Việt Nam đi thi ở nước ngoài, liệu Cô gái vót chông đặt trong hoàn cảnh, trong thời gian này, có phù hợp?
Theo thông tin từ trang web của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam thì từ những năm 1995 Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở thành đối tác đáng tin cậy với tình hữu nghị dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau.
Hoa Kỳ – Việt Nam có mối quan hệ hợp tác ngày càng tích cực và toàn diện, và đã phát triển thành quan hệ đối tác vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh và giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, góp phần đảm bảo an ninh quốc tế; tham gia các quan hệ thương mại hai bên cùng có lợi; và tôn trọng nhân quyền và pháp quyền.
Mối quan hệ song phương được định hướng bởi Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam ký kết năm 2013 – đây là một khuôn khổ tổng thể nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương; và các Tuyên bố chung do lãnh đạo hai nước ban hành vào các năm 2015, 2016, và tháng 5 và tháng 11 năm 2017.
Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ đã kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác.
Bên cạnh đó, trong suốt thời gian gần đây, nhằm mục đích cùng chung tay với Việt Nam chiến thắng Covid-19, Hoa Kỳ liên tục viện trợ vaccine hữu hiệu, thùng bảo quản vaccine cho Việt Nam với con số tính đến ngày 27-11-2021, theo trang fanpage U.S. Consulate General – Ho Chi Minh City là +20.5 triệu liều (cách xa so với Trung Quốc).
Cũng nói thêm về Trung Quốc viện trợ vắc-xin cho Việt Nam, theo thông tin ghi nhận từ báo chí trên mạng Internet, dừng lại ở tháng 9-2021.
Trang thông tin của Bộ y tế cũng viết: “Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị công bố Trung Quốc sẽ viện trợ thêm 3 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam trong năm nay, nâng tổng số vắc-xin viện trợ của Trung Quốc lên 5,7 triệu liều; một số địa phương của Trung Quốc cũng viện trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế cho các địa phương Việt Nam. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung Quốc”.
Một điều dễ dàng nhận thấy, Cô gái vót chông được đem đi trình diễn trước công chúng quốc tế là một điều hoàn toàn không phù hợp.
Trả lời báo chí, giải thích cho vấn đề này, bà Phạm Kim Dung – Chủ tịch Miss World Vietnam cho biết: “Hoa hậu Đỗ Thị Hà đã luyện tập đánh đàn T’rưng từ nhiều tháng trước đó với mong muốn mang đến một màn trình diễn chỉn chu tại cuộc thi Miss World 2021. Ban đầu đại diện Việt Nam và ê-kíp đã chọn lựa ca khúc “Despacito” – giai điệu đặc trưng trên mảnh đất Puerto Rico để trình diễn.
Tuy nhiên, vì không phù hợp với tính chất của đàn T’rưng nên Hoa hậu Đỗ Thị Hà và cô giáo hướng dẫn âm nhạc đã quyết định thay đổi sang một bản nhạc quen thuộc, mang âm hưởng núi rừng, hợp âm cơ bản và phù hợp với những người mới chơi đàn T’rưng, đó là bài Cô gái vót chông.
Đây chỉ là giai điệu trên đàn T’rưng, không có lời bài hát. Tuy nhiên, gần đây trên mạng xã hội lại xuất hiện những thông tin hiểu nhầm tiêu cực về màn trình diễn của Hoa hậu Đỗ Thị Hà là tiết mục hát tại cuộc thi Miss World.
Chúng tôi hy vọng các khán giả hãy hiểu rõ vấn đề, có góc nhìn tích cực về đại diện Việt Nam và tiếp tục ủng hộ Hoa hậu Đỗ Thị Hà trong những phần thi quan trọng tại Miss World 2021 sắp tới”.
À, nói theo dân giã, thì đây chỉ là ‘cách làm màu’, chứ thiệt ra chẳng tài cán chi hết trong chuyện âm nhạc, nên trách móc làm gì với một cô gái ‘múa rìu qua mắt thợ’.
“Lý giải của bà Dung là hoàn toàn không hợp lý. Vì sao? Vì cô hoa hậu phải tốn một khoảng thời gian để học chơi đàn T’rưng để ‘diễn’, chứ không phải là của thú đam mê nhạc cụ này.
Ban đại diện Việt Nam cũng như cô giáo hướng dẫn phải biết bài nào phù hợp với đàn T’rưng mà chỉ cho cô hoa hậu này từ sớm, chứ ai đời lại đổ thừa như vậy được. Nếu không có bài phù hợp, vì sao cô hoa hậu vẫn khăng khăng chọn đàn T’rưng trong khi đó Việt Nam có không ít dụng cụ âm nhạc?
Thôi thì cứ cho rằng cô nghe cô thích đi, vậy tại sao cô lại đồng ý chọn Cô gái vót chông? Cô hoàn toàn có thể đưa ra ý kiến cá nhân, góp ý với ban tổ chức mà. Không lẽ ban tổ chức và cô giáo lại “bá đạo” không cho cô tự do ngôn luận?” – một người dân thắc mắc.
“Có thể cô vào vòng trong nhưng không đồng nghĩa với việc quyết định của ban tổ chức là chính xác. Đơn giản, cô chỉ trình bày gõ chứ không có hát. Người ta nghe là nghe giai điệu. Thế nhưng không phải tất cả mọi người đều không nghe, không đọc được lời bài hát. Người ta có thể không nói ra nhưng việc đại diện Việt Nam mà như vậy sẽ làm cho Việt Nam xấu xí, nhỏ mọn trước mắt quốc tế” – một ý kiến khác.
Tựu trung lại, nếu như cô hoa hậu chỉ đơn thuần là đem âm nhạc của Việt Nam ra thế giới, thế thì câu chuyện Cô gái vót chông, lỗi hoàn toàn thuộc về Ban tổ chức Miss World Vietnam? Xã hội phát triển, tình hình thực tế như vậy mà vẫn chọn Cô gái vót chông, xem ra, chẳng ổn trong tầm nhìn một tí nào…