Đông Đô
(VNTB) – Chiều 24 Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh chống giặc Trung Quốc xâm lược.
Tin tức cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của trung ương đã dâng hương tại khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn; thăm, chúc Tết, tặng quà công nhân lao động, lực lượng biên phòng, các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, đồng bào dân tộc, hộ nghèo tại vùng đất biên cương này của Tổ quốc.
Tham gia đoàn có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, thượng tướng Lê Huy Vịnh – thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, trung tướng Lê Đức Thái – tư lệnh Bộ đội biên phòng, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực.
Tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn ở xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, trong không khí trang nghiêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của trung ương đã thành kính dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới vì sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nơi đây, ngày 17-2-1979, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 209 nay là Đồn biên phòng Pò Hèn, Bộ đội biên phòng Quảng Ninh và cán bộ Lâm trường Hải Sơn, nhân viên thương nghiệp Móng Cái đã ngoan cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trước giặc xâm lược đến từ Trung Quốc.
Ở đài tưởng niệm có hai tấm bia, tấm bia thứ nhất ghi tên 45 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hy sinh tại đồn sáng ngày 17-2-1979, còn tấm bia thứ 2 ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh trong các giai đoạn từ ngày 15-2-1980 và người hy sinh cuối cùng tại biên giới Pò Hèn ngày 25-6-1991 cùng 28 liệt sĩ, gồm có nữ liệt sĩ duy nhất Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân Lâm trường cùng hy sinh ngày 17-2-1979.
Trong cuộc chiến đấu khốc liệt đó, có một lời hẹn ước của đôi trai gái đã không thành hiện thực. Đó là chuyện tình của liệt sĩ Bùi Văn Lượng, chiến sĩ biên phòng đồn Pò Hèn và nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm.
Ông Bùi Văn Huy (anh trai của liệt sĩ Bùi Văn Lượng) kể lại, em trai ông và cô nữ mậu dịch viên yêu nhau hơn một năm. Vào dịp Tết Nguyên đán 1979 (trước trận đánh ngày 17-2), Lượng dẫn Chiêm về quê ăn Tết, nói với gia đình ra Giêng sẽ xin cưới.
Vào buổi sáng định mệnh đó, cô mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm nhận lệnh của chỉ huy lên cửa hàng cũ ở Pò Hèn dọn dẹp một số hàng rồi rút về tuyến sau, tiện dịp cô ghé thăm người yêu. Khi thấy tình hình chiến sự ác liệt, cô đã xin được ở lại chiến đấu cùng. Đám cưới chưa kịp đến thì cả hai đã anh dũng hy sinh. Năm ấy, Hoàng Thị Hồng Chiêm 25 tuổi, còn chiến sĩ biên phòng Bùi Văn Lượng 26 tuổi.
Phải đến 38 năm sau, vào tháng 8-2017, gia đình của hai liệt sĩ Lượng – Chiêm mới gặp lại nhau và cùng đồng đội cũ tổ chức lễ cưới đặc biệt, với hành trình rước dâu Hạ Long – Móng Cái. Nghi thức cho đám cưới đặc biệt này cũng đầy đủ như bao đám cưới khác, trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè và những đồng đội cũ của hai bên.
Chỉ có điều đặc biệt là hai họ đón dâu, rể là đón nhận 2 tấm ảnh chân dung của hai liệt sĩ. Gia đình nhà trai đem lễ và ảnh liệt sĩ Lượng từ Hạ Long ra Móng Cái. Xin dâu xong, nhà trai gửi lại nhà gái ảnh của liệt sĩ Lượng và rước ảnh chân dung của liệt sĩ Chiêm về Hạ Long…
Tên tuổi của các anh hùng, liệt sĩ đã được khắc ghi tại nơi này để lưu truyền cho đến mãi mai sau, như đôi câu đối khắc ghi trong Khu tưởng niệm: “Anh hùng tuy khuất mảnh gương sử sách vẫn còn nguyên/ Dân tộc dõi truyền bia miệng công ơn khôn xiết kể”, và “Truyền thống muôn đời tạc tâm can/ Công đức nghìn năm ghi bia đá”.
…Và phải đến cái giỗ chung lần thứ 43 này, thì nếu không lầm, đây là lần đầu tiên mới có một lãnh đạo cấp cao nhất trong chính phủ đến thắp cây nhang cùng dĩa trái cây cho tưởng niệm anh linh những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến chống giặc Trung Quốc xâm lược ở Pò Hèn.
Lịch sử chưa ghi nhận danh tánh một Tổng bí thư nào ở 43 năm qua đã cúi đầu ở đài tưởng niệm người lính Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trước giặc Trung Quốc.